Vai trò của Nga-Mỹ trong thế trận quyền lực ở Venezuela

Cuộc tranh giành quyền lực ở Venezuela đã leo thang thành một cuộc chiến địa chính trị, kéo theo Mỹ và các đồng minh của nước này hậu thuẫn Guaido, còn Nga, Cuba và Trung Quốc ủng hộ Maduro.
Vai trò của Nga-Mỹ trong thế trận quyền lực ở Venezuela ảnh 1Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Nguồn: AFP)

Theo AFP, chế độ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, được hỗ trợ bởi quân đội Nga khiến Mỹ phẫn nộ, hôm 28/3 đã thông báo rằng nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido - người tự phong là Tổng thống lâm thời của Venezuela và được Washington hậu thuẫn - đã bị cấm giữ bất kỳ một chức vụ công nào trong vòng 15 năm.

Tuy nhiên, Guaido đã ngay lập tức đáp trả rằng lệnh cấm 15 năm được Kiểm toán trưởng quốc gia Venezuela Elvis Amoroso công bố trên truyền hình nhà nước là không có hiệu lực.

"Ông ta không phải là kiểm toán trưởng.... Quốc hội hợp pháp là cơ quan duy nhất có quyền chỉ định một tổng kiểm toán," ông Guaido nói.

Mỹ cũng lập tức đưa ra phản ứng đối với thông báo trên. Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino đã mô tả động thái này một cách ngắn gọn là "nực cười và lố bịch."

Đây là cuộc đối đầu mới nhất giữa Maduro và Guaido. Cuộc tranh giành quyền lực đã leo thang thành một cuộc chiến địa chính trị, kéo theo Mỹ và các đồng minh của nước này hậu thuẫn Guaido, còn Nga, Cuba và Trung Quốc ủng hộ Maduro.

Moskva trợ giúp Maduro

Ở trong nước, mặc dù không được nhiều người ủng hộ trong bối cảnh đất nước đang ngày càng lún sâu vào hỗn loạn kinh tế, song Maduro vẫn có ưu thế nhờ lòng trung thành của các tướng lĩnh quân sự, và sự hiện diện của phái đoàn quân sự Nga kể từ cuối tuần trước.

Ở nước ngoài, Guaido được tiếp thêm động lực bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ chống chính quyền Maduro, đồng thời vẫn đang nỗ lực để các đặc phái viên của mình được các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế công nhận.

Maduro, người cho đến nay vẫn lưu ý tới những cảnh báo của Mỹ rằng ông không được bắt giữ Guaido nếu không sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường, xem ra có vẻ tự tin hơn kể từ khi Moskva công khai bảo vệ chế độ Caracas.

Ngày 28/3, Moskva đã từ chối một yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trước đó rằng "Nga phải rời khỏi" Venezuela.

Nhóm quân nhân Nga, được mô tả là các chuyên gia quân sự, sẽ ở lại Venezuela "chừng nào còn cần thiết," một phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói, đồng thời gợi ý Washington nên ngừng gây áp lực và không nên có những hành động can thiệp.

Ngày 25/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc Mỹ tiến hành một cuộc "đảo chính" ở Venezuela. Một số báo cáo cho biết các binh sỹ đã ở đó để vận hành các hệ thống phòng không mua từ Nga.

Mỹ thắt chặt lệnh trừng phạt

Mỹ đã phản ứng giận dữ với động thái của Nga. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã bày tỏ sự không hài lòng của Washington trên trang cá nhân.

"Maduro muốn chuyển giao quyền lực ở Venezuela trong khi ông ta mời các lực lượng an ninh Cuba và Nga đến Caracas, như vậy ông ta và những người thân cận của mình có thể tiếp tục cướp bóc Venezuela," nhà ngoại giao số một của Mỹ đăng trên mạng xã hội Twitter.

Và ông gắn thẻ hashtag #HandsOffVenezuela: "Đã đến lúc các thể chế của Venezuela phải ủng hộ chủ quyền của họ. Nga và Cuba hãy chuyển giao quyền lực ở Venezuela."

[Venezuela xem xét đáp trả lệnh trừng phạt lĩnh vực dầu khí của Mỹ]

Ngày 27/3, Pompeo đã tuyên bố trước Quốc hội Mỹ rằng ông đã "có cuộc trao đổi cá nhân" với Mexico và Na Uy về tương lai của Venezuela, điều đó làm dấy lên suy đoán rằng Washington đang tìm kiếm những nơi có thể cho Maduro tị nạn.

Tuy nhiên, Mexico ngày 28/3 đã phủ nhận thông tin này. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mexico nói: "Những cuộc trao đổi đó không hề đề cập đến khả năng Mexico có thể cấp quy chế tị nạn cho bất cứ thành viên nào của Chính phủ Venezuela."

Các chiến thuật của Mỹ, cho đến nay, đã tập trung vào việc áp dụng các biện pháp trừng phạt. Những biện pháp đó sẽ gia tăng sức ép đáng kể đối với Venezuela trong 1 tháng tới, vào ngày 28/4, khi Mỹ sẽ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Venezuela.

Với việc Mỹ là khách hàng chính mua dầu mỏ của Venezuela, bước trừng phạt tiếp theo dự kiến sẽ tác động nghiêm trọng đến kho bạc nhà nước vốn đã cạn kiệt của Maduro.

Đòn giáng mạnh vào ngành dầu mỏ

Các biện pháp trừng phạt ngày càng cứng rắn của Mỹ trong những tháng qua, cùng với sự quản lý yếu kém của chính quyền Maduro khi họ tiếp quản các doanh nghiệp và các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, cũng như nạn tham nhũng và nhiều năm không đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đã gây thiệt hại cho Venezuela.

Từ ngày 25/3 đến cuối ngày 27/3, người Venezuela đã phải chịu cảnh mất điện lần thứ hai trên toàn quốc trong tháng này. Đợt mất điện trước đó, vốn chưa từng xảy ra trên diện rộng và kéo dài như vậy, đã kéo dài suốt một tuần.

Cúp điện đã làm tê liệt giao thông, nguồn cung cấp nước, thông tin liên lạc và máy đọc thẻ ngân hàng, các trường học và các cơ quan công cộng phải đóng cửa, trong khi cũng làm giảm việc cấp trữ đông lạnh thực phẩm vốn đã khan hiếm.

Đa số các cửa hàng, tiệm ăn, quán cà phê đều đóng cửa, tàu điện ngầm không hoạt động. Các nhà phân tích cho biết lĩnh vực dầu mỏ, mang lại 96% doanh thu của nhà nước, gần như bị tê liệt.

Chuyên gia Luis Oliveros cho biết tác động đối với một số chi nhánh của công ty dầu mỏ quốc doanh có lẽ là "không thể đảo ngược được."

Điều đó có thể báo hiệu những tin xấu cho Nga và Trung Quốc, hai nước chủ nợ lớn nhất của Venezuela vốn đã đồng ý thanh toán nợ bằng dầu mỏ.

Người Venezuela tuyệt vọng

Đối với người dân thường Venezuela, sự cố cúp điện là tai họa lớn hơn cả nạn siêu lạm phát và tình trạng thiếu về lương thực đang đẩy nhiều người đến bên bờ vực của sự sống sót.

Gần một tháng sau vụ cúp điện đầu tiên, một lần nữa người dân quốc gia dầu mỏ này lại bị chìm trong bóng tối. "Tình cảnh này khiến bất cứ ai cũng phải tuyệt vọng... Đủ rồi!" Mauro Hernandez, một người dân Venezuela 57 tuổi buộc phải đi bộ 90 phút để đến chỗ làm việc, nói.

Bà Angela sống ở thủ đô Caracas cho biết lần này bà đã trữ sẵn nước và cá thu đóng hộp. Ở tuổi 74, bà không thể lên xuống 12 tầng lầu khi thang máy không hoạt động.

Cũng như bà, nhiều người dân Venezuela đã "phát huy tài nghệ của người tiền sử để sống sót."

Phe đối lập cho rằng sự cố mất điện liên tục là do cơ sở hạ tầng bị xuống cấp trầm trọng, trong khi Chính phủ Maduro thì đổ lỗi cho các cuộc tấn công "từ xa" của Mỹ và "hành động khủng bố" của phe đối lập nhằm phá hoại đập thủy điện Guri, nơi cung cấp gần 80% điện năng cho cả nước.

Ngày 28/3, Bộ trưởng Truyền thông Jorge Rodriguez đã khẳng định điện đã được khôi phục trên "hầu hết" lãnh thổ Venezuela. Nhưng nhiều người tiếp tục rời bỏ đất nước.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, kể từ năm 2015 đến nay đã có gần 3 triệu người Venezuela bỏ xứ sở ra đi kiếm sống từ khi kinh tế bị suy sụp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục