Cấm xe máy ở đô thị?

Vạch lộ trình để cấm xe máy tại những đô thị lớn

Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu các bộ, tỉnh thành xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm xe máy tại các đô thị lớn.
Tại Nghị quyết số 88/NQ-CP Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm môtô, xe gắn máy tại các đô thị lớn, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2012.

Đối với hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh các giải pháp từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện mô tô, xe gắn máy và ôtô lưu thông trên một số tuyến phố vào một số giờ nhất định, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực trong thành phố.

Nghị quyết 88 siết quy định quản lý vận tải bằng ôtô. Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải tăng cường các biện pháp xử lý ngay tại bến xe, cương quyết không cho xuất bến đối với xe ôtô không bảo đảm các quy định liên quan đến phương tiện, người điều khiển (đặc biệt là đối với xe ôtô mà người lái xe sử dụng rượu, bia); triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho xe ô tô.

Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trình Chính phủ trong quý IV/2012.

Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng lộ trình quy định xử phạt qua tài khoản ngân hàng, thời gian chủ sở hữu xe ôtô phải mở tài khoản ở ngân hàng, và đề xuất rút gọn các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ban hành trong quý I/2012.

Theo ông Thân Văn Thanh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, việc hạn chế và cấm xe máy hoặc ô tô trong thành phố là cần phải làm nhưng cần có lộ trình cụ thể.

Đưa ra dẫn chứng, ông Thanh cho rằng, tại một số nước, trước khi cấm xe máy vào thành phố, họ thông báo trước 3 hoặc 4 năm. Đây là thời gian để chính quyền và nhân dân cùng chuyển bị các điều kiện để thực hiện, như bến bãi đỗ xe, sắp xếp luồng tuyến, công việc, phương tiện…

Trước đó, Tại cuộc họp sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ Kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa diễn ở Thủ đô, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng đã giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu các phương án giảm thiểu ùn tắc, trong đó cần tính tới xây dựng Đề án hạn chế, kiểm soát sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân bao gồm mô tô, xe máy, taxi, xích lô.

“Với số lượng gia tăng đăng ký mới ôtô, xe máy như hiện nay nếu không có biện pháp kiểm soát thì dù có xây dựng hệ thống hạ tầng cũng không giải quyết được vấn đề ùn tắc,” ông Thảo cho biết./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục