Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 4

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng và những dự án luật còn ý kiến khác nhau.
Sáng 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ tư và sẽ kéo dài phiên họp đến ngày 16/12.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật: Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Phòng, chống rửa tiền; Bảo hiểm tiền gửi; Bộ luật lao động (sửa đổi); Giá; Tài nguyên nước (sửa đổi).

Hai pháp lệnh được cho ý kiến tại phiên họp này là: Pháp lệnh pháp điển hệ thống pháp luật và Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.

Liên quan đến hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện hai giám sát chuyên đề: Việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hôị đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định phương án phân bổ 2.097 tỷ đồng vốn đầu tư cho các dự án, công trình cấp bách và 820 tỷ đồng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch của các địa phương; xem xét đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao  về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương. Chương trình công tác năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2012 của các cơ quan của Quốc hội cũng sẽ được thông qua trong phiên họp này.

Nội dung mở đầu phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đánh giá kết quả kỳ họp thứ hai và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với công tác chuẩn bị chu đáo, đổi mới, tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, dân chủ, trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra trong kỳ họp thứ hai. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã có những cải tiến trong việc chuẩn bị kỳ họp, điều hành các phiên họp, bảo đảm phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và từng đại biểu. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được cải tiến, đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, thu hút sự quan tâm của cử tri, dư luận xã hội và nhân dân cả nước. Các phiên chất vấn thực sự dân chủ, thẳng thắn nhưng không căng thẳng, thể hiện tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung; tính tranh luận, đối thoại cao hơn...

Tuy nhiên, tiến độ chuẩn bị các dự án luật chưa được bảo đảm, chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa được nâng cao. Việc chậm gửi tài liệu gây khó khăn cho công tác thẩm tra và việc nghiên cứu, tiếp cận, nắm bắt nội dung của đại biểu. Thảo luận tại tổ và hội trường có cải tiến nhưng chưa đạt được như mong muốn, yêu cầu đặt ra; chưa có sự kết nối giữa phiên thảo luận tổ và hội trường nên chưa khắc phục được tình trạng phát biểu trùng lắp. Việc bố trí thời gian thảo luận tại tổ và hội trường chưa thực sự sát với từng nội dung cụ thể. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, một số câu hỏi và trả lời còn mang tính chất giải thích, chưa đi thẳng vấn đề, chưa đề xuất được giải pháp thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cần nêu bật hơn nữa ý nghĩa quan trọng của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, với tinh thần đổi mới, dân chủ, trách nhiệm, đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, tạo ra những tiền đề để phát triển.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những cải tiến, đổi mới trong nội dung, cách thức hoạt động của Quốc hội trong kỳ họp thứ hai nhưng cũng cho rằng những đổi mới này cần triệt để hơn nữa để đạt hiệu quả cao hơn. Cụ thể như, không nên bố trí thời gian thảo luận các dự án luật theo kiểu bình quân, mỗi dự án 1/2 ngày mà nên căn cứ vào nội dung từng dự án, nếu cần thiết, nên truyền hình trực tiếp phiên thảo luận một số dự án luật quan trọng, phức tạp để cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi. Gợi ý thảo luận tại tổ và hội trường phải được thiết kế khác nhau nếu không sẽ không thể khắc phục được sự trùng lắp trong phát biểu của các đại biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để thực hiện được việc đưa ra khỏi chương trình những dự án không đảm bảo thời hạn và chất lượng chuẩn bị, đòi hỏi sự kiên quyết của Hội đồng dân tộc, các UB của Quốc hội.

Theo Tờ trình của Văn phòng Quốc hội, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII dự kiến khai mạc ngày 21/5/2012, làm việc trong khoảng 24 ngày. Trong đó, dành 15 ngày cho công tác xây dựng pháp luật để xem xét, thông qua 14 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật.

Liên quan đến các vấn đề kinh tế-xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011...

Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để đảm bảo chất lượng nội dung và tính ổn định của chương trình kỳ họp và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến; kiên quyết không đưa vào chương trình các nội dung chậm gửi tài liệu hoặc tài liệu chưa được chuẩn bị đầy đủ.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh yêu cầu đặt chất lượng lên trên số lượng đối với tất cả những nội dung trình Quốc hội. Để đạt được yêu cầu này, quan trọng nhất là công tác chuẩn bị, cần đảm bảo các yếu tố: Đúng thời gian quy định của pháp luật; quy trình làm việc của các cơ quan chuẩn bị, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ theo chương trình, bố trí việc cho ý kiến, chuẩn bị báo cáo, gửi báo cáo đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng; không để tình trạng gửi, trình văn bản sát ngày, giờ; dứt khoát không trình những dự án, tờ trình không đảm bảo thời gian, chuẩn bị vội vàng, gấp gáp.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội tích cực, chuyên nghiệp, khẩn trương hơn nữa trong công tác chuyên môn, kết nối với các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, chuyên gia trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến, thu hút những đề xuất, phân tích sâu sắc, chất lượng, tham mưu cho Quốc hội. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hoạt động công tác tư tưởng, thông tin tuyên tuyền, tổ chức phối hợp hoạt động tốt với các cơ quan báo chí.

Cũng trong ngày họp đầu tiên của phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về một số vấn đề để tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề để tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh quan điểm mặc dù thu nhập từ thuế thuốc lá hàng chục ngàn tỷ cũng khó có thể bù đắp những thiệt hại về sức khỏe và tính mạng của người dân. Ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp vừa tăng ngân sách (do tăng thuế thuốc lá) vừa bảo vệ được sức khỏe của nhân dân và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất và trồng thuốc lá.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với những vấn đề về tính khả thi của dự án Luật; về in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá; xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá. Riêng vấn đề Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá còn ý kiến khác nhau.

Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đồng tình với ý kiến không thành lập Quỹ vì lo ngại việc hình thành nhiều quỹ, chia cắt ngân sách, khó bảo đảm tính công khai, minh bạch về tài chính. Tuy nhiên, cần đầu tư ngân sách cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và tiếp tục xây dựng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, tăng chi thường xuyên hay qua chương trình mục tiêu quốc gia cho phòng, chống tác hại của thuốc lá. Việc tăng nguồn lực từ ngân sách cho công tác này là cần thiết đồng thời chi tiêu qua ngân sách sẽ đảm bảo kiểm soát việc sử dụng nguồn lực tốt hơn./.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục