UNICEF: Khó loại bỏ được nạn tảo hôn trong vòng 300 năm nữa

UNICEF cho biết nếu tỷ lệ tảo hôn giảm với tốc độ hiện nay, khoảng 9 triệu trẻ em gái sẽ phải kết hôn sớm trong năm 2030 và có thể phải đợi tới 300 năm nữa, thế giới mới có thể loại bỏ nạn tảo hôn.
UNICEF: Khó loại bỏ được nạn tảo hôn trong vòng 300 năm nữa ảnh 1Các cô dâu "nhí" trong một lễ cưới tập thể ở Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 2/5 cho thấy tình trạng tảo hôn đã giảm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, UNICEF nhận định với tốc độ hiện tại, tình trạng này sẽ không được xóa bỏ vào năm 2030 theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Bà Claudia Cappa, tác giả chính của báo cáo, nhấn mạnh nỗ lực loại bỏ tục tảo hôn đã đạt được tiến bộ, đặc biệt là trong 10 năm qua, tuy nhiên thế vẫn là chưa đủ.

"Tin tốt là tình trạng tảo hôn đang sụt giảm trên toàn cầu. Trong 10 năm qua, tỷ lệ kết hôn ở trẻ em đã giảm từ mức 23% xuống còn 19% tổng số các cuộc hôn nhân trên toàn cầu. Tuy nhiên, tốc độ sụt giảm không đủ nhanh để đạt được mục tiêu loại bỏ tình trạng tảo hôn trước năm 2030. Nếu tình hình không thay đổi, chúng ta sẽ cần 300 năm nữa để xóa bỏ hoàn toàn các cuộc hôn nhân của trẻ dưới 18 tuổi," bà Claudia Cappa cho biết.

Theo ước tính của UNICEF, khoảng 640 triệu bé gái và thiếu nữ đã kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi. Trung bình mỗi năm, khoảng 12 triệu trẻ em gái phải trở thành cô dâu khi còn đang ở tuổi đi học.

Trong 25 năm trở lại đây, tốc độ tăng số vụ tảo hôn như vậy đang chậm lại.

Cụ thể, năm 1997, khoảng 25% nữ giới từ 20-24 tuổi kết hôn trước năm 18 tuổi. Đến năm 2012, con số này giảm xuống còn 23%, tiếp đó, giảm còn 19% vào năm 2022.

Mặc dù vậy, nếu tỷ lệ tảo hôn giảm với tốc độ hiện nay, khoảng 9 triệu trẻ em gái sẽ phải kết hôn sớm trong năm 2030.

[Khu vực Nam Á có số nữ giới tảo hôn cao nhất thế giới]

"Tình trạng tảo hôn có nhiều nguyên nhân khác nhau tùy vào mỗi quốc gia. Tuy nhiên, một số điểm chung chính là tình trạng nghèo đói và thiếu cơ hội phát triển dành cho các bé gái. Tình trạng bất bình đẳng giới, mang thai trước khi kết hôn và luật pháp lỏng lẻo cũng là một số nguyên nhân của xu hướng này," tác giả báo cáo nhận định.

Bên cạnh đó, UNICEF cũng lo ngại sự ảnh hưởng của của đại dịch COVID-19, xung đột toàn cầu và tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu có thể đảo ngược những thành quả mong manh vừa đạt được về tình trạng tảo hôn trên thế giới.

Báo cáo của UNICEF cho biết chỉ riêng đại dịch COVID-19 đã có thể là nguyên nhân gây ra thêm 10 triệu cuộc hôn nhân ở lứa tuổi vị thành niên từ năm 2020 đến năm 2030.

"Thế giới đang chìm trong cảnh khủng hoảng chồng lên khủng hoảng. Điều đó đang dập tắt hy vọng và ước mơ của những đứa trẻ dễ bị tổn thương, đặc biệt là những bé gái lẽ ra phải được đến trường chứ không phải trở thành cô dâu," Giám đốc UNICEF Catherine Russell cho biết trong một tuyên bố.

Những cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19 khiến nhiều gia đình ở các nước nghèo cảm thấy rằng gả con cái sớm là một biện pháp an toàn. Kết hôn sớm cũng là một cách để bớt đi một miệng ăn trong gia đình.

"Mặc dù kết hôn trẻ em rõ ràng là vi phạm quyền trẻ em, các gia đình thường coi đó là biện pháp nhằm bảo vệ các bé gái, mang lại sự an toàn tài chính, xã hội hoặc thậm chí là thể chất," báo cáo của UNICEF lưu ý.

Về mặt địa lý, những cải cách chính sách tại Nam Á là động lực chính giúp tỷ lệ kết hôn của trẻ em gái toàn cầu sụt giảm. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chiếm khoảng 45% trong số 640 triệu phụ nữ đã kết hôn trước tuổi 18. Riêng Ấn Độ, tỷ lệ này chiếm 1/3.

UNICEF đặc biệt quan tâm đến tình hình ở châu Phi cận Sahara, nơi dường như đang đi ngược lại xu hướng của thế giới khi cứ 3 bé gái lại có một em kết hôn. Dự kiến số lượng cô dâu trẻ em ở khu vực này sẽ tăng 10% vào năm 2030.

Khu vực Tây Phi và Trung Phi có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới. Trong số 10 quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất toàn cầu thì có 7 nước đến từ khu vực này.

Kết hôn trẻ em là hành vi vi phạm quyền con người, thường xảy ra đối với trẻ em gái dễ bị tổn thương, nghèo khó và bị gạt ra ngoài lề xã hội nhất.

Điều này cũng gây tác hại cho cộng đồng và xã hội thông qua trói buộc các cô dâu trẻ em và gia đình của các em vào một chu kỳ nghèo đói kéo dài qua nhiều thế hệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục