USAID: VN đi đầu dùng bảo hiểm y tế hỗ trợ dịch vụ điều trị HIV

Giám đốc USAID đánh giá Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á cam kết nhanh chóng đạt được mục tiêu 90-90-90 do UNAIDS khởi xướng.
USAID: VN đi đầu dùng bảo hiểm y tế hỗ trợ dịch vụ điều trị HIV ảnh 1Tư vấn cho bệnh nhân trong công tác phòng chống HIV/AIDS. (Ảnh: TTXVN)

Theo thống kê, nếu như năm 2015, chỉ có 30% bệnh nhân HIV điều trị bằng thuốc ARV có thẻ bảo hiểm y tế thì đến nay, đã có 89% bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV có thẻ này. Đến hết năm 2018, con số này sẽ vượt trên 90%.

Trong khi nguồn thuốc ARV viện trợ từ tổ chức quốc tế ngày càng cạn kiệt, việc tiếp tục điều trị ARV thông qua nguồn thuốc do bảo hiểm y tế chi trả là cơ chế tài chính bền vững cho điều trị thuốc kháng virus ở Việt Nam.

[Vẫn còn khoảng 50.000 người có HIV/AIDS chưa được phát hiện]

Nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững cho tiếp cận thuốc ARV cho người nhiễm HIV trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế đang giảm dần và có thể sẽ chấm dứt hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp sau năm 2020, Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu y tế và dân số giai đoạn 2016-2020 đã quy định “từ năm 2019, thanh toán thuốc từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế.”

Theo đánh giá từ Bộ Y tế, những năm qua Việt Nam đã có nhiều kết quả trong công tác phòng chống bệnh HIV/AIDS. Tuy nhiên, trước mắt còn nhiều khó khăn thách thức.

Tại hội thảo hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán thuốc ARV nguồn quỹ bảo hiểm y tế năm 2019 đối với các cơ sở điều trị HIV/AIDS do Bộ Y tế tổ chức ngày 20/11, bà Ritu Singh - Giám đốc Chương trình Y tế Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) có những chia sẻ, đánh giá về công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam hiện nay.

- Bà đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam khi thực hiện mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đang triển khai?

Bà Ritu Singh: Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á cam kết nhanh chóng đạt được mục tiêu 90-90-90 do UNAIDS khởi xướng.

Theo đó 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virus, và 90% số người điều trị đạt được ngưỡng ức chế tải lượng virus.

USAID: VN đi đầu dùng bảo hiểm y tế hỗ trợ dịch vụ điều trị HIV ảnh 2Bệnh nhân điều trị HIV tham vấn điều trị trong cộng đồng. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Việt Nam đã làm rất tốt việc kiểm soát dịch HIV. Dịch HIV ở VIệt Nam hiện tập trung vào một số nhóm nguy cơ cao như nhóm người nghiện chích ma tuý, phụ nữ mại dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới.

Tỷ lệ lây nhiễm HIV cả nước đã giảm đáng kể trong suốt một thập kỷ qua nhưng vẫn còn nhiều quan ngại về tình trạng nhiễm HIV gia tăng ở các nhóm nguy cơ cao đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới ở các khu vực thành thị như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lân cận.

- Qua theo dõi, đánh giá về công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, bà đánh giá như thế nào về những sáng kiến của Việt Nam nhằm kiểm soát dịch HIV/AIDS?

Bà Ritu Singh: Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục triển khai mạnh mẽ các mô hình và sáng kiến nhằm kiểm soát dịch HIV. Chẳng hạn như mô hình điều trị thay thế nghiện chất bằng Methadone, giúp giảm đáng kể sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng nhóm nghiện chích ma tuý.

Gần đây nhất, Chính phủ Việt Nam đã thí điểm mô hình Prep - điều trị dự phòng trước lây nhiễm để ngăn ngừa lây nhiễm ở các nhóm có nguy cơ cao nhất.

Việt Nam đã triển khai mô hình phòng chống dịch dựa trên mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Chính phủ với các tổ chức cộng đồng. Các tổ chức và nhóm cộng đồng này hiểu rõ và có thể tiếp cận các nhóm đích và là hạt nhân trong việc tìm kiếm các ca nhiễm mới và kết nối họ với các dịch vụ điều trị.

Việt Nam cũng đi đầu trong việc đạt được ức chế tải lượng virus trên 93%. Đây là một kết quả tuyệt vời bởi nếu người bệnh đạt được ngưỡng ức chế tải lượng virus thì khả năng lây nhiễm virus ra cộng đồng là bằng không.

USAID: VN đi đầu dùng bảo hiểm y tế hỗ trợ dịch vụ điều trị HIV ảnh 3Bà Ritu Singh - Giám đốc Chương trình Y tế Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế về chi trả điều trị ARV thông qua bảo hiểm y tế và làm thế nào để triển khai hiệu quả?

Bà Ritu Singh: Trên thế giới rất ít các quốc gia sử dụng bảo hiểm y tế để chi trả cho dịch vụ điều trị HIV mà phần lớn là dùng tiền thuế để trợ cấp miễn phí điều trị cho bệnh nhân HIV.

Trong 15 nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nằm trong chương trình PEPFAR hỗ trợ, Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua bảo hiểm y tế để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân.

Có được điều này là nhờ có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với chăm sóc y tế nói chung và HIV nói riêng.

Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt được bao phủ y tế toàn dân vào năm 2020; huy động nguồn lực trong nước và giảm phụ thuộc vào nguồn tài trợ nước ngoài cho công tác phòng phòng chống HIV, sử dụng bảo hiểm y tế như là cơ chế tài chính bền vững cho điều trị thuốc kháng virút ở Việt Nam.

- Bà đánh giá như thế nào về giải pháp Việt Nam trong bối cảnh bị cắt giảm nhiều nguồn lực từ quốc tế viện trợ cho công tác phòng chống HIV/AIDS đã chọn bảo hiểm y tế như một giải pháp lâu dài cho những bệnh nhân có HIV?

Bà Ritu Singh: Tính đến thời điểm này, Chính phủ Việt Nam đã đạt được các kết quả rất khả quan: Số bệnh nhân HIV tham gia bảo hiểm Y tế tăng từ 40% trong năm 2014 lên 89% năm 2018, tăng hơn gấp đôi trong khoảng 4-5 năm trở lại đây.

Đến tháng 1/2019, bảo hiểm y tế bắt đầu được sử dụng để chi trả cho khoảng 48.000 bệnh nhân HIV với chi phí dành cho thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm là khoảng 6 triệu USD. Trong thời gian 2-3 năm tới, bảo hiểm sẽ là nguồn lực chính chi trả các chi phí điều trị cho toàn bộ bệnh nhân HIV có tham gia bảo hiểm y tế.

Việt Nam là nước dẫn đầu trong công tác này và là mô hình cho các quốc gia khác học tập. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tự hào được hợp tác và đồng hành với Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục triển khai và hiện thực hóa việc thanh toán các dịch vụ điều trị HIV thông qua bảo hiểm y tế.

Bước tiếp theo sẽ là đưa một số dịch vụ dự phòng HIV vào gói dịch vụ y tế cơ bản được thanh toán qua bảo hiểm y tế.

Xin trân trọng cảm ơn bà Ritu Singh!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục