Vẫn còn nhiều rào cản đưa tín dụng về nông thôn

Khi dòng vốn cho vay đổ vào các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, sản xuất kinh doanh... đều khó thu hồi nợ thì tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vẫn tăng trưởng tốt và ít nợ xấu.

Tuy nhiên, do năng lực sản xuất lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn rất lớn nên chính sách tín dụng cho lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và phát huy hiệu quả như mong đợi.
Trong những năm gần đây, khi dòng vốn cho vay đổ vào các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, sản xuất kinh doanh... đều khó thu hồi nợ thì tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vẫn tăng trưởng tốt và ít nợ xấu.

Tính đến cuối tháng 7, tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng 5,15% so với cuối năm 2012, nhưng tín dụng đối với tam nông vẫn tăng tới 10,69%. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn rất lớn nên chính sách tín dụng cho lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và phát huy hiệu quả như mong đợi.

Chính vì vậy, Ngày 15/8, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Đáp ứng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn”. Các diễn giả đã có giải đáp xung quanh vấn đề này.

Tâm lý “e ngại”

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã xác định đây là một trong bốn lĩnh vực ưu tiên mà ngành ngân hàng cần tập trung đầu tư vốn. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng cơ chế tín dụng đặc thù đối với những ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước và ảnh hưởng đến số đông người dân như lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản… góp phần bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn.

Theo ông Mạnh, bắt đầu từ khi có Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì tín dụng cho nông nghiệp là 292.000 tỷ đồng, đến nay, sau 3 năm con số này đã là 622.000 tỷ đồng, tăng 2,1 lần. Đặc biệt, qua suy thoái tài chính toàn cầu từ 2008 đến nay, nông nghiệp là cứu cánh, giúp ổn định xã hội, đời sống bà con cũng tăng lên, đây là điểm rất rõ nét.

Tuy nhiên, ông Lại Xuân Môn, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lại nhận định, tín dụng đến với người nông dân vẫn hết sức hạn chế và khó khăn vì ở nhiều địa phương, do cơ chế, thủ tục cho vay phức tạp. Chính vì vậy, một số bà con thay vì tới ngân hàng thì họ lại chạy sang vay hàng xóm với mức lãi suất rất cao, điều này dẫn đến nguồn tín dụng đen đang tràn lan.

Việc khó tiếp cận vốn tín dụng đã khiến cho người nông dân cũng ngại vay vốn. Theo số liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ nông thôn Việt Nam(VARHS) 2006 - 2012, có 50% số hộ nông dân được khảo sát có vay nợ, 60% trong số đó ghi nhận có vay của ngân hàng. Tuy nhiên, quy mô vay rất thấp, chỉ chiếm 13,6% trong tổng lượng vay.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng không chỉ các hộ nông dân, mà thậm chí doanh nghiệp nông thôn cũng khó tiếp cận vốn tín dụng. "Một thời gian dài chúng ta tổ chức theo các khâu sản xuất, trong đó dịch vụ chỉ là khâu đầu vào, hoặc đầu ra. Cho nên ít doanh nghiệp có đủ năng lực tổ chức toàn bộ quy trình sản xuất từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm," ông Tám nhấn mạnh.

Một vướng mắc nữa đối với bà con là các công ty tham gia bảo hiểm chưa mặn mà đối với lĩnh vực này, chính vì vậy nhiều bà con đã bị thiệt thòi khi gặp thiên tai, dịch bệnh.

Tìm chuỗi liên kết


Ông Mạnh cho biết: "Trong thời gian qua, chúng ta cứ sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có liên kết, vì vậy, đã phải xây dựng Đề án 80 về liên kết các nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông). Nếu chúng ta làm tốt từ cung cấp đầu vào, hỗ trợ sản xuất, đầu ra, thị trường, thị trường cần bao nhiêu thì chúng ta cung cấp bấy nhiêu."

Vì vậy, để có chính sách tín dụng thì phải có quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể, có sự liên kết thì khi đó tín dụng sẽ bền vững, thậm chí không cần thế chấp cho vay.

“Trong chính sách tín dụng tới đây, ngoài chính sách chung thì phải có những chương trình riêng cho những sản phẩm chủ lực. Ví dụ như, cá tra, lúa gạo, cà phê, với mỗi đối tượng như vậy có cách khác nhau trong quá trình sản xuất cũng như thị trường thì chúng ta phải có chính sách riêng về tín dụng cho phù hợp,” ông Tám đề nghị.

Ông Môn cũng đưa ra ý kiến, cần phải rà soát, đánh giá cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp dành cho người hoạch định chính sách. "Tôi chỉ mong tiến hành rà soát sớm để người dân đỡ thiệt thòi. Có lẽ những đơn vị nào làm ăn tốt thì nên có giải pháp giải cứu như, giải cứu thị trường bất động sản," ông Bôn nhấn mạnh.

Để giúp bà con có thể vay vốn tốt nhất, ông Nguyễn Viết Mạnh cho biết: Từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân đã được quy định, đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện giãn, hoãn nợ; giảm một phần lãi đối với những khoản nợ xấu…

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất cho vay một số chương trình mới, phù hợp với quy trình sản xuất của bà con./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục