Ưu tiên mục tiêu xã hội, cải thiện đời sống nhân dân

Ngày 22/10, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 2009 và kế hoạch phát triển năm 2010.
Ngày 22/10, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010.

Quan tâm đến chất lượng tăng trưởng

Các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2009 và kế hoạch năm 2010 và cho rằng, năm 2009 nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp những khó khăn và thách thức lớn do đồng thời phải chịu tác động của đợt lạm phát cao năm 2008 và đối mặt với cuộc suy thoái trầm trọng của kinh tế thế giới.

Với đặc điểm của một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế Việt Nam chịu tác động rất lớn từ cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã sụt giảm mạnh trong quý I, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, bằng những chính sách mạnh mẽ, kịp thời và phù hợp, nền kinh tế đã dần phục hồi trong quý II và quý III .

Tuy nhiên, các đại biểu bày tỏ cần quan tâm nhiều hơn tới chất lượng tăng trưởng kinh tế, dành nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các mục tiêu xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Có đại biểu cho rằng, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2009 cơ bản là tốt. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra 5 năm tới, kết quả 2009 cũng đặt ra những vấn đề cần xem xét, nghiên cứu một cách nghiêm túc.

Có đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, tính toán lại cách tổ chức thống kê, đánh giá một số chỉ tiêu về xã hội như chỉ tiêu giảm nghèo, số giường bệnh, không thể điều hành chỉ căn cứ trên các con số, giấy tờ.

Đại biểu cũng đồng tình với những nhận định trong báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế, cho rằng kết quả giảm nghèo hiện chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn 11% là chưa phản ánh đúng thực chất. Nhiều người dân khi thống kê thì không thuộc diện nghèo nhưng có khi chỉ qua một cơn bão đã thành người trắng tay.

Các đại biểu cho rằng các giải pháp của Chính phủ còn chung chung và chưa sát thực bởi đây là những giải pháp rất lớn, không thể thực hiện trong một vài năm mà là cả quá trình; đề nghị Chính phủ đưa ra những giải pháp trước mắt thực sự cụ thể để đạt được mục tiêu trong 2010.

Một số đại biểu cũng đề nghị các giải pháp phải có tính đồng bộ cao, thực sự đi vào cuộc sống, đổi mới trong tổ chức thực hiện để có hiệu quả, trong đó cái gốc của vấn đề là con người.

Theo các đại biểu, những kết quả đạt được rất tích cực nhưng mới chỉ là xử lý tốt những vấn đề bề nổi. Thực tế, hiệu quả đầu tư hiện còn thấp, chất lượng tăng trưởng chưa đảm bảo, còn lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản…

Do đó các đại biểu đề nghị tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với đảm bảo chất lượng, phát triển bền vững; giải quyết những vấn đề bức xúc; có giải pháp xử lý những tồn tại, tiêu cực về y tế, giáo dục để tạo niềm tin cho người dân.

Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, muốn ổn định an sinh xã hội, cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo, hoạch định chính sách, tập trung, chủ động hơn; trong đó chú trọng tăng cường tham vấn của chuyên gia nước ngoài.

Hỗ trợ người nghèo cần những giải pháp căn cơ hơn

Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp nông thôn.

Có đại biểu cho rằng các chính sách hỗ trợ với người nghèo rất đúng đắn nhưng chưa phải là biện pháp thực sự lâu dài, căn cơ, vì muốn phát triển sản xuất cần nhiều điều kiện phối hợp như kỹ thuật, thị trường, đầu ra chứ không chỉ phát tiền cho người nông dân mua cây, mua con giống. Vấn đề quan trọng là giúp họ sử dụng đồng vốn và cây, con giống đó như thế nào thế nào, đánh giá hiệu quả ra sao…

Thoát nghèo bền vững là một vấn đề khó, chỉ đạo điều hành phải trên cơ sở hiểu sâu sắc tình hình địa phương, cơ sở mới thực sự hiệu quả, nếu không chỉ như “mưa mát mặt một lúc rồi đâu lại vào đó”. Một số lĩnh vực như vật tư nông nghiệp, đầu ra cho nông nghiệp… hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Nhiều đại biểu đánh giá, nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân, đồng bào dân tộc đã được ban hành kịp thời, tuy nhiên còn những tồn tại nổi cộm như tốc độ giảm nghèo giữa các khu vực, các vùng còn chênh lệch lớn; tỷ lệ nghèo ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc còn cao; đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn; đầu ra cho các sản phẩm của nông dân còn nhiều trở ngại; hiệu quả đầu tư chưa cao.

Theo đại biểu, để các chương trình cốt lõi như 134, 135, các chương trình phát triển kinh tế vùng dân tộc đạt hiệu quả cao hơn, trong năm 2010, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo khắc phục những chồng chéo trong tổ chức thực hiện, chỉ đạo sát sao hơn để đạt hiệu quả cao nhất, tác động tích cực đến đời sống và sản xuất của người dân.

Chính phủ cũng cần rà soát các chương trình mục tiêu để khắc phục những trùng lắp, xác định lại quy mô, cách thức tổ chức thực hiện, đảm bảo toàn diện hơn; bố trí vốn kịp thời, nhất là cho các chương trình kiên cố hóa giao thông, trường học…

Công tác kiểm tra, giám sát, nắm tình hình hình hộ nghèo, nhu cầu về đất sản xuất đối với các hộ nghèo… cần được tăng cường; có định hướng cụ thể trong sản xuất, chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với từng địa phương; tổ chức tập huấn hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho bà con; rà soát lại một số chính sách để có điều chỉnh phù hợp, nâng cao chất lương giáo dục vùng miền núi.

Có đại biểu đề xuất một số vấn đề cần quan tâm trong thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2010 như tạo việc làm, xuất khẩu lao động; chăm lo đời sống gia đình có công với nước; dạy nghề nói chung và dạy nghề cho khu vực nông thôn, miền núi; đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy nghề.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục