Phiên họp toàn thể lần thứ 8 Ủy ban Kinh tế của QH

"Ưu tiên cho tăng trưởng, không quá lo về lạm phát"

Tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu cho rằng cần ưu tiên hơn cho tăng trưởng, không quá lo ngại về lạm phát trong năm nay.
Ngày 26/4, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 8, xem xét, thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2013.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự phiên họp.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá bổ sung tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, trong tổng số 15 chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012 có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch; còn 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm và tỷ lệ che phủ rừng.

Trong năm qua, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô được cải thiện. Lãi suất tín dụng giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến theo hướng tăng tín dụng cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Tỷ giá cơ cấu ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, kim ngạch xuất khẩu tăng cao, đã cơ bản cân bằng xuất nhập khẩu.

Nền kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng hợp lý. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; khó khăn trong sản xuất, kinh doanh từng bước được tháo gỡ… Các đề án tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược được chú trọng xây dựng và bước đầu triển khai thực hiện.

An sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được đảm bảo. Công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt nhiều kết quả…

Trong quý I năm 2013, kinh tế vĩ mô đã đạt được một số kết quả: tăng trưởng kinh tế đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 2,39% so với tháng 12/2012, thấp hơn so với cùng kỳ 4 năm qua.

Lãi suất giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện; tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng… An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được triển khai tích cực, đặc biệt là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm…

Tuy nhiên, tình hình kinh tế- xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Lãi suất còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể và phá sản gia tăng. Đời sống của một bộ phận dân cư, việc làm, thu nhập của người lao động gặp khó khăn….

Báo cáo đề cập tới những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh các giải pháp, chính sách tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm phục hồi nền kinh tế, tạo việc làm, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại phiên họp, các thành viên của Ủy ban Kinh tế và các đại biểu đã thảo luận cụ thể về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu Chính phủ cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới, bao gồm cả những nhiệm vụ cấp bách trước mắt và các giải pháp trung, dài hạn.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm đánh giá năm 2012 tuy rất khó khăn nhưng chúng ta đã thành công trong việc chuyển dần cách điều hành theo nguyên tắc thị trường và đã thành công. Trong hoạt động tài chính ngân hàng đã thiết kế và đi theo nguyên tắc thị trường.

Tuy nhiên, đại biểu lo ngại trước những vấn đề nổi lên, đó là những chỉ tiêu quan trọng đối với ổn định, phát triển kinh tế - xã hội bền vững như tổng vốn đầu tư, vấn đề về việc làm… đạt thấp. Trước khó khăn, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể và phá sản...

Các đại biểu phân tích, nêu ra những vấn đề mới xuất hiện cần phải xem xét, đó là đầu tư giảm, nông nghiệp, công nghiệp giảm. Những giải pháp đề ra của Chính phủ trúng và sớm, nhưng triển khai rất chậm.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm thể hiện sự đồng tình với nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là những khó khăn, bất ổn của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi và phát triển kinh tế của nước ta, tuy nhiên đại biểu đề nghị báo cáo cần phân tích, làm rõ bất ổn của kinh tế thế giới, kinh tế trong nước là gì; có tác động tới nền kinh tế  ở mức nào và khả năng phục hồi của nền kinh tế ra sao?

Phó Chủ nghiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nêu một thực trạng đáng chú ý là tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức năm 2012 liên tục tăng lên, năm 2010 là 34,6% đến năm 2012 là 36,6%, điều này nói lên kết cấu lao động khu vực chính thức mất việc làm, chuyển dần sang khu vực phi chính thức. Đại biểu kiến nghị Chính phủ nên đánh giá, xem xét lại hệ thống chính sách giảm nghèo hiện nay với chính sách xây dựng nông thôn mới.

Đại biểu Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, xuất hiện những vấn đề chưa tốt, đáng quan tâm. Sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 5%, trong đó cùng kỳ năm trước tăng 5,9%, điều này thể hiện rõ tổng vốn đầu tư 4 tháng đầu năm rất thấp.

Doanh số bán lẻ chỉ tăng 4,6% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 5,9%. Xuất khẩu bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc… Theo đại biểu, các yếu tố của tổng cầu đều có biểu hiện thấp - đây là dấu hiệu đáng quan tâm.

Đại biểu nhận định, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay (5,5%) là rất khó khăn. Từ nhận định này, đại biểu Vũ Viết Ngoạn đưa ra hướng chính sách cần hài hòa mục tiêu giữa lạm phát và tăng trưởng. “Chúng ta cần quan tâm, ưu tiên hơn cho hướng thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng, không quá lo ngại về nguy cơ lạm phát trong năm nay”- ông Ngoạn nói.

Tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục