UNICEF: 20% trẻ em ở các quốc gia có thu nhập cao sống trong nghèo khổ

Theo báo cáo của UNICEF, Mỹ và New Zealand là những nước có chất lượng sống của thanh thiếu niên kém nhất trong số những quốc gia có thu nhập cao.
UNICEF: 20% trẻ em ở các quốc gia có thu nhập cao sống trong nghèo khổ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: dw.com)

Theo một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 15/6, Mỹ và New Zealand là những nước có chất lượng sống của thanh thiếu niên kém nhất trong số những quốc gia có thu nhập cao.

Báo cáo của UNICEF dựa trên một khảo sát về phúc lợi cho thanh thiếu niên do UNICEF tiến hành tại 41 quốc gia có thu nhập cao, xếp hạng các quốc gia dựa trên các yếu tố như giáo dục, sức khỏe tinh thần, lạm dụng rượu bia, các cơ hội kinh tế và môi trường.

[600 triệu trẻ em trên thế giới có nguy cơ sống trong cảnh thiếu nước]

Theo báo cáo này, cứ 5 trẻ em ở các quốc gia có thu nhập cao thì có 1 trẻ (20%) sống trong nghèo khổ, gần 13% số trẻ em ở các quốc gia này không được đáp ứng đủ thực phẩm an toàn và đầy đủ dinh dưỡng. Con số này là 20% tại Mỹ và Anh.

Đức và các nước Bắc Âu là các quốc gia đứng đầu danh sách, trong khi Romania, Bulgaria và Chile đứng ở vị trí thấp nhất, New Zeland và Mỹ ở vị trí 34 và 37.

Về lĩnh vực sức khỏe tinh thần ở thanh thiếu niên, New Zealand là nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới đối với thanh thiếu niên từ 15 đến 19 tuổi, gần gấp 3 lần mức trung bình của các quốc gia được khảo sát.

Báo cáo này nhấn mạnh tỷ lệ thanh thiếu niên có vấn đề về sức khỏe tinh thần và béo phì đang ngày càng gia tăng ở phần lớn các quốc gia tham gia khảo sát.

Giám đốc văn phòng nghiên cứu Innocenti của UNICEF, bà Sarah Cook, cho biết nước có thu nhập cao chưa chắc đảm bảo được điều kiện sống tốt cho thanh thiếu niên và có thể làm sâu sắc hơn sự phân hóa giàu nghèo.

Ngay cả ở Nhật Bản và Phần Lan, trong số những nước xếp hạng tốt nhất trong danh sách các quốc gia được khảo sát, thì cũng có 1/5 số trẻ trong độ tuổi 15 không đạt được các tiêu chuẩn giáo dục cơ bản.

Bà khuyến cáo các chính phủ cần có hành động để giảm sự bất bình đẳng và kêu gọi các nước cần tập trung nhiều hơn vào thanh thiếu niên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục