Vai trò của quân đội Ai Cập trong các hoạt động kinh tế

Sự tham gia của quân đội Ai Cập vào nền kinh tế gia tăng đáng kể kể từ khi ông Sisi trở thành Tổng thống. Nhà máy quân đội sản xuất nhiều loại hàng hóa, từ dụng cụ nhà bếp cho đến phương tiện đi lại.
Vai trò của quân đội Ai Cập trong các hoạt động kinh tế ảnh 1Quân đội Ai Cập đã tham gia làm kinh tế trong nhiều thập kỷ qua. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuần báo The Arab Weekly vừa có bài phân tích về tình hình cũng như cơ cấu kinh tế của Ai Cập, trong đó đáng chú ý là vai trò của quân đội trong các hoạt động kinh tế ở quốc gia Bắc Phi này.

Bài viết nêu rõ quân đội Ai Cập đang đóng vai trò trung tâm trong việc triển khai thực hiện hàng trăm dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có các tuyến đường mới, hàng chục nghìn căn hộ cũng như các thành phố mới.

Theo The Arab Weekly, các cuộc biểu tình chống chính phủ xảy ra vừa qua ở Ai Cập nhằm gây sức ép đòi Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi phải từ chức là minh chứng khiến người ta nhớ lại về cuộc nổi dậy “Mùa Xuân Arab.”

Người biểu tình xuống đường tụ tập hôm 20/9 vừa qua nhằm đáp lại lời kêu gọi của nhà thầu Mohamed Ali, hiện đang lưu trú tại Tây Ban Nha, người đã lên tiếng cáo buộc tham nhũng đối với chính phủ và quân đội nước này.

Mohamed Ali đã công bố trên truyền thông xã hội những đoạn video với nội dung kêu gọi người dân biểu tình chống Tổng thống Sisi và nêu rõ vai trò của quân đội trong nền kinh tế của Ai Cập.

[Lực lượng an ninh Ai Cập tiêu diệt 15 phần tử khủng bố tại Bắc Sinai]

Ông Ali đã kể về công việc mà ông ta đã từng cho quân đội, trong đó có việc thực hiện và giám sát các dự án phát triển và xây dựng lớn.

Người này cho rằng ông ta đã bị quân đội lừa gạt và phải trốn chạy sang Tây Ban Nha vì lo sợ bị trả thù sau khi ông ta đòi bên quân đội phải thanh toán tiền.

Qua các đoạn video ghi lại những phát biểu của mình, ông Ali cũng lên tiếng tố cáo ông Sisi và chính quyền Ai Cập tham nhũng.

Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) cũng đang sử dụng những đoạn video này để công kích chính quyền của ông Sisi.

Những cáo buộc của ông Ali đưa ra trong bối cảnh các chương trình cải cách kinh tế “thắt lưng buộc bụng” đã gây ra nhiều tác động đối với tầng lớp trung lưu và những người có thu nhập thấp ở nước này.

Tổng thống Sisi đã bác bỏ những cáo buộc của ông Ali, cho rằng đó là “những lời lẽ hoàn toàn dối trá.”

Tổng thống Sisi cho rằng những đoạn video của ông Ali là một âm mưu nhằm làm suy yếu Ai Cập và làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với quân đội nước này.

Ông Sisi tuyên bố ông sẽ tiếp tục xây dựng các dinh thự của tổng thống vì mục đích tốt đẹp đối với Ai Cập. Ông Sisi nêu rõ: “Tôi đang xây dựng một đất nước mới."

Tại Ai Cập, những đoạn video của ông Ali đã gây ra nhiều tranh cãi về sự tham gia của quân đội trong các hoạt động kinh tế, có ý kiến cho rằng điều này gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế nước này.

Giáo sư danh dự của Đại học Tổng hợp Cairo đồng thời là một chuyên gia kinh tế, ông Hazem Hosni, cho rằng “sự thống trị của quân đội trong nhiều dự án kinh tế sẽ ‘xua đuổi’ các nhà đầu tư muốn rót tiền vào Ai Cập.

Các nhà đầu tư nước ngoài nghiêm túc không thể chấp nhận việc cạnh tranh với quân đội hay thậm chí làm việc dưới sự ủy nhiệm của họ.”

Theo các nhà quan sát, quân đội Ai Cập đã tham gia làm kinh tế trong nhiều thập kỷ qua, sở hữu nhiều cơ sở phi quân sự mà có thể sản xuất ra số lượng lớn hàng hóa.

Sự tham gia của quân đội Ai Cập vào nền kinh tế nước này đã gia tăng đáng kể kể từ khi ông Sisi trở thành Tổng thống hồi năm 2014. Các nhà máy của quân đội sản xuất nhiều loại hàng hóa, từ các dụng cụ nhà bếp cho đến các phương tiện đi lại.

Ngoài ra, một số nhà máy đang hoạt động còn hợp tác với các công ty quốc tế, Mỹ, châu Âu hay châu Á.

Quân đội cũng tham gia vào các dự án chế biến lương thực, trong đó có cả “các nhà xanh” mới được thành lập và những trang trại nuôi trồng thủy sản mà đã sản xuất được nhiều tấn thực phẩm mỗi năm.

Bên cạnh đó, quân đội cũng đang thực hiện hàng trăm dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có hàng nghìn km đường mới, hàng chục nghìn căn hộ mới và những khu đô thị mới. Có thể nói quân đội đang đáng đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế của Ai Cập.

Ông Ali đã nói trong các đoạn video đăng trên mạng xã hội về các dự án xây dựng do quân đội trực tiếp thực hiện hoặc giám sát các dự án do các công ty nhà thầu Ai Cập thực hiện, như Amlak Misr, vốn từng thuộc về ông Ali.

Quân đội Ai Cập không công bố các số liệu về “đế chế” kinh tế của họ. Nhưng hồi tháng 3/2019, Tổng thống Sisi tuyên bố rằng quân đội kiểm soát 2-3% nền kinh tế Ai Cập.

Ngày 2/9 vừa qua, người phát ngôn của quân đội, Đại tá Tamer al-Rifae cho biết quân đội đang giám sát 2.300 dự án vốn sử dụng 5 khoảng triệu lao động.

Các nhà quan sát cho rằng các cơ sở sản xuất của quân đội đã nhận được nhiều ưu đãi về thuế và cung cấp năng lượng. Quân đội đã sử dụng lính nghĩa vụ trong một số dự án và chi trả cho những đối tượng này mức lương “bèo bọt.”

Theo các chuyên gia kinh tế, chính điều này đã nên sự bất công lớn. Ông Hosni đánh giá rằng điều này sẽ khiến khu vực dân sự “thụt lùi,” không thể phát triển được.

Đế chế kinh tế của quân đội được cho là đã hình thành ở Ai Cập kể từ cuộc nổi dậy năm 2011 nhằm đặt dấu chấm hết cho chính quyền của ông Hosni Mubarak.

Cuộc nổi dậy này đã làm ảnh hưởng tới nền kinh tế Ai Cập, dẫn tới việc hàng nghìn nhà máy phải đóng cửa và gây ra sự tháo chạy của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong nhiều năm sau cuộc chính biến trên, năng lực sản xuất của khu vực dân sự ở Ai Cập rất hạn chế và thậm chí là yếu kém.

Người Ai Cập nhận ra được tầm quan trọng của vai trò của quân đội, đặc biệt về khả năng tự cung tự cấp, ít là trong cung ứng lương thực.

Các xe tải của quân đội xuất hiện trên các đường phố ở khắp đất nước, bán lương thực với mức giá thấp hơn nhiều so với giá trên thị trường và quân đội vẫn đang tiếp tục thực hiện những việc này.

Ngoài ra, những người ủng hộ quân đội cho biết quân đội đã cung cấp các xe buýt để vận chuyển hành khách khi các lái xe buýt vận tải công cộng tham gia các cuộc đình công đòi tăng lương.

Quân đội còn huy động cả lượng xăng dự trữ trong kho của họ để cung cấp ra thị trường khi các trạm bán lẻ xăng dầu trên cả nước lâm vào cảnh thiếu nguồn cung.

Tướng về hưu Gamal Eddine Mazloum cho rằng: “Quân đội trên khắp thế giới đóng vai trò trong nền kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng quân đội thống trị nền kinh tế chỉ là nhằm bôi xấu và khiến công chúng suy giảm lòng tin vào quân đội”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục