Vận chuyển 4.000 khách kẹt tàu bằng ôtô tới Vinh

Từ 18 giờ ngày 5/10 cho đến 15 giờ ngày 6/10, ga Đồng Hới đã vận chuyển được gần 4.000 hành khách từ ga Đồng Hới tới ga Vinh.
Trong khi chờ khôi phục thông tuyến đường sắt bị hư hỏng do mưa lũ gây ra, nhà ga Đồng Hới (Quảng Bình) đã hợp đồng với các đơn vị vận tải ôtô ở Quảng Bình triển khai ngay phương án tăng bo vận chuyển hành khách đi tàu bị kẹt lại ga Đồng Hới đưa ra ga Vinh và ngược lại.

Ông Mai Lê Long, Trưởng ga Đồng Hới cho biết, từ 18 giờ ngày 5/10 cho đến 15 giờ ngày 6/10, nhà ga đã huy động được 20 chuyến xe vận chuyển được gần 4.000 hành khách từ ga Đồng Hới tới ga Vinh.

Theo Ông Long, ở ga Vinh các đơn vị vận tải ôtô ở Nghệ An cũng đã huy động 13 chuyến xe chở được gần 1.000 hành khách từ ga Vinh vào ga Đồng Hới. Bằng cách này, ngành đường sắt kiên quyết không để một hành khách nào bị kẹt tàu phải nằm lại ga Vinh và ga Đồng Hới.

Trong những ngày trước tới, ga Vinh và ga Đồng Hới đảm nhiệm thêm nhiệm vụ trung chuyển hành khách bằng ôtô để vận chuyển hành khách đi tàu từ Bắc vào Nam và ngược lại, bảo đảm tuyến đường sắt Bắc Nam luôn thông suốt.

Theo tin của phóng viên TTXVN thường trú tại các tỉnh miền Trung, tính đến 15 giờ ngày 6/10, số người chết do lũ lụt đã lên đến 29 người, tăng 15 người so với ngày hôm qua; số người mất tích là 6 người, tăng 1 người.

Tuy có 40 tàu bị nạn song không có ngư dân thiệt mạng. Đến sáng nay (6/10), Bộ đội Biên phòng đã liên lạc được 26.987 tàu, với 98.876 lao động ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi biết vị trí của áp thấp nhiệt đới, tổ chức hướng dẫn tránh, trú cho số phương tiện này.

Hà Tĩnh có 82 xã, của 9 huyện bị ngập lụt nhưng chưa có xác định được số nhà cụ thể. Quảng Bình ngập tại 6 huyện với 34.650 nhà. Quảng Trị ngập lụt 52 xã, phường của 8 huyện, thị xã, thành phố với số lượng trên 10.000 nhà. Trong đó ngập từ 0,5m đến trên 1,0m là 6.922 hộ; ngập dưới 0,5m khoảng trên 3.500 nhà. Thừa Thiên-Huế hiện còn ngập lụt 7.200 nhà tại thành phố Huế và các huyện Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền.

Các hồ chứa thủy lợi từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế nhìn chung mực nước đang ở dưới mức thiết kế, cá biệt có một số hồ mực nước cao như hồ Vực Mấu, tỉnh Nghệ An; hồ Kẻ Gỗ, hồ Sông Rác tỉnh Hà Tĩnh; hồ Vực Tròn, hồ Phú Vinh, hồ Tiên Lang tỉnh Quảng Bình và hồ Hòa Mỹ tỉnh Thừa Thiên-Huế đã vượt thiết kế, đang xả lũ theo quy trình đảm bảo an toàn hồ chứa và chủ động phòng chống lũ, các hồ thủy lợi hiện vẫn an toàn.

Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã họp khẩn với sự chủ trì của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và đã xác định nhiệm vụ cấp bách hiện nay là tập trung cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân vùng ngập lũ theo đúng nội dung Công điện khẩn số 1817/CĐ-TTg ngày 6/10 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời sẵn sàng triển khai các phương án đối phó với các tình huống mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để hạn chế thiệt hại xuống mức thấp nhất về người và của.

Các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đã và đang khẩn trương quyết liệt triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân vùng ngập lũ và tàu thuyền gặp nạn trên biển.

Tỉnh Quảng Bình cử các công tác đoàn trực tiếp xuống địa bàn xung yếu chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều động hai trực thăng, canô cao tốc, xe lội nước vào các vùng tâm lũ, các vùng ngập nặng mang theo mì tôm, lương khô, nước uống để cứu trợ cho người dân.

Hiện đã đưa được 12,5 tấn mỳ tôm, nước lọc, bạt che mưa về địa phương để cứu trợ, hỗ trợ khẩn cấp cho nhân dân, cùng ngày các tuyến giao thông huyết mạch quan trọng trong tỉnh đã cơ bản được thông xe. Đồng thời tỉnh đã sơ tán được 5.023 hộ/23.255 khẩu.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 350 cán bộ, chiến sỹ, 11 xuống cao tốc, 1 xe cứu hộ, 1 máy đào, 1 xe tời, 200 áo phao và 20 nhà bạt của tỉnh để chi viện cho huyện Hương Khê và Vũ Quang.

Bộ Tư lệnh Quân khu IV đã điều động 120 cán bộ, chiến sỹ; Tổng công ty điện lực Miền Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cử các đoàn công tác phối hợp với tỉnh chỉ dạo công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả.

Tỉnh đã tổ chức di dời được 3.822 hộ/14.898 khẩu, thuộc 17 xã bị ngập lũ của huyện Hương Khê và 300 hộ/1.200 khẩu thuộc 9 xã bị ngập lụt của huyện Vũ Quang.

Tỉnh Quảng Trị đã tổ chức di dời được trên 5.000 hộ dân với khoảng 20.000 nhân khẩu. Tỉnh Thừa Thiên Huế di dời được 550 hộ ở vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ bị lũ quét đến nơi an toàn

Ngày 6/10, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Ngọc Tăng đã ra lời kêu gọi các tỉnh, thành Hội trong cả nước tổ chức vận động trong cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và các tổ chức, cá nhân ủng hộ, trợ giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống. Đợt vận động kéo dài đến hết ngày 15/11/2010

Cũng trong ngày 6/10, Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển khẩn cấp số tiền 3,5 tỷ đồng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố để cứu trợ đồng bào các vùng bị nạn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố cũng mở đợt vận động quyên góp cứu trợ từ ngày 6-31/10.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn, hồi 13 giờ ngày 6/10, vị trí áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển phía Tây đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Thanh Hóa-Hà Tĩnh khoảng 260km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít di chuyển hoặc di chuyển chậm về phía Bắc. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.

Hiện lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình đang xuống và dự báo sẽ íiếp tục xuống, riêng lũ trên sông Ngàn Sâu và sông Kiến Giang còn ở mức cao. Đêm nay (6/10), lũ trên sông La tại Linh Cảm xuống mức 4,5m, ở mức báo động 1; sông Gianh tại Mai Hóa xuống mức 2,5m, dưới báo động 1 0,5m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 2,5m, dưới báo động 3 0,2m.

Do nước lũ rút chậm, nên tình hình ngập lụt ở vùng trũng, hạ lưu sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình vẫn tiếp diễn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục