Ủy ban Lập pháp Israel bác bỏ dự luật gây tranh cãi

Israel bác bỏ dự luật sáp nhập khu định cư ở Bờ Tây

Ủy ban Lập pháp của nội các Israel đã bác bỏ dự luật đề xuất sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây nằm trên lãnh thổ Palestine và áp dụng luật Israel tại các khu vực này. 
Israel bác bỏ dự luật sáp nhập khu định cư ở Bờ Tây ảnh 1Người Palestine phản đối nhóm người Israel dựng các khu nhà tại khu vực Israel chiếm đóng ở khu Bờ Tây, ngày 7/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 9/2, Ủy ban Lập pháp của nội các Israel đã bác bỏ dự luật gây tranh cãi, theo đó đề xuất sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây nằm trên lãnh thổ Palestine và áp dụng luật Israel tại các khu vực này.

Dự luật trên đề xuất áp dụng luật pháp Israel với tất cả khu định cư Do Thái tại Bờ Tây, trên phần lãnh thổ bị Israel sáp nhập sau cuộc chiến Trung Đông 1967, cũng như toàn bộ khu vực lân cận và những con đường dẫn tới các khu này.

Dự luật cũng yêu cầu chính phủ tiếp tục xây dựng khu định cư, trong bối cảnh Israel đang đàm phán hòa bình với Palestine.

Cũng trong ngày 9/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã triệu tập một cuộc họp nội các hẹp với sự tham gia của Ngoại trưởng Avigdor Lieberman, Bộ trưởng Kinh tế Bennett và Bộ trưởng các vấn đề chiến lược Yuval Steinitz, nhằm thảo luận các biện pháp đối phó với mối đe dọa tẩy chay kinh tế Israel ngày càng tăng sau khi Tel Aviv tiếp tục xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây.

Cuộc họp dự kiến diễn ra từ tuần trước, nhưng đã phải hủy bỏ vào phút chót do những tranh cãi giữa Thủ tướng Netanyahu và ông Bennett.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng các vấn đề chiến lược Steinitz đã trình bày về một kế hoạch đang được bộ này xúc tiến. Theo đó, Israel cần phải chủ động trong việc phản đối các tổ chức vận động tẩy chay.

Kế hoạch cũng đề xuất đầu tư mạnh mẽ các nguồn lực trong việc tổ chức một chiến dịch công khai. Bộ trưởng Steinitz yêu cầu một khoản ngân sách trị giá khoảng 100 triệu shekel (khoảng 28,5 triệu USD) để thực hiện kế hoạch, bao gồm chi phí cho các chiến dịch quảng bá, pháp lý và truyền thông chống lại các tổ chức ủng hộ tẩy chay kinh tế Israel.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Israel lại thể hiện cách tiếp cận hoàn toàn khác, cho rằng các tổ chức phi chính phủ đang thúc đẩy các biện pháp tẩy chay đối với Israel là tương đối nhỏ và việc thực hiện một chiến dịch rầm rộ chống lại có thể phản tác dụng.

Ngoài ra, chương trình thảo luận của cuộc họp cũng bao gồm một số vấn đề khác như việc Israel cân nhắc thực hiện hành động pháp lý đối với các thể chế tài chính nước ngoài tẩy chay các khu định cư hay các công ty của Israel, các hoạt động vận động hàng lang ủng hộ Israel ở Mỹ, đặc biệt là ủy ban các vấn đề công dân Israel tại Mỹ (AIPAC), nhằm thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật chống lại việc tẩy chay kinh tế đối với Israel.

Trong một diễn biến khác, Hạ viện Jordan ngày 9/2 đã bác bỏ đòi hỏi của Israel về việc được công nhận như một nhà nước Do Thái.

Hạ viện Jordan nhấn mạnh rằng nhà nước Palestine sẽ có đầy đủ chủ quyền đối với Jerusalem cùng các địa điểm thiêng liêng của Hồi giáo và Thiên chúa giáo, đồng thời phản đối các hành động của Israel tại thành phố này.

Cũng theo Hạ viện Jordan, bất kỳ thỏa thuận hòa bình cuối cùng nào giữa Israel và Palestine đều phải xét tới những mối quan tâm của Jordan về người tị nạn, quy chế đối với thành phố Jerusalem, vấn đề an ninh, nguồn nước và các khu định cư./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục