Vai trò mở rộng của MSME trong phát triển bền vững toàn cầu

Vietnam Plus xin giới thiệu bài viết của lãnh đạo Quỹ châu Á-Thái Bình Dương Canada về vai trò nổi lên của các MSME trong phát triển bền vững toàn cầu.
Vai trò mở rộng của MSME trong phát triển bền vững toàn cầu ảnh 1Các đại biểu tham dự Hội thảo Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính trong thời đại Kỹ thuật số cho MSME tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Đây là bài viết của hai tác giả Vilupti Lok Barrineau, Phó Chủ tịch Quỹ châu Á-Thái Bình Dương, và Gisèle Yasmeen, chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học British Columbia.

Theo hai tác giả, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) chiếm 40% dân số thế giới, 50% thương mại toàn cầu và 60% GDP của thế giới. Trong 1/4 thế kỷ qua, APEC đã định hình và chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu, giúp đưa nửa tỷ người thoát đói nghèo.

Tuy nhiên, rất ít người Canada hiểu nhiều về APEC, cho dù Canada là một thành viên sáng lập từ năm 1989.

Với mục tiêu thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, APEC mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Canada trong vai trò là một tổ chức dẫn dắt đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong thế kỷ 21.

Ngoài ra, APEC cũng thúc đẩy các lợi ích chiến lược của Canada ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong suốt thời gian dài, nhiều tổ chức đa phương đã đầu tư mạnh nguồn lực vào APEC nhưng các doanh nghiệp Canada vẫn hờ hững. Tuy nhiên thực tế này đang dần thay đổi.

Hội nghị Bộ trưởng APEC tuần này ở Thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào việc thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) ở cả Bắc và Nam bán cầu.

Các doanh nghiệp này chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ở APEC, nơi có khoảng 110 triệu MSME với phần lớn thuộc sở hữu của thanh niên và phụ nữ, những người luôn sẵn sàng thay đổi quỹ đạo phát triển kinh tế hiện nay.

Nhìn trên toàn khu vực, bao gồm cả ở Canada, MSME là xương sống của nền kinh tế, sử dụng phần lớn nguồn lực lao động và chiếm tỷ trọng đáng kể trong GDP.

[APEC 2017: Tìm giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa]

Một trong những lĩnh vực mà các MSME phát triển năng động nhất hiện nay là về nông nghiệp và lương thực.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này nắm giữ vai trò quan trọng trong giải quyết vấn đề an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu nông sản và thực phẩm chế biến ngày càng tăng, đồng thời giúp cải thiện thu nhập và giảm đói nghèo thông qua các chiến lược tăng trưởng toàn diện ở cả những nước phát triển và các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình (LMIC).

Dự án Hợp tác Kinh doanh Canada-APEC của chính phủ Canada là một minh chứng cho hướng đầu tư mới của Canada vào không gian MSME.

Dự án kéo dài 4 năm, hướng tới việc xây dựng và phát triển cộng đồng MSME trong khu vực APEC; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp này, nhất là doanh nghiệp của thanh niên và phụ nữ; và giúp giảm đói nghèo trong khu vực.

Dự án do Bộ các vấn đề toàn cầu (Bộ Ngoại giao) Canada tài trợ và được Quỹ châu Á-Thái Bình Dương Canada phối hợp với Ban thư ký APEC quản lý.

Hiện dự án đã gần kết thúc năm đầu tiên hoạt động và vừa đệ trình kết quả nghiên cứu về các MSME trong lĩnh vực nông nghiệp lên các Bộ trưởng APEC.

Cũng cần nêu rõ các MSME nông nghiệp giữ vai trò chiến lược quan trọng trong các chuỗi giá trị lương thực bền vững và đảm bảo nguồn thu nhập.

Đơn cử, có tới 99,5% các doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh ở Philippines là MSME.

Ở Peru cũng tương tự. Phần lớn các doanh nghiệp lại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đó là chưa kể tới những mô hình kinh doanh phi chính thức (informal business) tại các LMIC, chủ yếu nhằm phục vụ người nghèo.

Thậm chí ở những nước như Canada cũng có các mô hình kinh doanh phi chính thức với tổng giá trị ước tính lên tới 42,4 tỷ đôla Canada (CAD), theo tính toán của Cơ quan Thống kê Canada năm 2012.

Có nhiều vấn đề về chính sách liên quan đến các MSME ở khu vực APEC. Ở các LMIC, tăng doanh thu nông nghiệp thông qua đầu tư chế biến nông sản và nâng cao sản lượng là mối quan tâm hàng đầu.

Đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch để giảm thiểu tỷ lệ hư hao lương thực cũng giữ vai trò quan trọng, vì sẽ giúp giảm nhẹ những tác động tiêu cực tới môi trường từ hoạt động sản xuất và phân phối.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, mỗi năm có ít nhất 1/3 sản lượng lương thực toàn cầu, gần 1,3 tỷ tấn, bị hư hao trước khi đến tay người tiêu dùng.

Với một số mùa vụ như rau củ và hoa quả, tỷ lệ thối hỏng lên tới 45%. Trước thực tế đó, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đông lạnh và bảo quản (nhờ hỗ trợ của công nghệ) có thể giúp duy trì chất lượng thực phẩm và kéo thêm nhiều MSME tham gia vào chuỗi giá trị.

Đứng trên góc độ giá trị gia tăng, quá trình đô thị hoá và tăng trưởng của tầng lớp trung lưu trong khu vực APEC, bao gồm các LMIC, tạo ra các cơ hội xuất khẩu và tiêu thụ lớn nhờ bùng nổ nhu cầu tiêu dùng lương thực và các mặt hàng liên quan đến lương thực. Những quốc gia như Việt Nam, đơn cử, đang chứng kiến xu hướng “bùng nổ lương thực” này.

Theo ước tính, người Việt Nam hiện nay chi mua thực phẩm cao gấp 3 lần so với năm 2004. Chi tiêu lương thực và đồ uống không cồn tính trên bình quân đầu người tăng khoảng 7% hàng năm, giúp hai ngành sản xuất trên đạt tốc độ tăng trưởng năm lên tới 18%.

Tuy nhiên có tới 85% người tiêu dùng Việt Nam mua hàng tại các chợ bán lẻ truyền thống như chợ cóc và cửa hàng ven đường.

Dưới góc độ nhìn nhận của mình, Canada nhận thấy người tiêu dùng trong khu vực APEC ngày càng có nhận thức tốt hơn về vấn đề môi trường.

Phần đông những người tiêu dùng trẻ, chiếm tới 60% ở Peru, sẵn sàng mua những sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo dư địa phát triển tốt cho lĩnh vực kinh doanh sạch.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra hiện nay là làm thế nào để vận dụng những kiến thức và kỹ năng để thu được lợi ích từ làn sóng phát triển của các MSME.

Là một đối tác trong APEC luôn ủng hộ mục tiêu tăng trưởng và phát triển toàn diện, bền vững, Canada cần nhận thức rõ vai trò quan trọng của các mô hình kinh doanh phi chính thức ở các nền kinh tế LMIC, đồng thời hỗ trợ chuyển đổi thành các doanh nghiệp chính thức có quy mô sản xuất và năng lực xuất khẩu, nhưng không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người nghèo.

Với những kinh nghiệm sẵn có về sáng tạo công nghệ, khởi nghiệp và phát triển xanh, Canada sẽ giúp các MSME nắm bắt cơ hội tăng cường năng lực cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi sản xuất cũng như thương mại quốc thế trong kỷ nguyên kinh tế kỹ thuật số.

Điều này sẽ mang lại lợi ích cho các đối tác của Canada trong khu vực, cũng như cho các doanh nghiệp ở trong nước. Đó chính là cơ hội mà chúng tôi không thể để mất./.

Bài viết theo quan điểm của đồng tác giả và không phản ánh quan điểm của TTXVN
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục