Vai trò “ủy nhiệm” trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Deng Yewen, nhà bình luận chính trị tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Charhar, cho rằng cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung hiện nay chỉ là một công cụ ủy nhiệm cho một cuộc chiến rộng lớn hơn.
Vai trò “ủy nhiệm” trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: International Investment)

Trang mạng Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đăng bài viết dịch sang tiếng Anh của Deng Yewen, nhà bình luận chính trị tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Charhar, trong đó cho rằng cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung hiện nay chỉ là một công cụ ủy nhiệm cho một cuộc chiến rộng lớn hơn nhằm giành được quyền thống trị giữa hai cường quốc.

Với mọi dấu hiệu cho thấy chính phủ Bắc Kinh quyết tâm đáp trả Mỹ khi mục tiêu phục hưng đất nước có nguy cơ bị đe dọa, Bắc Kinh ít có khả năng chịu “nhún” trước sức ép của Washington. Nội dung bài viết như sau:

Mỹ và Trung Quốc đang tiến đến một cuộc chiến thương mại trường kỳ. Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy sự khởi đầu của một thời kỳ đối đầu toàn diện giữa hai cường quốc hay không hay cuộc chiến này chỉ giới hạn ở khía cạnh kinh tế? Có những quan điểm khác biệt về vấn đề này.

[Mega Story] Khi Mỹ-Trung chính thức ‘khai hỏa’ cuộc chiến thương mại

Đối với Mỹ, cuộc chiến thương mại này cần được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn hơn liên quan sự thay đổi trong nhận thức của Washington về Bắc Kinh.

Nhiều chuyên gia, học giả, thậm chí công chúng đều thừa nhận rằng mục tiêu của chính quyền Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc không phải ngẫu nhiên và bột phát, mà được sự hậu thuẫn bởi cả hai đảng chính trị, Quốc hội và công chúng Mỹ, bao gồm giới doanh nghiệp. Nói cách khác, toàn thể xã hội Mỹ dường như đã đạt được sự đồng thuận về cách tiếp cận mới để đối phó với Trung Quốc.

Lần đầu tiên trong vòng 40 năm qua, Washington coi Bắc Kinh là một đối địch cần bị kìm kẹp và bị “đánh cho một trận.” Điều này được phản ánh trong tài liệu chiến lược an ninh Mỹ công bố cuối năm 2017.

Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Donald Trump đã có quan điểm không thỏa hiệp về vấn đề thương mại với Bắc Kinh. Mặc dù đôi khi xuất hiện các quan điểm ngược lại trong chính quyền Trump song xu hướng chung hiện rõ: thế lực diều hâu Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, quan điểm về cuộc chiến thương mại lại đa dạng hơn. Mặc dù số người muốn “đọ sức” với Mỹ nhiều hơn số người muốn thỏa hiệp, song động cơ của họ rất khác nhau.

Trong chính phủ, mặc dù giới chức bộ thương mại và ngoại giao đều không ngừng “thề chiến đấu đến cùng” nhằm trả miếng các biện pháp trừng phạt của Mỹ, nhưng giới lãnh đạo chóp bu lại không hề bày tỏ rõ ràng quan điểm của họ trước công chúng.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dàn hòa cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, cũng chưa hề đưa ra bất kỳ bình luận nào trừ những tuyên bố chính thức. Sự dè dặt này là một đặc điểm nổi bật trong phong cách lãnh đạo của giới chức Trung Quốc.

Vai trò “ủy nhiệm” trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh 2

Trước công chúng, giới lãnh đạo chóp bu hiếm khi công khai những suy nghĩ và quan điểm của mình về những vấn đề nhạy cảm hoặc gây tranh cãi. Nếu họ đưa ra lời tuyên bố công khai nào đó thì đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ có hành động.

Trong khi đó, lãnh đạo phương Tây lại thẳng thắn nhiều hơn. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của ông Trump, thông qua những lời tuyên bố của đội ngũ cố vấn cho ông Trump hoặc chính những bình luận của ông Trump trên mạng xã hội Twitter về chính sách đối ngoại của Mỹ.

Không thể nói rằng giới lãnh đạo Trung Quốc không bận tâm trước nguy cơ một cuộc chiến thương mại ngày một hiện hữu. Vấn đề là họ nhìn nhận cuộc chiến này như thế nào.

Liệu họ coi các biện pháp trừng phạt và đe dọa như một chiến thuật của Mỹ nhằm buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ về thương mại hay chỉ là bước đi đầu tiên trong nỗ lực tổng thể nhằm ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc? Câu trả lời phụ thuộc vào cách đánh giá của giới chức Trung Quốc về bản chất mối quan hệ Mỹ-Trung.

Chúng ta có thể suy luận điều gì từ những hành động của chính phủ Trung Quốc từ trước đến nay? Mỗi khi Mỹ leo thêm một nấc thang trong cuộc chiến này thì Trung Quốc lại đáp trả cứng rắn nhằm thể hiện sự sẵn sàng “trả miếng.”

Mặc dù một số học giả chính phủ cho rằng lựa chọn duy nhất của Trung Quốc là đáp trả song tác giả bài viết này cho rằng quan điểm của Bắc Kinh cho thấy sự thay đổi trong cách mà nước này đánh giá mối quan hệ với Mỹ.

Lẽ dĩ nhiên, sự cứng rắn của Trung Quốc trong đàm phán có thể do niềm tự hào dân tộc, nhưng đây là cách sử dụng lời nói để đầy lùi sức ép của Mỹ đồng thời chưa vội hành động để có thêm thời gian tiến hành thêm thảo luận và thỏa hiệp.

Hoặc cũng có thể, Bắc Kinh cho rằng bằng việc đe dọa trả đũa, nước này có thể buộc Chính quyền Trump phải “rút lui” hoặc tin rằng Trung Quốc đủ mạnh để chống đỡ thiệt hại lớn đối với nền kinh tế nếu xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn diện. Nếu hai giả thuyết trên đều sai thì cách đáp trả của Trung Quốc chỉ có thể được giải thích là do sự thay đổi trong quan điểm về mối quan hệ song phương này.

Một điều lưu ý là tại cuộc họp với lãnh đạo và giám đốc các tập đoàn quốc gia của Mỹ và châu Âu tại Bắc Kinh hôm 21/6, chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham dự chứ không phải là thủ tướng như các cuộc họp trước đây. Điều này phát đi thông điệp rằng Trung Quốc quyết tâm và sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại.

Ngôn từ của ông Tập tại các cuộc họp này cho thấy Trung Quốc và ban lãnh đạo đều đi đến một kết luận về cuộc chiến thương mại của Mỹ: họ coi cuộc chiến này như một bước đi đầu tiên trong kế hoạch của Washington nhằm ngăn chặn quá trình hồi sinh của Trung Quốc.

Dù mục tiêu hồi sinh này quan trọng ở mức độ nào thì Bắc Kinh sẽ không dung thứ bất kỳ nỗ lực nào khiến mục tiêu này bị trệch hướng.

Nhìn từ góc độ đó, rõ ràng, Bắc Kinh coi Washington là mối đe dọa bên ngoài to lớn nhất đối với thời kỳ phục hưng của mình, đồng thời cảm thấy cần phải hành động. Trung Quốc nhận ra rằng khó có thể nhượng bộ, bởi không một nhượng bộ nhỏ nào thỏa mãn những đòi hỏi của Mỹ, trong khi đó, nhượng bộ lớn sẽ là điều không thể chấp nhận được đối với người dân trong nước.

Ngay cả khi có thể thực hiện một bước lùi, nhưng Bắc Kinh chắc chắn sẽ cảnh giác vì cho rằng bước lùi này sẽ chỉ giúp khích lệ Washington lấn át. Vì vậy, đối với Trung Quốc, cuộc chiến thương mại sẽ quyết định số phận của đất nước.

Khi cả hai bên đều nhìn nhận bên còn lại là mối đe dọa lớn nhất, thì cuộc chiến thương mại dường như chắc chắn sẽ xảy ra. Chúng ta hãy chờ xem thời kỳ rối loạn chờ đợi phía trước khi trật tự thế giới bắt đầu bị đảo lộn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục