Phần lớn xanh sàn

USD mạnh, chứng khoán châu Á phần lớn xanh sàn

Chứng khoán châu Á phần lớn xanh sàn bất chấp việc Phố Wall và các sàn chứng khoán châu Âu giao dịch không thành công trước đó.
Sau khi đã giảm trên phần lớn các sàn chủ chốt trong phiên 15/8, chứng khoán châu Á sáng ngày 16/8 hầu hết đã đảo chiều đi lên bất chấp việc Phố Wall và các sàn chứng khoán châu Âu giao dịch không mấy thành công trong đêm trước.

Dẫn đầu đà tăng là thị trường Nhật Bản trong bối cảnh đồng USD mạnh lên so với đồng yen khi kỳ vọng của thị trường vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra các chính sách nới lỏng tiền tệ ngày càng mờ nhạt, trong khi hy vọng về kế hoạch tái mua trái phiếu của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cùng gói kích thích kinh tế mới của Chính phủ Trung Quốc vẫn còn le lói.

Các nhà xuất khẩu Nhật Bản là những người được hưởng lợi nhiều nhất khi đồng yen yếu đi, và trong phiên này, đồng yen đã tụt xuống mức thấp nhất trong bốn tuần qua so với đồng bạc xanh.

Đóng cửa phiên 16/8, hầu như tất cả các sàn chủ chốt trong khu vực đều tăng điểm, trong đó Nikkei 225 của Nhật Bản tăng mạnh 1,88% (167,72 điểm) lên 9.092,76 điểm; KOSPI của Hàn Quốc nhích nhẹ 0,95 điểm lên 1.957,91 điểm; S&P/ASX200 của Australia tăng 1,14% (49 điểm) lên 4.330,02 điểm; Weighted của Đài Loan tiến thêm 0,30% (22,47 điểm) lên 7.490,21 điểm.

Tuy nhiên, hai thị trường Hong Kong và Trung Quốc lại ngược chiều xu hướng khi cùng mất điểm với Hang Seng của Hong Kong lùi 89,34 điểm (0,45%) xuống 19.962,95 điểm, còn Shanghai Composite của Thượng Hải mất 6,75 điểm (0,32%) xuống 2.112,20 điểm.

Giới đầu tư hiện đang đổ dồn mọi chú ý vào châu Âu khi những lo ngại về Athens lại trỗi dậy sau khi có thông tin trên tờ Financial Times rằng Hy Lạp sẽ kéo dài thêm hai năm chương trình kinh tế thắt lưng buộc bụng của nước này.

Cũng theo tờ báo trên, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras sẽ đưa vấn đề này ra tại buổi gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande vào tuần tới.

Đêm trước (15/8) tại Mỹ, Phố Wall "lình xình" phiên thứ hai liên tiếp khi các số liệu mới công bố chưa cho thấy bức tranh sáng sủa hơn về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Trong phiên này, các nhà đầu tư Phố Wall đón nhận một số chỉ số kinh tế tháng Bảy khá tốt như lạm phát hầu như đi ngang, sản lượng công nghiệp tăng nhẹ 0,6% so với tháng 6 và hoạt động xây nhà cũng nhộn nhịp hơn.

Tuy nhiên, một khảo cứu về sản xuất công nghiệp của bang New York lại cho thấy có sự sụt giảm ngoài dự kiến trong những tuần gần đây, làm xấu đi bức tranh tổng thể của nền kinh tế Mỹ.

Đóng cửa phiên 15/8, Dow Jones Industrial Average giảm nhẹ 7,36 điểm (0,06%) xuống 13.16,78 điểm; S&P 500 nhích nhẹ 1,60 điểm (0,11%) lên 1.405,53 điểm, trong khi Nasdaq cũng tăng 13,95 điểm (0,46%) lên 3.030,93 điểm.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cùng ngày cũng phần lớn đi xuống trong bối cảnh các thị trường châu Á hầu hết giảm điểm trước đó.

Theo các nhà phân tích, thị trường châu Âu hiện không hào hứng như thông lệ thường thấy trong các tháng Tám hàng năm, có thể là do các nhà đầu tư hiện đang có tâm lý khá thận trọng và đang chờ đợi thêm các động thái tiếp theo của Khu vực Eurozone trong những tuần tới để có hành động thích hợp.

Đóng cửa phiên 15/8, FTSE 100 của Anh giảm 0,54% xuống 5.833,04 điểm; DAX 30 của Đức trượt 0,40% xuống 6.946,80 điểm trong khi CAC 40 của Pháp lùi nhẹ 0,03% về 3.449,20 điểm./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục