Unilever bán mảng sản phẩm bơ thực vật cho một công ty của Mỹ

Unilever đồng ý bán mảng kinh doanh sản phẩm bơ thực vật và đồ phết bánh với giá 8,04 tỷ USD cho công ty tư nhân KKR của Mỹ để tập trung vào các sản phẩm đang có tốc độ phát triển nhanh hơn.
Unilever bán mảng sản phẩm bơ thực vật cho một công ty của Mỹ ảnh 1(Nguồn: bbc.com)

Doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Unilever (Anh-Hà Lan) mới đồng ý bán mảng kinh doanh sản phẩm bơ thực vật và đồ phết bánh với giá 6,83 tỷ euro (8,04 tỷ USD) cho công ty tư nhân KKR của Mỹ, để tập trung vào các sản phẩm đang có tốc độ phát triển nhanh hơn.

Các thương hiệu được Unilever bán bao gồm Becel, Flora, Country Crock và Blue Band. Unilever đã rao bán những thương hiệu trên kể từ tháng Tư năm nay sau khi tiến hành kiểm tra lại những tài sản của họ.

Cuộc kiểm tra được khởi động sau khi Kraft Heinz đề xuất mua Unilever với giá 143 tỉ USD, song không thành.

[Tất cả đồ ăn, thức uống bạn từng dùng đều thuộc về 10 công ty này]

Giám đốc điều hành (CEO) của Unilever, ông Paul Polman cho biết vụ mua bán với KKR đánh dấu một bước tiến nữa trong việc tái định hình danh mục đầu tư của doanh nghiệp nhằm đảm bảo cho sự phát triển dài hạn.

Hoạt động kinh doanh các sản phẩm đồ phết bánh mỳ đã suy giảm trong nhiều năm nay vì người tiêu dùng ngày càng ít ăn bánh mì và bơ thực vật. Song Unilever đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn sự suy giảm đó và giúp lĩnh vực có lợi nhuận.

Điều đó đã khiến cho lĩnh vực đồ phết bánh trở nên hấp dẫn các công ty đầu tư doanh nghiệp tư nhân, những nhà thầu chính trong cuộc đấu giá do ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley điều hành.

Cuộc đàm phán giữa KKR với Unilever dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2018 và phải nhận được sự chấp thuận của các nhà chức trách cũng như cần tham vấn với các nhân viên.

Số liệu mới nhất được công bố cho thấy doanh số bán hàng của Unilever bất ngờ giảm. Mảng sản phẩm chăm sóc cá nhân, vốn được coi là nổi trội nhất của Unilever, chỉ tăng trưởng 2,4% trong các tháng 1-9/2017.

Lý giải cho việc kết quả kinh doanh sụt giảm, Giám đốc kinh doanh mảng chăm sóc cá nhân Alan Jope cho biết thị trường toàn cầu tăng chậm lại, và mức tăng tại Indonesia và Brazil - hai thị trường lớn của Unilever - đang yếu đi.

Tuy vậy, lợi nhuận nửa đầu năm 2017 của Unilever vẫn tăng 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 3,3 tỷ euro (3,8 tỷ USD). CEO Paul Polman cho biết rằng tỷ lệ lợi nhuận tăng cao trong nửa đầu năm nay cho thấy một sự tăng trưởng lợi nhuận ổn định, cho dù môi trường kinh doanh trên toàn cầu có nhiều biến động. (1 euro = 1,1764 USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục