“Vách đá tài chính” đeo bám diễn biến của Phố Wall

Các chỉ số của chứng khoán Phố Wall hết tăng rồi lại sụt giảm thất thường, hòa theo diễn biến tâm lý của giới đầu tư về “vách đá tài chính.”
Chủ đề “vách đá tài chính” đã chi phối diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ trong suốt cả tuần giao dịch vừa qua, khi mà chỉ hơn một tuần nữa, các chính sách tăng thuế và giảm chi tiêu công sẽ tự động được thực thi, đe dọa đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi trở lại suy thoái.

Các chỉ số chính của sàn giao dịch chứng khoán Phố Wall hết tăng cao rồi lại sụt giảm thất thường, hòa theo diễn biến tâm lý lúc thì tràn trề hy vọng, khi thì đầy hoài nghi của giới đầu tư về khả năng Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận về ngân sách nhằm chặn đứng kịch bản “vách đá tài chính” có thể xảy ra.

Trong hai ngày giao dịch đầu tuần này (ngày 17 và 18/12), chứng khoán Mỹ liên tiếp tăng điểm, sau khi nỗi lo về tình hình ngân sách đã phần nào được xoa dịu nhờ vào những hy vọng của giới đầu tư về khả năng Oasinhtơn sẽ sớm đạt được một thỏa hiệp chính trị nhằm ngăn chặn "vách đá tài chính" có thể xảy ra vào hai tuần tới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Hạ viện John Boehner đã gặp nhau tại Nhà Trắng và đạt được những bước tiến tích cực trong việc tiếp cận gần hơn tới một thỏa thuận về ngân sách nhằm giúp nền kinh tế Mỹ thoát khỏi nguy cơ tái suy thoái. Tuy nhiên, lập trường của hai bên vẫn còn nhiều điểm khác biệt.

Ngoài ra, chiến thắng vang dội của đảng LDP sau cuộc bầu cử Hạ viện hôm 16/12 tại Nhật Bản, làm dấy lên niềm tin về triển vọng tươi sáng cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, cũng như việc Cơ quan xếp hạng tín dụng S&P vừa nâng mức đánh giá tín nhiệm của Hy Lạp từ mức có thể vỡ nợ lên B-, đã góp phần hỗ trợ đà tăng điểm của Wall.

Tuy vậy, ngay trong phiên giao dịch sau đó, thị trường cổ phiếu bất ngờ đảo chiều đi xuống, do những lo ngại về “vách đá tài chính” lại có xu hướng nóng trở lại, giữa bối cảnh chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là các chính sách tăng thu giảm chi sẽ tự động có hiệu lực, trong khi vẫn chưa có dấu hiệu nào đảm bảo rằng một thỏa thuận về ngân sách sẽ được Chính phủ Mỹ đưa ra, bất chấp việc Tổng thống Obama trấn an dư luận rằng ông và Đảng Cộng hòa đã thu hẹp được những bất đồng về việc làm sao để tránh được "vách đá tài chính" và hai bên vẫn đang tiếp tục nỗ lực hòa giải những khác biệt để sớm đạt được đồng thuận.

Sang tới ngày giao dịch 20/12, một loạt số liệu kinh tế tích cực mới được công bố của Mỹ, trong đó đáng chú ý là chỉ số về tăng trưởng GDP quý 3/2012 đã được điều chỉnh lên mức 3,1%, cao hơn mức dự báo và doanh số bán nhà đang sử dụng tại Mỹ trong cùng kỳ cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua, đã giúp giới đầu tư tỏ ra phấn chấn hơn và tạm gác lại mối lo về tình hình tài chính đang còn đầy bất ổn của nước này.

Ngoài ra, thông tin mới đây cho hay chỉ số lòng tin kinh doanh tại Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đã tiếp tục tăng lên trong tháng 12/2012 cũng giúp tô điểm thêm cho “sắc xanh” của Wall, đồng thời củng cố thêm niềm tin rằng Eurozone sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng nợ dai dẳng.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần (21/12), cũng ngày cuối cùng trong bộ lịch cổ của người Maya, khiến nhiều người tin rằng sẽ là ngày tận thế của nhân loại, chứng khoán toàn cầu, bao gồm cả chứng khoán Mỹ đã đồng loạt hạ điểm, sau khi kế hoạch B ngăn chặn “vách đá tài chính” của Đảng Cộng hòa không nhận được đủ sự ủng hộ cần thiết của các nghị sĩ thuộc cả hai chính đảng, qua đó gia tăng nguy cơ nước Mỹ không thể đạt được thỏa thuận về ngân sách trước khi năm 2013 gõ cửa.

Nhằm giải tỏa thế bế tắc về chính sách tài khóa của Mỹ khi chỉ còn 10 ngày nữa là bước sang năm mới 2013, Tổng thống Obama đã đề xuất một dự luật tạm thời, trong đó dung hòa các yêu cầu của cả phe Dân chủ và Cộng hòa. Kết quả thăm dò mới nhất do truyền thông Mỹ công bố ngày 21/12 cho thấy hơn một nửa số người Mỹ được hỏi ý kiến cho rằng phe Cộng hòa cần nhượng bộ để tránh đẩy nền kinh tế Mỹ trở lại suy thoái.

Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones giảm 120,88 điểm (0,94%) xuống 13.190,84 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 13,54 điểm (0,94%) xuống 1.430,15 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite mất 29,38 điểm (0,96%) đóng cửa ở mức 3.021,01 điểm. Dù vậy, ba chỉ số chính vẫn nỗ lực thoát khỏi các mức thấp trong ngày vào cuối phiên và duy trì mức tăng điểm trong cả tuần qua. Cụ thể là chỉ số S&P 500 tăng 1,17%, Dow Jones tăng 0,43% và Nasdaq tiến 1,67%.

Dự kiến, các báo cáo kinh tế quan trọng khác được công bố vào tuần tới như chỉ số lòng tin tiêu dùng, chỉ số giá nhà ở và doanh số bán nhà mới của Mỹ sẽ thay nhau dẫn dắt diễn biến của thị trường chứng khoán Phố Wall./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục