"Vạch mặt" thủ phạm gây ra khủng hoảng tài chính tại Thổ Nhĩ Kỳ

Theo trang mạng tạp chí Foreign Policy, Thổ Nhĩ Kỳ đang cáo buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm về những khó khăn tài chính của họ nhưng Ankara có vẻ đang nhằm sai kẻ thù.
"Vạch mặt" thủ phạm gây ra khủng hoảng tài chính tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Kiểm tiền lira tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng tạp chí Foreign Policy, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm về những khó khăn tài chính của họ nhưng Ankara đang nhằm sai kẻ thù.

Sự sụt giảm nhanh chóng giá trị đồng lira đang "ăn mòn" nguồn vốn của các ngân hàng và có nguy cơ gây ra làn sóng phá sản. Cuộc khủng hoảng này đã lan ra bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, ảnh hưởng các thị trường mới nổi khác và làm sụt giá cổ phiếu trên thị trường London và New York. Điều này đã đầu độc mối quan hệ của Ankara với Washington, mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ trích là “một âm mưu dối trá,” châm ngòi cho sự hỗn loạn.

Tuy nhiên, căn nguyên của sự sụp đổ đồng lira lại do các chính sách điều hành kinh tế của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vốn đề nền kinh tế tăng trưởng nóng trong nhiều năm qua nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri và giành chiến thắng trong 9 cuộc bầu cử.

Nhờ sự chủ động trong đầu tư xây dựng của các công ty có quan hệ gần gũi với chính phủ, nền kinh tế trị giá 880 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ có mức tăng trưởng trung bình 6,8% trong thập kỷ này. Sự bùng nổ các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng khiến diện mạo kiến trúc lịch sử của thành phố Istanbul đã đổi thay, trở thành một công trường xây dựng ngổn ngang. Các công trình mới như nhà thờ Hồi giáo, đường sá, cầu cống và trung tâm mua sắm đã khiến ngành xây dựng chiếm gần 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

[NATO lộ nhiều điểm yếu nhìn từ "khủng hoảng" Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ]

Kể từ năm 2001, kim ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu xây dựng và các hàng hóa khác đã bỏ xa kim ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Và thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này đã tăng lên 50,2 tỷ USD. Nợ nần chồng chất trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Giờ thì một số con nợ tất sẽ không thể trả được nợ.

“Chúng tôi biết một cố công ty vỡ nợ và một số khác thì cạn tiền, song chúng tôi không biết rõ cụ thể họ là những công ty nào và khi biết được thì họ sẽ đều phá sản hết rồi,” Refet Gurkaynak, nhà kinh tế học tại Đại học Bilkent ở Ankara chia sẻ.

Sau 4 cuộc khủng hoảng tài chính kể từ những năm 1990, cộng đồng doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã quen với những “cơn biến động” như thế này. Thế nhưng, không may là cuộc khủng hoảng lần này lại không bình thường chút nào. Lý do là khủng hoảng lần này lại gắn với sự rạn nứt quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh NATO của họ là Mỹ, liên quan hàng loạt bất đồng từ chính sách ở Syria đến những trì hoãn trong các thương vụ bán vũ khí của Mỹ cũng như khả năng Washington áp đòn trừng phạt đối với ngân hàng nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ vì giúp Iran lách các biện pháp trừng phạt.

Căng thẳng quan hệ Mỹ-Thổ cứ âm ỉ và sục sôi khi Ankara từ chối thả mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị giam giữ gần 2 năm với cáo buộc khủng bố.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại mượn các công cụ chính sách đối ngoại được ưa chuộng của mình nhằm gây sức ép Ankara: đánh thuế vào mặt hàng kim loại nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ và áp đặt trừng phạt đối với các thành viên nội các của ông Erdogan vì liên quan bắt giữ Brunson. Mặc dù các biện pháp này không mang tính hủy hoại song lại khiến đồng lira chao đảo.

Các đòn trừng phạt của ông Trump đã khiến ông Erdogan gọi cuộc khủng hoảng đồng nội tệ hiện nay là một “cuộc chiến kinh tế” do Washington phát động.

Để chống đỡ các đòn trừng phạt này, ông Erdogan đã kêu gọi người dân huy động vốn nội bằng cách chuyển đổi giỏ tiền tệ đầu tư từ đồng bạc xanh hoặc euro sang đồng lira. Ông Erdogan cũng đưa ra các đòn trả đũa vào một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Ông Erdogan đã nhận được sự ủng hộ của công chúng và giới chỉ trích khi họ dường như nhận ra sự lạm quyền của Mỹ.

Trong một hành động mang tính cực đoan, các tay súng hôm 20/8 đã nã đạn vào Đại sứ quán Mỹ tại Ankara.

Các chuyên gia kinh tế tỏ ra hoài nghi khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng những khó khăn kinh tế của đất nước là do Mỹ gây ra.

“Khi bạn không thừa nhận có những vấn đề thực tại… mà chỉ nói về thị trường tài chính hoặc chính quyền Trump đang hành động ác ý, thì điều đó sẽ không có sức thuyết phục,” nhà kinh tế Gurkaynak giải thích. Cuộc khẩu chiến với Trump chỉ làm trầm trọng thêm làn sóng bán tống bán tháo tài sản của Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã xảy ra hiện nay.

Thực tế, đồng lira bắt đầu trải qua đợt mất giá mới nhất vào tháng Bảy, thời điểm mà Erdogan tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới trên cương vị là tổng thống “siêu quyền lực” của Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là thời điểm mà những thay đổi Hiến pháp do ông đưa ra có hiệu lực.

Ông đã chỉ định con rể Berat Albayrak, một người không có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, làm Bộ trưởng Tài chính. Đây là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy ông Erdogan muốn kiểm soát nhiều hơn đối với hoạt động của ngân hàng trung ương.

Còn trong thời gian củng cố quyền lực kéo dài nhiều năm trước đó, Erdogan đã cách chức nhiều bộ trưởng ủng hộ cải cách thị trường, bổ nhiệm nhiều vị trí hiệu trưởng và tướng lĩnh cũng như giám đốc doanh nghiệp nhà nước.

Nỗ lực phản kháng của ông Erdogan sẽ phải trả một cái giá nào đó, có thể là chính phủ sẽ phải chi một khoản tiền lớn để trả nợ cho doanh nghiệp hoặc sẽ phải chấp nhận giá cả hàng hóa trên thị trường leo thang.

Tuy nhiên, với phần lớn người dân, sự phản kháng của ông Erdogan trước hành động trừng phạt của Mỹ lại đáng được biểu dương và vì vậy họ sẽ sẵn sàng trả giá vì ông Erdogan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục