Khoảng 50 nhà lãnh đạo từ 46 Tổ chức Xã hội Dân sự (CSO) đến từ 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã tham dự Diễn đàn ASEAN lần thứ ba tổ chức trong hai ngày (14-15/3), tại Singapore, để cùng nhau thảo luận cách thức xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, tại diễn đàn này, đại diện các tổ chức xã hội dân sự sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan, góp phần cụ thể vào các tiến bộ của ASEAN và nâng cao phúc lợi cho người dân trong khu vực thông qua các lĩnh vực như thanh thiếu niên và giáo dục, văn hóa và thông tin...
Cũng thông qua diễn đàn, các tổ chức tham gia sẽ đóng góp ý kiến cho việc lập kế hoạch chiến lược cũng như đưa ra các đề xuất cụ thể để đệ trình lên cấp Bộ trưởng ASEAN xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025.
Bên cạnh đó, đại diện các CSO cùng với các chuyên gia ASEAN thảo luận về lộ trình ASEAN 2025 cũng như xem xét các cơ hội hợp tác với các bên liên quan từ cả khu vực công và tư.
[ASEAN ưu tiên xóa nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển]
Theo bà Elaine Tan, Giám đốc điều hành Quỹ ASEAN-đơn vị đồng tổ chức diễn đàn cùng với Quỹ Temasek (Singapore), việc huy động các tổ chức xã hội dân sự vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN là một trong những vấn đề cốt lõi, bởi đây là những tổ chức gần gũi và đại diện cho tiếng nói của người dân. Vì vậy, tạo một nền tảng để các tổ chức dân sự tham gia ngày càng tích cực hơn vào việc xây dựng Cộng đồng sẽ giúp cho các chương trình hành động của ASEAN ngày càng hướng đến lợi ích của người dân nhiều hơn, đặc biệt là những người yếu thế.
Trong khi đó, đại diện đến từ Việt Nam, anh Huỳnh Hạnh Phúc-người sáng lập tổ chức "Giảng dạy vì Việt Nam" cho biết đến với diễn đàn ASEAN lần này, Việt Nam mong muốn gửi đi một thông điệp rằng các tổ chức xã hội dân sự khác nhau thông qua việc tìm ra một tiếng nói chung góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN mạnh về mọi mặt, đặc biệt là giáo dục và văn hóa.
Chính vì vậy, anh Phúc cũng như nhiều người tham dự diễn đàn đều mong muốn làm sao để các tổ chức dân sự khác trong khu vực biết được các chương trình hoạt động đang diễn ra ở từng nước, từ đó kiến nghị đưa vào kế hoạch hành động của các Bộ trưởng ASEAN để có thể nhân rộng.
Anh Phúc cho hay: "Hiện tại chúng tôi đang có kế hoạch kêu gọi các nhân tài từ nhiều ngành nghề khác nhau đến với giáo dục đồng thời kêu gọi sự chú ý của các quỹ trên thế giới mang nhân lực, tài lực cũng như các nguồn hỗ trợ khác nhau cho lĩnh vực giáo dục của ASEAN, đặc biệt là Việt Nam."
Hệ thống Tổ chức Teach for All (Giảng dạy vì mọi người) đã có ở 5 nước trong khu vực gồm Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Philippines và Việt Nam. Các tổ chức này hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận với sứ mệnh mang lại nền giáo dục hoàn thiện và bình đẳng cho mọi trẻ em./.