Ưu tiên tái cơ cấu thị trường tài chính và đầu tư

Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế do Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày khẳng định việc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI đã trở nên cần thiết và cấp bách.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng trong điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay, tái cơ cấu kinh tế bao gồm hai nội dung chủ yếu: tái cơ cấu ưu tiên trước mắt và tái cơ cấu trọng tâm, lâu dài. Về ưu tiên trước mắt, trong 5 năm tới ưu tiên tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, chiều 21/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010, Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội về việc bổ sung 4 dự án vào Danh mục các dự án, công trình được phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015, 5 dự án thành phần thuộc tuyến đường ven biển Ninh Thuận và 4 tiểu dự án do Bộ giao thông-vận tải quản lý và Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, cũng được trình bày trong chiều nay.

Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng


Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế do Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày khẳng định việc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI đã trở nên cần thiết và cấp bách. Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 nhằm hướng đến mục tiêu tổng quát và bốn mục tiêu thành phần.

Mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là: nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; từ đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; tạo tiền đề đưa nền kinh tế đạt trình độ phát triển cao hơn, vào năm 2030.

Bốn mục tiêu thành phần của tái cơ cấu kinh tế bao gồm: góp phần tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; thiết lập phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương, vùng miền trên cả nước; cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành và toàn bộ nền kinh tế, trong đó, các ngành sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao từng bước trở thành ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, củng cố vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng trong điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay, tái cơ cấu kinh tế bao gồm hai nội dung chủ yếu: tái cơ cấu ưu tiên trước mắt và tái cơ cấu trọng tâm, lâu dài. Về ưu tiên trước mắt, trong 5 năm tới ưu tiên tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính, trước hết là để loại bỏ nguy cơ mất an toàn đối với hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung; đồng thời, tạo điều kiện để hệ thống tài chính phát triển bền vững và thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng trung gian tài chính và chuyển tải tác động của chính sách tiền tệ đến khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình; làm tiền đề thúc đẩy tái cơ cấu trên các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2011-2015, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động, hiệu lực quản trị, cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; nâng cao trật tự, kỷ cương của quản lý nhà nước và đảm bảo nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng.

Tái cơ cấu đầu tư sẽ tập trung vào đổi mới căn bản cơ chế và cách thức huy động, phân bố, quản lý và sử dụng vốn đầu tư xã hội theo định hướng huy động hợp lý tổng đầu tư xã hội, đồng thời bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; duy trì tỷ trọng hợp lý đầu tư công trong tổng đầu tư xã hội đi đôi với tăng cường huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác và cải thiện hiệu quả đầu tư; xác định cụ thể lĩnh vực ưu tiên đầu tư của nhà nước; trước hết, tập trung vào các lĩnh vực, công trình quan trọng, công ích không có khả năng thu hồi vốn mà tư nhân không đầu tư hoặc không được đầu tư và đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc đặc biệt khó khăn; mở rộng phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước...

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ 100% sở hữu; thoái vốn ở các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối; đổi mới, phát triển và áp dụng khung quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Về lâu dài, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 đã xác định trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế là “cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng, thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.”

Đề án kiến nghị 12 nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế. Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu trình bày đồng tình với các mục tiêu của đề án, song cho rằng các nhóm giải pháp chưa có sự gắn kết với nhau, cũng như chưa thực sự đồng bộ giữa các Đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực và thiếu các giải pháp đối với vấn đề xã hội, môi trường. Đa số ý kiến đề nghị bổ sung một số giải pháp về mặt xã hội và bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ lượng hóa giải pháp được tính toán bằng kết quả như một “bài toán” nhằm làm rõ tính khả thi và đề án cũng có tính thuyết phục hơn.

Bội chi ngân sách bằng 5,5% GDP

Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 777.283 tỷ đồng, tổng số chi cân đối là 850.874 tỷ đồng, bội chi 109.191 tỷ đồng, bằng 5,5% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 35.600 tỷ đồng) là những nội dung chủ yếu của quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn tại kỳ họp này.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Quốc hội cho phép mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 là 119.700 tỷ đồng, bằng 6,2% GDP, quyết toán số bội chi 109.191 tỷ đồng, bằng 5,5% GDP, giảm 0,7% GDP (10.509 tỷ đồng) là nhờ có tăng thu ngân sách nhà nước. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách từ vay trong nước là 68.967 tỷ đồng; vay ngoài nước 40.224 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2010, dư nợ Chính phủ bằng 44,6% GDP, dư nợ ngoài nước của quốc gia bằng 42,2% GDP; trong giới hạn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Cho rằng báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 của Chính phủ đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 3, song Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chỉ ra một số tồn tại trong việc thu, chi ngân sách. Thu ngân sách vượt 27,5% dự toán, sau khi loại trừ yếu tố tích cực, yếu tố của sự biến động giá cả tăng cao, tỷ giá hối đoái thay đổi thì vẫn bộc lộ chất lượng công tác lập dự toán chưa cao, chưa tích cực, công tác dự báo thu chưa sát thực tế. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như sự bất cập trong quy định của pháp luật về lập và giao dự toán thì không ít địa phương đã xây dựng dự toán thu ngân sách không tích cực để hưởng chế độ thưởng vượt thu, giảm số điều tiết về ngân sách trung ương hoặc tăng số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

Trong năm 2010, tình trạng khai man, trốn thuế diễn ra khá phổ biến, thất thu thuế còn nhiều, hầu hết các đơn vị được kiểm toán, thanh tra đều kê khai chưa đầy đủ các khoản phải nộp ngân sách mà chủ yếu là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Đặc biệt, tình trạng lỗ giả, lãi thật, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua hình thức chuyển giá chưa được xử lý có hiệu quả, còn nhiều lúng túng. Tình trạng trốn thuế thu nhập doanh nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty thông qua chuyển giá giữa công ty mẹ và các công ty con, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn diễn ra ở các mức độ khác nhau. Thu từ tài nguyên thất thoát khá nghiêm trọng.

Công tác quản lý chi ngân sách năm 2010 cũng còn một số tồn tại như việc giao dự toán, chấp hành dự toán chi ngân sách ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa tuân thủ Nghị quyết của Quốc hội và quy định của Luật ngân sách nhà nước, chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải, nhiều công trình dở dang, thời gian thi công kéo dài, hiệu quả không cao, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều và khắc phục chậm, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản lớn; chi cho chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả chưa cao; chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương lớn, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.

Cũng trong buổi chiều, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội về việc bổ sung 4 dự án vào Danh mục các dự án, công trình được phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011- 2015, 5 dự án thành phần thuộc tuyến đường ven biển Ninh Thuận và 4 tiểu dự án do Bộ giao thông-vận tải quản lý và Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bổ sung 3 dự án luật, điều chỉnh tiến độ 5 dự án luật khác trong Chương trình năm 2012. Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 gồm 30 dự án luật, 3 dự án pháp lệnh trong Chương trình chính thức và 18 dự án luật trong Chương trình chuẩn bị; bổ sung 3 dự án luật và điều chỉnh tiến độ 5 dự án luật khác trong Chương trình năm 2012; bổ sung 3 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục