Ủy ban Thường vụ QH bế mạc phiên họp thứ 30

Trong ngày làm việc cuối, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật trọng tài thương mại và Luật thi hành án hình sự.
Ngày 19/4, phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc sau hơn một tuần làm việc.

Cần quy định cụ thể tiêu chuẩn trọng tài viên

Trong ngày làm việc cuối, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trọng tài thương mại.

Báo cáo giải trình, tiếp thu một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết quy định cụ thể về tiêu chuẩn của trọng tài viên trong dự thảo luật bởi các quyết định của trọng tài viên là rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng trọng tài, do đó việc quy định tiêu chuẩn của trọng tài viên trong luật này là nhằm tăng thêm uy tín và độ tin cậy của khách hàng đối với trọng tài viên và các tổ chức trọng tài.

Trong khi đó, ở Việt Nam, việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường trọng tài vẫn còn mới mẻ, vì vậy trong giai đoạn hiện nay việc quy định tiêu chuẩn của trọng tài viên trong dự thảo luật là cần thiết nhằm bảo đảm cho các trung tâm trọng tài Việt Nam lựa chọn được những trọng tài viên có uy tín và chất lượng.

Trước ý kiến đề nghị cân nhắc tiêu chuẩn có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn quy định tại điểm c khoản 1 điều 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hoạt động trọng tài có tính đặc thù là các tranh chấp xảy ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể có những lĩnh vực rất mới, không phải ai cũng có trình độ và có am hiểu sâu.

Trong khi đó, những người được các bên chọn để giải quyết tranh chấp cho họ phải là những người có uy tín, có kinh nghiệm chuyên sâu đối với lĩnh vực mà các bên tranh chấp yêu cầu giải quyết.

Tuy nhiên, nhiều người trong số họ có thể không có trình độ đại học nhưng lại là những người được thừa nhận có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có trình độ chuyên môn cao trong một lĩnh vực cụ thể được Trung tâm trọng tài và các bên lựa chọn làm trọng tài viên. Đây là những trường hợp đặc biệt, vì vậy Luật này cũng cần quy định cho phép họ được chọn làm trọng tài viên.

Góp ý vào dự thảo, các đại biểu cũng tán thành việc không nên đặt quá nhiều cơ chế hoạt động của trọng tài; xem xét, cân nhắc lại một số điều khoản về luật áp dụng giải quyết tranh chấp; hình thức thỏa thuận trọng tài; thẩm quyền, trình tự, thủ tục của tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Làm rõ các quy định trong dự thảo Luật thi hành án hình sự

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thi hành án hình sự, xoay quanh các vấn đề chủ yếu như nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Nhân dân cấp xã, trại tạm giam trong thi hành án hình sự; chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân; hình thức thi hành án tử hình; việc giải quyết cho nhận tử thi người bị thi hành án tử hình...

Nhiều ý kiến tán thành quy định giao cho Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (Ủy ban Nhân dân cấp xã) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục người phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân và án treo.

Ủy ban Nhân dân cấp xã có vai trò trực tiếp quản lý công dân tại địa bàn cư trú, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.

Mặt khác, để khắc phục tồn tại hiện nay là chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cũng như cơ quan đầu mối giúp Ủy ban Nhân dân cấp xã trong việc tổ chức thực hiện, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể công an cấp xã tham mưu giúp Ủy ban Nhân dân cấp xã trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên.

Về hình thức thi hành án tử hình, dự thảo Luật nêu hai phương án. Phương án 1 là thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc; phương án 2 là thi hành án tử hình bằng xử bắn như quy định hiện hành.

Theo phương án 1, quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định.

Thảo luận vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Quang Bình tán thành quan điểm thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc bởi xử bắn là hình thức có nhiều bất cập, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người thi hành án; đề nghị không nên đưa ra cả hai phương án như trong dự thảo.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị trước mắt vẫn giữ nguyên hình thức tử hình bằng xử bắn như quy định hiện hành cho tới khi hoàn tất việc chuẩn bị những điều kiện cần thiết, sẽ trình sửa nội dung này sau.

Về việc cho thân nhân người bị thi hành án tử hình nhận tử thi sau khi thi hành án, nhiều ý kiến cho rằng việc này dễ gây ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã hội và làm phát sinh các vấn đề cần phải giải quyết như việc bảo quản tử thi, việc tổ chức mai táng.

Hầu hết ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc cho phép thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được nhận hài cốt sau 3 năm kể từ ngày an táng./.

Thanh Hòa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục