Uy tín của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sụt giảm mạnh

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Đại học Macedonia tiến hành được công bố tối 7/11, hiện uy tín của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang trên đà "rơi tự do."
Uy tín của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sụt giảm mạnh ảnh 1 Thủ tướng Alexis Tsipras. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Đại học Macedonia tiến hành được công bố tối 7/11, hiện uy tín của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang trên đà "rơi tự do."

Trong khi đó, đảng Dân chủ Mới đối lập đang giành được tỷ lệ ủng hộ khá cao, dẫn trước đảng SYRIZA cầm quyền tới 15 điểm.

Kết quả cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 20,5% những người được hỏi nói rằng ông Alexis Tsipras là nhà lãnh đạo phù hợp nhất cho vị trí thủ tướng, thấp hơn nhiều so với mức ủng hộ 37% dành cho lãnh đạo đảng Dân chủ Mới Kyriakos Mitsotakis.

Ngoài ra, về xếp hạng uy tín từ cao xuống thấp, ông Alexis Tsipras đứng ở vị trí thứ 7, sau hầu hết các nhà lãnh đạo cánh tả khác.

Kết quả cuộc thăm dò cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với đảng Dân chủ Mới hiện ở mức 30%, tăng 1,5% so với cuộc thăm dò hồi tháng trước, trong khi tỷ lệ ủng hộ đối với đảng SYRIZA là 15%, giảm 1% so với tháng trước.

Có tới 89% những người được hỏi bày tỏ thất vọng về các kết quả hoạt động của liên minh cầm quyền SYRIZA - Những người Hy Lạp Độc lập, và 87% nói rằng "mọi việc đang bị sai hướng."

Khi được hỏi ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử kế tiếp, 64% nói rằng đảng Dân chủ Mới sẽ giành thắng lợi một cách dễ dàng.

Chỉ có 12,5% cho rằng đảng SYRIZA sẽ giành được nhiều phiếu bầu nhất.

Thủ tướng Alexis Tsipras đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015 với cam kết sẽ chấm dứt chương trình "thắt lưng buộc bụng" kéo dài nhiều năm khiến người dân Hy Lạp rơi vào tình trạng hết sức khó khăn, song ông đã buộc phải đảo ngược quyết định này và ký thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế để nhận được gói cứu trợ mới, trong đó yêu cầu cắt giảm hơn nữa chi tiêu trong nước.

Bất chấp hàng loạt gói cứu trợ quốc tế, Hy Lạp vẫn chưa thoát hoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ từ năm 2010, được cho là nguyên nhân chính khiến đông đảo người dân nước này càng bất bình và mất niềm tin vào chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục