Ủy ban thường vụ Quốc hội cân nhắc thẩm quyền công bố dịch

Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Thú y nhằm phát triển chăn nuôi an toàn.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cân nhắc thẩm quyền công bố dịch ảnh 1Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp. (Nguồn: TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 30, chiều 13/8, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thú y.


Cần thiết ban hành Luật Thú y

Pháp lệnh Thú y được Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 29/4/2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 10 năm 2004 thay thế Pháp lệnh Thú y năm 1993.

Sau 10 năm thi hành, Pháp lệnh đã thực sự góp phần quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc phòng, chống, khống chế dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; tăng cường hiệu lực nhà nước về quản lý thuốc thú y, hành nghề thú y.

Qua đó góp phần ổn định phát triển chăn nuôi an toàn, cung cấp sản phẩm động vật bảo đảm an toàn thực phẩm và nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực thi, Pháp lệnh năm 2004 đã bộc lộ một số hạn chế như chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động quản lý nhà nước về thú y trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ở tầm Pháp lệnh năm 2004, các quy định chỉ mang tính cụ thể trước mắt, chưa xác lập những quy định pháp luật với tầm nhìn chiến lược cho một giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, việc thiếu các quy định đáp ứng yêu cầu thực tế trong hoạt động thú y như đẩy mạnh xã hội hóa, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả của một công cụ pháp lý quan trọng trong hoạt động thú y thời kỳ mới… Trên cơ sở đó, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Thú y.

Dự án Luật Thú y đã kế thừa và phát triển các quy định của Pháp lệnh thú y và các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh này đang còn phù hợp; thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng đã được thể hiện trong các Văn kiện Đại hội của Đảng, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, nội luật hóa các quy định của Tổ chức Thú y thế giới mà Việt Nam là thành viên.

Những nội dung mới, sửa đổi, bổ sung đã được cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, lựa chọn trên cơ sở tổng kết, đánh giá thi hành pháp luật về thú y và đánh giá tác động của dự án Luật trong tình hình kinh tế-xã hội hiện nay và trong thời gian tới…

Để dự án Luật có tính khả thi cao và hạn chế các văn bản hướng dẫn thi hành, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu và quy định đầy đủ, rõ ràng hơn đối với một số nội dung giao cho Chính phủ quy định.

Cân nhắc thẩm quyền công bố dịch

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, một trong những điều kiện để công bố dịch bệnh là phải có kết luận chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh của cơ quan thẩm quyền, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đảm bảo yêu cầu. Do đó, trao thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã công bố dịch bệnh trên địa bàn căn cứ vào đề nghị của nhân viên thú y cấp xã sẽ khó đáp ứng yêu cầu của hoạt động này.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị cơ quan soạn thảo giao quyền công bố dịch cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhằm đảm bảo tính kịp thời, chính xác. Cùng bàn về nội dung này, các đại biểu đề nghị, dự án Luật cần quy định Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thẩm quyền quyết định công bố dịch khi dịch bệnh xảy ra từ 2 tỉnh trở lên…

Về phòng chống dịch bệnh cho động vật quy định tại Chương II dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, vấn đề phòng chống dịch bệnh là một trong những trọng điểm của dự án Luật.

Dự án Luật đưa ra khá nhiều điều luật liên quan đến việc phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên, cơ quan soạn thảo nên bóc tách toàn bộ những vấn đề liên quan đến phòng chống dịch bệnh vào một Chương bao gồm: công bố dịch; ban bố tình trạng khẩn cấp; các biện pháp phòng chống dịch; thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch; tổ chức huy động nguồn lực, nhân lực để phòng chống dịch...

Bên cạnh đó, dự án Luật cần quy định rõ ràng nguyên tắc công bố dịch và bổ sung thêm quy định mức độ ban bố tình trạng dịch bệnh khẩn cấp…

Về khai báo, chẩn đoán, điều tra dịch bệnh, dự án Luật chưa quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi phát hiện động vật mắc bệnh phải báo cho cơ quan thú y. Các đại biểu đề nghị, dự án Luật cân nhắc xem xét bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hành nghề thú y trong việc khai báo động vật mắc bệnh...

Tại buổi làm việc, các đại biểu cho ý kiến vào các nội dung liên quan đến đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; về hành nghề thú y; tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh…

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Ban soạn thảo đã chuẩn bị dự án Luật nghiêm túc, công phu, đúng trình tự quy định. Nội dung các điều, khoản trong dự án Luật tương đối chi tiết. Tuy nhiên, để nâng cao tính khả thi của dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa các quy định cụ thể sớm trình Quốc hội xem xét…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục