Vẫn còn nợ lương

Các doanh nghiệp còn nợ lương hơn 70 tỷ đồng

Mặc dù mức thưởng Tết Âm lịch 2013 cao nhất là 650 triệu đồng, nhưng nhiều DN vẫn còn tình trạng nợ lương tới hơn 70 tỷ đồng.
Theo khảo sát vừa được công bố ngày hôm nay (23/1) của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thưởng Tết Âm lịch bình quân của người lao động năm nay đạt 3,5 triệu đồng và mức thưởng cao nhất lên tới 650 triệu đồng.

Thế nhưng, có một thực tế là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nợ lương người lao động, chứ chưa nói đến có thưởng!

Thường Tết cao nhất 650 triệu đồng

Theo số liệu tổng hợp chung, tiền lương bình quân của người lao động ước đạt 4,3 triệu đồng/tháng, tăng 12% so năm 2012 (3,84 triệu đồng/tháng). Lương bình quân của các công ty do nhà nước làm chủ sở hữu là 5,8 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước 5,5 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp dân doanh 3,6 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp FDI 3,8 triệu đồng/tháng.

Về kế hoạch thưởng Tết năm 2013, hầu hết các doanh nghiệp báo cáo đều có thưởng Tết dương lịch năm 2013, trung bình 1,1 triệu đồng, tăng 18% so với năm ngoái (930.000 đồng). Mức thưởng Tết dương lịch cao nhất là khoảng 624 triệu đồng của một doanh nghiệp FDI ở thành phố Hồ Chí Minh.

Mức thưởng Tết Âm lịch bình quân 3,5 triệu đồng và mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất là 650 triệu đồng của một doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai.

Tổng số doanh nghiệp đã có báo cáo về tình hình tiền lương, thưởng Tết là 11.678 doanh nghiệp (khoảng 3% số doanh nghiệp đang hoạt động) với khoảng 2,2 triệu người lao động (16% số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp). Vì vậy, số liệu báo cáo chưa phản ánh hết tình hình thực tế về tiền lương, tiền thưởng của người lao động ở các địa phương.

Theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động-Tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thì việc thu thập thông tin về tiền lương, thu nhập của các doanh nghiệp rất khó khăn do thời điểm báo cáo các doanh nghiệp chưa xây dựng được kế hoạch thưởng Tết cho người lao động.

Cả nước nợ hơn 70 tỷ đồng tiền lương

Cũng tại buổi họp báo, Bà Tống Thị Minh đã thông tin nhanh về tình hình nợ lương qua khảo sát trên cả nước. Và có một thực tế là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nợ lương người lao động, chứ chưa nói đến có thưởng!

Theo báo cáo về tình hình lương của 63 tỉnh, thành phố, có 27 tỉnh báo cáo đang có tình trạng nợ lương. Tổng cộng có 103 doanh nghiệp đang nợ lương; trong đó có 8 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 16 doanh nghiệp có cổ phần, góp vốn của nhà nước, 77 doanh nghiệp dân doanh, 2 doanh nghiệp FDI.

Cả nước có hơn 10.000 lao động đang bị nợ lương. Tổng số tiền nợ lương hiện nay lên tới hơn 70,7 tỷ đồng, doanh nghiệp nhà nước nợ 11,1 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn nhà nước nợ 8,9 tỷ đồng, doanh nghiệp dân doanh nợ 50,5 tỷ đồng, doanh nghiệp FDI nợ 179 triệu đồng.

Đó là chưa kể, hiện vẫn còn hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chưa có báo cáo tổng hợp về tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội.

Bà Tống Thị Minh cho biết, trước tình hình kinh tế khó khăn, hơn 50.000 doanh nghiệp đóng cửa chờ giải thể. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Bộ đã có văn bản, công điện đề nghị chăm lo cuộc sống của người lao động; yêu cầu chủ doanh nghiệp trên địa bàn phổi hợp tổ chức công đoàn quan tâm đến thưởng cho người lao động.

Đối với những doanh nghiệp tạm dừng hoạt động nhưng chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn, Bộ đang kiến nghị cho phép chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tạm ứng ngân sách địa phương để trả lương cho lao động, sau đó xử lý tài sản của doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp tài sản không đủ trả nợ lương, Bộ đề nghị các tỉnh báo cáo với Bộ Tài chính./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục