Vai trò của các vùng biển Đông Á trong cuộc tranh giành Trung-Mỹ

Đối phó hiệu quả thách thức của Trung Quốc, Mỹ cần phải có một bức tranh toàn cảnh địa chiến lược rộng hơn đối với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và vị trí của Mỹ ở trong đó.
Vai trò của các vùng biển Đông Á trong cuộc tranh giành Trung-Mỹ ảnh 1Vùng biển phía Đông Bắc bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa (Nhật Bản). (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, đối mặt với sự bành trướng của Trung Quốc ở Đông Á trong thập kỷ vừa qua, giới hoạch định chính sách Mỹ đã nỗ lực tái trấn an các đồng minh bằng những cam kết của của Washington như duy trì sự hiện diện thường trực ở các vùng biển thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đảm bảo ưu thế vượt trội của các lực lượng Mỹ ở khu vực một khi xung đột vũ trang nổ ra.

Tuy nhiên, với thực tế “xa xôi cách trở,” những trách nhiệm trên toàn cầu cùng với năng lực quân sự của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, Washington lại đang có nguy cơ buộc phải áp dụng lập trường thụ động theo thời điểm, nỗ lực “san phẳng” những chiều hướng thay đổi cán cân quyền lực cho đến khi các mối nguy liên quan đến việc duy trì vị thế truyền thống của Mỹ không thể chấp nhận được nữa.

Vấn đề liên quan tới việc duy trì cả những cam kết lẫn các lợi ích của Mỹ không phải dễ dàng. Như Walter Lippmann đã từng cảnh báo trong cuốn “Chính sách đối ngoại Mỹ: Lá chắn của nền Cộng hòa (1943)”, những trách nhiệm ở nước ngoài cần được giữ cân bằng với sức mạnh quốc gia.

Tương tự, nhà phân tích địa chính trị Nicholas Spykman đã viết trong những ngày đen tối của Chiến tranh Thế giới thứ II rằng một sự mất cân đối là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chiến tranh.

Lippmann đã chỉ trích gay gắt chính sách ngoại giao của Mỹ tại Thái Bình Dương trong giai đoạn 1899-1942 khi không thể nhận ra sự mất cân đối trong những cam kết của Mỹ với sức mạnh của họ so với sự trỗi dậy của Nhật Bản.

Tuy nhiên, kể từ năm 1945, ngoài một thách thức hạn chế từ Liên Xô, Mỹ không có một thách thức thực sự nào ở Thái Bình Dương.

Mãi đến cuộc Chiến tranh Việt Nam cách đây gần nửa thế kia, vốn là lần cuối cùng Mỹ phô trương sức mạnh ở Vành đai châu Á, thì Washington mới nhận ra cần phải đảm bảo sự cân bằng trong các cam kết ở châu Á với sức mạnh của nước này.

Mỹ hiện đang phải đối mặt với một “kẻ thách thức” thực sự về sự kiểm soát khu vực. “Kẻ thách thức” này hiện có thể chưa đủ khả năng đánh bại sức mạnh tổng lực của Mỹ, nhưng sức mạnh của nó đang tăng dần.

Quan trọng hơn, “kẻ thách thức” này đã xác định việc kiểm soát khu vực “Địa Trung Hải của châu Á” (các vùng biển nội thủy của Đông Á) là mục tiêu chính và đang hành động để thay đổi cán cân địa chính trị, chẳng hạn như thông qua chiến dịch xây đảo.

Theo đó, Washington đang có nguy cơ không thể xử lý thách thức này theo hai khía cạnh: đảm bảo rằng các cam kết và sức mạnh của họ trong khu vực được cân bằng, và nhận thức được một cách chính đáng quy mô toàn diện của thách thức này cũng như bản chất tổng thể của nó.

Những lo ngại của Washington về các năng lực và ý đồ của Trung Quốc là một sự nhận thức muộn màng về những thực tế này.

Giới hoạch định chính sách hiện đang ngày càng lo ngại rằng sức mạnh của Mỹ không tương xứng với những cam kết của nước này, đặc biệt nếu những cam kết đó được hiểu là sự ổn định trường kỳ của các vùng biển ven bờ và sự đảm bảo rằng không có một thế lực nào kiểm soát chúng.

Theo quan điểm này, trớ trêu là những cấu trúc liên minh của Washington có thể phải phụ thuộc vào sự kiểm soát các vùng biển ven bờ; nghĩa là đánh mất quyền kiểm soát đó có thể khiến cho việc thực hiện các bổn phận cho khối liên minh trở nên khó khăn hoặc tốn kém hơn.

[Liệu Trung Quốc đã sẵn sàng cho cuộc "chiến đấu lâu dài" với Mỹ?]

Đối phó hiệu quả thách thức của Trung Quốc, Mỹ cần phải có một bức tranh toàn cảnh địa chiến lược rộng hơn đối với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và vị trí của Mỹ ở trong đó.

Để làm được điều này, việc hữu ích cần làm là lấy lại một khái niệm từng được thảo luận trong những năm 1940: khái niệm về quy mô chiến lược toàn diện của “các vùng biển nội thủy” của Đông Á, hay cái gọi là “Địa Trung Hải của châu Á.”

Lợi ích của việc vận dụng khái niệm này sẽ cho thấy rõ thách thức địa chính trị mà Mỹ và các đồng minh, đối tác của họ đang phải đối mặt là một cuộc đấu tranh đang nổi lên nhằm giành quyền kiểm soát đối với toàn bộ không gian biển chung của khu vực Đông Á.

Kiểm soát các vùng biển nội thủy không phải là một khái niệm quân sự mới. Nó giải thích cho cuộc chiến kéo dài nhiều thập kỷ giữa Hải quân Hoàng gia Anh với các tàu của Napoleon tại eo biển Manche, cũng như cuộc chinh phục các hạm đội Trung Quốc và Nga của Hải quân Hoàng gia Nhật Bản tại Hoàng Hải trong năm 1894 và 1904, tạo cho nước này giành được quyền kiểm soát lối vào Triều Tiên và Trung Quốc.

Cả hai ví dụ này đều chỉ ra rằng cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát các vùng nội thủy luôn là bước đi đầu tiên dẫn tới một cuộc chiến lớn hơn để giành các khu vực vành đai, và cuộc cạnh tranh trên biển này có thể kéo dài nhiều năm trước khi có một động thái trên đất liền hoặc một quyết định của quân đội các bên.

Những tiến bộ về công nghệ từ sau Chiến tranh thế giới thứ I đã được gặt hái một cách đầy đủ trong những năm 1940, và Spykman đã nỗ lực giải thích luận đề của mình để kết hợp với hình thức chiến đấu hiện đại nhất khi đó: chiến tranh trên không.

Các chiến dịch hoạt động trên bầu trời gây ra những tàn phá trên đất liền từ trên không đã trở thành một năng lực quân sự khả thi vào Chiến tranh Thế giới thứ II.

Sức mạnh khủng khiếp của cuộc chiến tranh trên không trong Trận không chiến tại nước Anh là một minh chứng cho việc các nỗ lực kiểm soát vùng nội thủy đã được mở rộng sang lĩnh vực hàng không.

Tuy nhiên, mục tiêu chính vẫn không thay đổi, đó là kiểm soát các vùng biển và vùng trời chung để mở đường vào các vành đai.

Ngày nay, Mỹ đã đánh mất một sự nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng chiến lược của các vùng biển nội thủy vào đúng thời điểm mà họ phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ năm 1945.

Thay vì đang tập trung theo thứ tự vào một lĩnh vực khi có một vấn đề xảy ra, Washington nên nhận thức vấn đề một cách rõ ràng: Trung Quốc đang nỗ lực giành quyền kiểm soát, không phải là với các vùng biển xa như Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ I hay Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ II, mà với các vùng biển ven bờ và vùng trời ở châu Á, ngay cả khi Mỹ vẫn đang thống trị các vùng biển xa ở Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục