Vẫn cần cẩn trọng với khủng khoảng kinh tế

Nhìn nhận những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế toàn cầu cũng như của Việt Nam trong giai đoạn gần đây, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và quản lý tài sản quốc tế (IAMC), giữ cái nhìn thận trọng. Hiện vẫn chưa có sự đảm bảo nào cho việc giải quyết hậu quả từ nạn “virus hệ thống tài chính Mỹ”.

Nhìn nhận những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế toàn cầu cũng như của Việt Nam trong giai đoạn gần đây, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và quản lý tài sản quốc tế (IAMC), giữ cái nhìn thận trọng. Hiện vẫn chưa có sự đảm bảo nào cho việc giải quyết hậu quả từ nạn “virus hệ thống tài chính Mỹ”.

Khủng hoảng nào rồi cũng sẽ phải đi qua. Giờ đây chúng ta nói đến việc đón đầu cơ hội hậu khủng hoảng. Nhưng muốn thực sự đón đầu thì phải hành động cho cơ hội đến chứ không phải thụ động như cách ông cha ta ví von “há miệng chờ sung”. Muốn tạo được điều kiện cho kinh tế phục hồi, cần phải có sự nỗ lực từ phía Nhà nước và doanh nghiệp. Quản lý nhà nước phải tạo được môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Nhân lực là mấu chốt chính cho vòng quay vượt lên khủng hoảng.

“Dụng nhân như dụng mộc”


Nan giải nhất hiện nay là chúng ta chưa có chiến lược sử dụng người tài. Trong khi đó, đất nước ta không thiếu nhân tài, chúng ta có khoảng 1,2 triệu trí thức và kỹ sư nhưng bố trí người không đúng chỗ. Đó là do tổ chức nhân sự của chúng ta không hợp lý, vì vậy, nhiều khi người có chức có quyền thì kém tài năng, không làm được việc, còn người có tài thì không được bố trí vào đúng chỗ. Phải trọng dụng những người vừa có tâm vừa có tầm.

Mọi việc là phải bố trí đúng người đúng chỗ để có thể khai thác tối đa cái ưu thế tương đối của mình, cái đấy áp dụng cho nhân sự ở trong nước cũng như áp dụng cho mọi quốc gia. Nếu không có nhân sự tốt, thì những nghị quyết, cải cách hay giải pháp mà Đảng và Chính phủ đưa ra có tích cực đến đâu cũng sẽ gặp ách tắc khi thực thi hoặc hiệu quả không như mong đợi. Trong lúc khó khăn càng cần phải đầu tư vào quản lý nhân sự. Phải làm rõ, chúng ta có ưu thế tương đối gì với thế giới thì chúng ta phát triển tối đa ưu thế đó, và không nên đi làm những việc chúng ta làm không tốt bằng họ. Chúng ta phải giải quyết vấn đề nói nhiều nhưng chưa cải thiện - đó là đầu tư cho giáo dục.

Đón đầu cái gì?

Lúc này nói nhiều đến việc đón đầu, nhưng phải hiểu là cần đón đầu cái gì. Nếu nghĩ cơ hội hồi phục đã cận kề thì chưa chính xác bởi bức tranh kinh tế nhìn chung còn ảm đạm. Khủng hoảng tại Mỹ bắt nguồn từ việc trái phiếu phái sinh được đảm bảo bởi các hợp đồng cho vay bất động sản bị mất thanh khoản và trở nên “nhiễm độc”, như cách nói của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson.

Tổng giá trị hợp đồng cho vay bất động sản tại Mỹ lên đến 12.000 tỷ USD. Để bảo hiểm nguy cơ xảy ra nợ xấu, các nhà đầu tư các sản phẩm phái sinh này mua hợp đồng Bảo đảm nợ xấu (CDS). Đến cuối tháng 6/2008, tổng giá trị hợp đồng CDS bên Mỹ là 35.000 tỷ USD, trong khi GDP Mỹ là 14.700 tỷ. Thị trường CDS đem lại lợi nhuận khổng lồ nhưng đã khiến thị trường tín dụng sụp đổ khi các hợp đồng vay biến thành nợ xấu. Đến tháng 10/2008, các định chế tài chính hàng đầu thế giới lâm vào tình trạng phá sản, mọi lĩnh vực kinh tế đều không tiếp cận được vốn vay. Đến nay các chính phủ đã bơm tiền để khuyến khích ngân hàng cho vay, song thị trường vẫn đóng băng.

Chính phủ Mỹ dự định mua lại các khoản nợ xấu bằng gói tài chính 700 tỷ USD, nhưng nay họ không làm nữa. Giá trị các trái phiếu này tại thị trường Mỹ trước đây được xác định khoảng 4.000 - 5.000 tỷ USD, đến nay Mỹ chưa có giải pháp nào. Khoảng 2.000 tỷ USD trái phiếu do Chính phủ Mỹ phát hành cũng sẽ khó bán, nên FED sẽ phải mua vào, thực chất là in thêm tiền. Việc này lại tạo thêm những hệ lụy. Nhìn chung, các chỉ báo kinh tế tại Mỹ, châu Âu và Nhật vẫn đang đi xuống.

Trung Quốc có lợi thế ở thị trường nội địa rộng lớn và lệ thuộc ít hơn vào thị trường nước ngoài. Họ đang chuyển hướng về nông thôn, và nếu chừng đó nông dân của Trung Quốc ăn nên làm ra, thì sẽ rất thuận lợi cho nền kinh tế của họ. Chúng ta cũng có một thị trường nội địa tiềm năng để đảm bảo sự trở về có thể phần nào giúp cân bằng sự phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu lâu nay. Và có thể rút được nhiều kinh nghiệm từ Trung Quốc.

Nhưng Việt Nam muốn tạo được cơ hội để vượt lên thì cần phải cơ cấu lại nền kinh tế. Phải tiến hành tìm hiểu lại thị trường. Chúng ta không có cơ quan nào đưa ra dự báo dài hơi độ 10 năm cho định hướng xuất khẩu, cơ cấu hàng xuất khẩu. Đón đầu ở đây là cơ quan quản lý nhà nước phải thực thi vai trò xây dựng kế hoạch, bắt tay cùng doanh nghiệp để tính toán. Cần phải tính đến nguồn vốn thế nào, thị trường vốn cần giải quyết ra sao. Cần bắt đầu từ hệ thống ngân hàng thương mại, không chỉ cầm cố, cho vay mà phải nghiên cứu tìm ra những dự án khả thi để cho vay, thậm chí không cần cầm cố.

Nhưng muốn vậy lại quay về bài toán nhân sự. Khi có nhân sự tốt, quản lý rủi ro tốt thì việc cho vay mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển được. Về phía ngân hàng trung ương phải có trách nhiệm điều tiết dòng tiền để nền kinh tế khồng thiếu cũng không thừa tiền.

Những chỉ báo cần được chú trọng

Đến bây giờ hiệu quả của gói hỗ trợ lãi suất vẫn chưa được chỉ ra để từ đó rút ra kinh nghiệm cho việc triển khai các gói hỗ trợ tiếp theo. Con số 220.000 tỷ đồng vốn cho vay đã giải ngân sẽ tương đương 17-18% dư nợ của hệ thống ngân hàng. Nhưng số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tổng dư nợ chỉ tăng thêm hơn 2%. Cần phải xem xét nghiêm túc câu hỏi về vấn đề tiền giải ngân đi đâu và đảo nợ đến mức nào.

Đặt giả thiết có chuyện đảo nợ, trong trường hợp đó, ngân hàng vẫn được bù 4% lãi suất, mà lại “làm sạch” được nợ khó đòi trong báo cáo tài chính. Còn doanh nghiệp vay vốn và báo cáo là đưa vào vốn lưu động 8 tháng. Mà việc sử dụng vốn lưu động có đúng mục đích hay không thì kiểm soát không dễ. Nếu đảo nợ có thật, mọi chuyện sẽ càng nguy hiểm hơn nếu những đồng vốn đó được chuyển hóa thành đô la để trả nợ cho các hợp đồng nhập khẩu trước đây.

Theo chương trình của Chính phủ, doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn bằng tiền đồng, cho sản xuất kinh doanh và đầu tư mới. Thị trường ngoại hối gần đây nóng lên, trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu không lớn, cũng là câu hỏi cần có lời giải đáp.

Với các nền kinh tế, lãi suất tái cấp vốn và chiết khấu là những công cụ quan trọng để điều hành lãi suất cho vay trên thị trường. Khi ngân hàng trung ương các nước cung ứng vốn cho ngân hàng thương mại với lãi suất 1 - 2%, ngân hàng thương mại có thể cho vay với lãi suất 4 - 5% mỗi năm, mà không cần tới tiền hỗ trợ từ ngân sách để bù lãi suất.

Tại Việt Nam, nếu Ngân hàng Nhà nước có thể cấp 400.000 - 500.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại mà không cần lãi suất, thì tự khắc các ngân hàng thương mại sẽ cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp mà không cần Nhà nước phải có hỗ trợ 4% lãi suất.

Vấn đề là Ngân hàng Nhà nước cần phải biết được nền kinh tế cần bao nhiêu tiền để điều tiết. Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải theo dõi xem số lượng tiền bỏ ra trong hai gói kích cầu đến gần 600.000 tỷ đồng sẽ làm tăng áp lực thế nào đến tổng dư nợ trên thị trường, gây áp lực thế nào đến lạm phát. Hiện nay, trên thị trường đã có dấu hiệu giá cả các mặt hàng đang tăng lên, cần phải coi như những chỉ báo cần thiết để sớm có chính sách điều hành thích ứng./.

(Doanh Nhân/Vietnam+)

Bài viết trên được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh Nhân của VCCI và Báo điện tử Vietnam+.

Tin cùng chuyên mục