Vai trò của Colombia trong địa chính trị-quân sự tại khu vực Mỹ Latinh

Theo đánh giá của mạng rebellion.org, phần lớn ý nghĩa địa chính trị của Colombia tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe bắt nguồn từ chính sách đối ngoại của nước này vốn phục tùng các quyền lợi của Mỹ.
Vai trò của Colombia trong địa chính trị-quân sự tại khu vực Mỹ Latinh ảnh 1Nhóm Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) tại Colombia. (Nguồn: TTXVN)

Theo đánh giá của mạng rebellion.org, phần lớn ý nghĩa địa chính trị của Colombia tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe bắt nguồn từ chính sách đối ngoại của nước này vốn phục tùng các quyền lợi của Mỹ tại khu vực, ưu tiên các vấn đề quân sự và an ninh.

Một trong những cột trụ của chính sách này mà ngày nay dẫn đến những hệ quả rõ rệt là Kế hoạch Colombia - được đặt lại tên là Kế hoạch Hòa bình Colombia từ năm 2016 vào cuối nhiệm kỳ của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, với những chiêu bài quen thuộc là “cuộc chiến chống buôn lậu ma túy và khủng bố."

Nhiều phân tích đã chỉ ra rằng mục tiêu thực sự của kế hoạch viện trợ - chi phối quân sự khổng lồ này của Washington cho Bogota là hủy diệt các tổ chức quân sự cánh tả và xây dựng chắc chắn các cơ chế tích lũy qua con đường khai thác triệt để tài nguyên khoáng sản và năng lượng.

Thông qua Kế hoạch Colombia, Washington thúc đẩy một mô hình tại khu vực sân sau kết hợp quân sự hóa xã hội, các “viện trợ phát triển” và tạo dựng một hạ tầng khu vực phục vụ cho việc khai thác các tài nguyên khoáng sản quý giá tại đây.

Theo định hướng này, Colombia đã gắn thái độ hiếu chiến của mình với các chương trình then chốt của Mỹ như Chiến lược An ninh quốc gia 2002, dự án Khu vực tự do mậu dịch châu Mỹ-ALCA (đã thất bại năm 2005), Kế hoạch Puebla-Panama, Sáng kiến Khu vực Andes và Sáng kiến Merida.

Tương tự, Bogota đã thiết kế một chính sách quốc phòng và an ninh quốc gia mang tên An ninh Dân chủ, từng tạo ra những tình huống căng thẳng cao độ từ các vùng biên giới với Venezuela và Ecuador do các chiến dịch truy quét quân sự gần biên giới và thậm chí lan sang cả lãnh thổ các nước láng giềng; cũng như cho cả khu vực qua hiệp ước hợp tác cho phép Mỹ sử dụng tới 7 căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Thỏa thuận này giờ đây là “tấm séc trắng” cho các ý đồ quân sự của Mỹ chống Venezuela.

Trong hơn một thập niên đầu của thế kỷ này, trong khi khu vực Nam Mỹ trải qua một tiến trình hội nhập ngày càng độc lập với Mỹ, Colombia lại đi ngược xu hướng này trong khi vẫn là quốc gia duy nhất tại khu vực có xung đột vũ trang nội bộ, đe dọa các nước láng giềng và thường xuyên có những “sáng kiến” ngoài thể chế.

Trong khi Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) có khả năng tiến tới một nghị trình chính trị và phòng thủ riêng của khu vực, thoát khỏi “chủ nghĩa toàn Mỹ” mà Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) - cánh tay nối dài của Mỹ - bảo trợ, thì Colombia vẫn củng cố - thông qua mạng lưới các tổ chức phi chính phủ và các quỹ - một mạng lưới các tác nhân chính trị hữu khuynh theo đuổi việc tái định hình khu vực này như vùng ảnh hưởng của Mỹ.

Tháng 5/2018, sau các cuộc đàm phán liên tiếp kể từ năm 2013, khi đó Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos thông báo công khai việc trở thành đối tác toàn cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tư cách tương tự như với Afghanistan, Iraq, Hàn Quốc và New Zeland.

[Bùng phát căng thẳng dọc biên giới Venezuela-Colombia]

Là nước duy nhất tại khu vực theo quy chế này, lập trường của Colombia rõ ràng đã đi ngược lại các tuyên bố của UNASUR (2008) và Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe - CELAC (2014), trong đó các nước thành viên của hai tổ chức này cam kết duy trì một “khu vực hòa bình” và “không có vũ khí hạt nhân."

Colombia cũng đã cho thấy vai trò trong các cuộc tập trận chung tại khu vực, trong đó có thể kể ra Red Flag 2018 - chiến dịch huấn luyện không chiến do Không quân Mỹ (USAF) tổ chức và NATO điều phối, AmazonLog tiến hành tại vùng ngã ba biên giới Brazil-Colombia-Peru với lực lượng của ba nước này, hay các cuộc tập trận UNITAS Pacific và UNITAS Amphib18, lần lượt diễn ra tại vùng biển Caribe của Colombia và Rio de Janeiro.

Thêm vào đó là một loạt cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Tư lệnh các Lực lượng vũ trang, với sự tham dự của chỉ huy cấp cao trong Bộ Tư lệnh phương Nam của Mỹ (USSOUTHCOM), như Đô đốc Kurt Tidd và người kế nhiệm Sean Buck.

Còn hiện tại, Colombia là một trong những nước gây sức ép ngoại giao mạnh nhất chống Chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro, từ OAS cho tới Tòa án Hình sự quốc tế. Giọng điệu ngày càng leo thang của Bogota trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã gợi ra khả năng về một cuộc can thiệp quân sự hay phối hợp các chiến dịch tâm lý.

Trong bối cảnh đó, đương kim Tổng thống Colombia Iván Duque cố giành vai trò lãnh đạo khối tân bảo thủ của khu vực, với đề xuất thành lập tổ chức thay thế UNASUR - mà Bogota đã rút khỏi từ tháng 8/2018 - mang tên PROSUR, một dự án nhằm mang lại cấu trúc chính thức cho Nhóm Lima và về mặt thương mại là lôi kéo Brazil.

Cũng cần nói rằng, trước bối cảnh đó, từ năm 2004, Venezuela đã tái hoạch định các cơ sở chính sách an ninh và quốc phòng của mình một cách toàn diện hơn liên quan tới cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa với sự tham gia trực tiếp của toàn dân (giống với chiến lược mà Việt Nam từng triển khai trong thời kỳ kháng chiến hay Cuba với hệ thống hóa học thuyết “chiến tranh nhân dân”). Chính sách này, dựa trên Luật tổ chức An ninh quốc gia, thúc đẩy Học thuyết Phòng thủ và Phát triển toàn diện Bolivar với nhận định 4 bối cảnh xung đột khả thi: chiến tranh “thế hệ thứ 4”, đảo chính, xung đột khu vực và can thiệp quân sự trực tiếp từ Mỹ.

Bất chấp việc Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thực hiện hai chuyến công du Nam Mỹ để tìm kiếm đồng thuận cho các hành động can thiệp quân sự vào Venezuela, chính phủ của ông Juan Manuel Santos trước đây vẫn từ chối lựa chọn sử dụng vũ lực và đặt cược vào các lựa chọn “trung gian hòa giải," mặc dù vẫn kiên quyết với lập trường chống lại Chính phủ theo tư tưởng Bolivar của Venezuela, và thường xuyên sử dụng danh từ “chế độ” - theo nghĩa miệt thị, hay thậm chí gọi đây là nền độc tài trên các phương tiện truyền thông.

Tổng thống Colombia khi đó đã công nhận một cách chiến thuật tính hợp hiến của Chính phủ Venezuela cho tới ngày 10/1/2019 (thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ mới) và để lại sân chơi cho người kế nhiệm Iván Duque.

Nếu như giả thuyết can thiệp quân sự nước ngoài từ nhiều năm qua đã nằm trong tính toán chiến lược của Caracas và Lực lượng vũ trang quốc gia Bolivar, thì các điều kiện thực tiễn vẫn ít khả thi khi các nước láng giềng có biên giới với Venezuela vẫn khá hữu hảo, ngoại trừ Colombia, mặc dù ngay cả quốc gia này cũng không trong tư thế sẵn sàng cho một cuộc xung đột giữa hai nước trong bối cảnh vẫn phải đối mặt xung đột xã hội và vũ trang trong nước.

Với một Colombia nhiều năm là đồng minh thân thiết của Mỹ trong lĩnh vực quân sự, câu hỏi đặt ra là: trong trường hợp xung đột, cán cân giữa Colombia và Venezuela sẽ ra sao? Bogota rõ ràng tích lũy được kinh nghiệm rất đáng nể trong hình thái chiến tranh chống nổi dậy và chống du kích, đã hiện đại hóa các phương tiện chiến tranh của mình và tích hợp được những khả năng tác chiến mới, chủ yếu cho mô hình chiến tranh bất đối xứng.

Thêm vào đó, họ đã đạt một thỏa thuận hòa bình với nhóm du kích lớn nhất, Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) dẫn tới giải giáp nhóm này, nói cách khác là trừ đi được mối lo nội bộ lớn nhất.

Về phần mình, Venezuela đã phát triển một chính sách phù hợp với các giả thuyết nguy cơ của mình, bao gồm cả khả năng xung đột với quốc gia láng giềng, trong đó ưu thế không quân của họ có thể là một điểm lợi. Nhưng những phân tích ở đây chỉ là bối cảnh so sánh đơn thuần giữa hai nước và chưa đề cập tới những tác động có thể mang tính quyết định của những liên minh quốc tế, thậm chí cả sự can dự của những cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, tương tự như những gì đang diễn ra tại Syria.

Ngày 13/2 vừa qua, tổng thống Duque đã tới Washington để gặp mặt người đồng cấp Donald Trump và hai bên đã thảo luận các hành động chung để “chấm dứt khủng hoảng tại Venezuela," mặc dù đề tài được thảo luận nhiều nhất là về cuộc chiến chống ma túy, trong đó Mỹ luôn duy trì áp lực với Colombia về việc áp dụng các biện pháp quyết liệt (nhưng trong nhiều trường hợp rất có hại cho người dân).

Dù Bogota từng gieo rắc trong dư luận về khả năng can thiệp quân sự, nhưng hành động thực tế ban đầu của họ xoay quanh cái gọi là “viện trợ nhân đạo”, để thu hút được nhiều cảm tình hơn và xây dựng hình ảnh một khế ước xã hội về “chuyển tiếp dân chủ” trong một bộ phận quần chúng. Tất nhiên, hành động tâm lý-xã hội này chỉ là cách bào chữa cho các biện pháp khác, trong đó nổi bật là hành vi quân sự, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, khi mà cuộc “vây hãm ngoại giao” và bao vây tài chính đang dần cạn kiệt và bất lực.

Chưa lúc nào, khả năng Colombia, dưới sự chỉ đạo của Mỹ, can thiệp vào Venezuela lại lớn đến như vậy. Cần nhớ rằng chính quyền Bogota vừa giải ngũ phần lớn Lực lượng quân sự và Cảnh sát quốc gia (khoảng nửa triệu người), và trong khi chính thức hoãn triển khai thỏa thuận hòa bình, ông Iván Duque vẫn được Quốc hội tăng ngân sách cho quốc phòng và an ninh năm 2019, mà một phần trong số đó được dùng để sắm hệ thống phòng không hiện đại.

Tóm lại, về mặt vật chất, Colombia đã sẵn sàng tham gia “một màn kịch sân khấu hiếm thấy” tại khu vực Mỹ Latinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục