Ủy ban giám sát điều tra xung đột Israel-Palestine

Liên hợp quốc đã công bố danh sách thành viên trong ủy ban độc lập giám sát cuộc điều tra Israel-Palestine về xung đột tại Gaza.
Ngày 14/6, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Navi Pillay đã công bố danh sách các thành viên trong ủy ban độc lập giám sát cuộc điều tra của Israel và Palestine về xung đột tại Gaza cuối năm 2008.

Chiến dịch quân sự kéo dài ba tuần của Israel vào Dải Gaza từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2009, với lý do chấm dứt tình trạng các tay súng Palestine bắn rốckét vào lãnh thổ Israel, đã làm hơn 1.400 người thiệt mạng, 5.000 người bị thương, nhiều nhà cửa, trường học, bệnh viện và chợ bị tàn phá.

Ủy ban điều tra sự thật của Liên hợp quốc về vụ xung đột này, do Thẩm phán Richard Goldstone đứng đầu, đã kết luận cả quân đội Israel lẫn các nhóm vũ trang Palestine đều vi phạm nghiêm trọng luật nhân quyền và nhân đạo trong xung đột vũ trang.

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra hai nghị quyết 64/10 và 64/254 kêu gọi mở các cuộc điều tra độc lập về vụ xung đột này.

Tháng Ba vừa qua, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua nghị quyết 13/9 kêu gọi thành lập ủy ban giám sát, nhằm bảo đảm rằng các cuộc điều tra của Israel và Palestine là độc lập, hiệu quả và trung thực.

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Navi Pillay cho biết ủy ban giám sát có ba chuyên gia gồm Chủ tịch Ủy ban Luật quốc tế Christian Tomuschat, Thẩm phán Toà án Tối cao bang New York Mary McGowan Davis và Đặc phái viên về tư pháp độc lập của Liên hợp quốc Param Cumaraswamy.

Ủy ban được quyền giám sát và tiếp cận bất cứ tiến trình pháp lý nào trong hoạt động điều tra của cả hai bên, để bảo đảm rằng các cuộc điều tra về vụ xung đột nói trên tuân thủ đầy đủ các quy định của quốc tế.

Bà Pillay cho biết trọng tâm hoạt động của ủy ban giám sát là bảo đảm rằng bất cứ ai vi phạm luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế trong vụ xung đột ở Gaza đều phải chịu trách nhiệm, tránh hiện tượng miễn tố, bảo đảm các đối tượng liên quan được xét xử công bằng trước pháp luật, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai và thúc đẩy hòa bình.

Cùng ngày 14/6, Nội các Israel đã phê chuẩn quyết định thành lập ủy ban của nước này điều tra vụ hải quân Israel tấn công đoàn tàu cứu trợ quốc tế đến Gaza tối 31/5.

Bình luận về động thái này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng Israel "cần tiến hành điều tra toàn diện" về vụ việc này, đồng thời nhấn mạnh "bất cứ nỗ lực nào nhằm đạt được mục tiêu mà Liên hợp quốc đặt ra về một cuộc điều tra công bằng, đáng tin cậy đều được đánh giá là động thái tích cực."

Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên hợp quốc vẫn khẳng định rằng một cuộc điều tra quốc tế sẽ đáp ứng hoàn toàn mong đợi của cộng đồng quốc tế. Ông bày tỏ tin tưởng Israel sẽ có phản hồi tích cực với đề nghị của ông về việc thành lập ủy ban điều tra quốc tế.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết trong các cuộc thảo luận với Liên hợp quốc, các quan chức cấp cao Israel không phản đối đề xuất này và hiện hai bên vẫn đang thảo luận về việc thực hiện đề xuất này.

Nhà Trắng cũng cho rằng việc Israel thành lập ủy ban điều tra vụ tấn công trên "là một bước tiến quan trọng", phù hợp với yêu cầu của Liên hợp quốc. Washington nhấn mạnh "cuộc điều tra cần được tiến hành ngay" và "công bố kết quả điều tra trước cộng đồng quốc tế."

Australia cũng hoan nghênh quyết định của Israel, song nhấn mạnh "quan trọng nhất là độ tin cậy của báo cáo cuối cùng." Ngoại trưởng Australia Stephen Smith cho biết Australia sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc điều tra của Israel.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có chín người thiệt mạng trong vụ tấn công trên, đã ra tuyên bố phản đối động thái trên của Israel, cho rằng không công bằng khi Israel tự điều tra cuộc tấn công do chính quân đội nước này tiến hành.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cảnh báo Ankara sẽ xem xét lại quan hệ với Israel nếu Nhà nước Do thái không chấp thuận đề nghị của Liên hợp quốc về việc thành lập một ủy ban điều tra quốc tế gồm một người Thổ Nhĩ Kỳ, một người Israel và ba chuyên gia quốc tế.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố việc Israel tự thành lập ủy ban điều tra là không phù hợp với yêu cầu của Liên hợp quốc. Phong trào Hồi giáo Hamas cho rằng Israel đang tìm cách chối bỏ hành động tội ác của mình trước cộng đồng quốc tế.

Dư luận Israel cũng có những ý kiến chỉ trích. Ông Nahum Barnea, bình luận viên của nhật báo hàng đầu Israel Yediot Aharonot cho rằng việc chính phủ chọn thành phần ủy ban điều tra gồm những quan chức đã về hưu và cao tuổi, như cựu chánh án tòa án tối cao Yaakov Tirkel, 75 tuổi, tướng về hưu Amoss Horev, 86 tuổi và giáo sư luật quốc tế Shabtai Rosen, 93 tuổi là một "quyết định hài hước."

Theo ông Barnea, với thành phần như trên, rõ ràng ủy ban này được lập ra chỉ nhằm mục đích "đối ngoại."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục