Ủy ban Pháp luật cho ý kiến dự án Luật chính quyền địa phương

Chuẩn bị cho phiên họp thứ 31 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, từ ngày 18-22/8 tới, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể, cho ý kiến về một số dự án Luật.

Chuẩn bị cho phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 18-22/8 tới, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể, cho ý kiến về các dự án: Luật chính quyền địa phương; Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Ngày 18/8, Ủy ban Pháp luật cho ý kiến về dự án Luật chính quyền địa phương.

Các đại biểu cơ bản thống nhất với quan điểm của ban soạn thảo cho rằng việc ban hành Luật tổ chức chính quyền địa phương không chỉ nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và ủy ban Nhân dân sau 11 năm thi hành mà còn nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp và chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Qua đó nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương.

Theo dự thảo Tờ trình, dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương dự kiến điều chỉnh các vấn đề: tổ chức đơn vị hành chính; mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; phân định thẩm quyền và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương; tổ chức và hoạt động của hội đồng Nhân dân và ủy ban Nhân dân; công khai, minh bạch, mối quan hệ giữa hội đồng Nhân dân, ủy ban Nhân dân với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và bảo đảm sự tham gia của nhân dân. Dự thảo Luật gồm 8 chương với 210 điều.

Trên cơ sở tán thành với việc quy định về đơn vị hành chính trong Luật tổ chức chính quyền địa phương, có ý kiến đề nghị cân nhắc liều lượng quy định cho phù hợp và bảo đảm tính thống nhất, tránh trùng lặp với các luật khác như vấn đề phân loại đơn vị hành chính, phân loại đô thị…

Theo quy định của Hiến pháp, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt cũng là một loại đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định một số vấn đề có tính nguyên tắc về đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt như điều kiện, trình tự thành lập, giải thể, mô hình tổ chức chính quyền, quan hệ trực thuộc (như các đơn vị hành chính sẽ trực thuộc cấp nào, tổ chức chính quyền mấy cấp…).

Những nội dung đặc thù về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động cũng như các chính sách ưu đãi đối với các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt thì để các văn bản khác quy đinh. Có ý kiến cho rằng dự thảo luật mới chỉ quy định về hoạt động giám sát của hội đồng Nhân dân mà không quy định hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật (nghị quyết) của hội đồng Nhân dân và ủy ban Nhân dân là chưa đầy đủ.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo Luật trình 2 phương án. Phương án 1: ở quận, phường không tổ chức Hội đồng nhân dân mà chỉ tổ chức Uỷ ban nhân dân là chính quyền địa phương của quận, phường và là cơ quan đại diện của Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp tại địa bàn.

Các đơn vị hành chính còn lại gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn đều tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Phương án 2: Ở quận, phường vẫn tổ chức Hội đồng nhân dân.

Theo phương án này thì tất cả các đơn vị hành chính theo quy định tại Điều 110 của Hiến pháp đều tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Trên cơ sở quy định tại Điều 111 của Hiến pháp thì chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do luật định.

Do vậy ban soạn thảo cần xác định cụ thể loại đơn vị hành chính nào là nông thôn, đô thị, hải đảo, gắn với đó là tính chất, đặc điểm của địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt như thế nào để từ đó quy định tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp.

Một số ý kiến đánh giá dự thảo Luật cần xác định được nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng cấp chính quyền địa phương để qua đó tăng tính tự quản, tự chịu trách nhiệm và để địa phương tăng tính chủ động, sáng tạo của mình trong thực thi nhiệm vụ…

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện dự án Luật trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục