Vẫn còn tồn tại sức ỳ trong cải cách thủ tục hành chính

Sức ỳ còn tồn tại khi một số Bộ, ngành còn chưa thực sự quan tâm đến công tác cải cách hành chính, chưa quan tâm chỉ đạo phối hợp với các địa phương trong cải cách hành chính.
Vẫn còn tồn tại sức ỳ trong cải cách thủ tục hành chính ảnh 1Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người tham gia Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Hơn nửa năm qua, mới chỉ có hai trong số chín bộ là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp rà soát, hoàn thành được phương án đơn giản hóa đối với 13 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm, quy định có liên quan theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 6/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015.

Bảy Bộ còn lại gồm Công an, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Y tế vẫn chưa thể hoàn thành phương án đơn giản hóa gửi Bộ Tư pháp.

Trong khi theo quy định, các Bộ này phải hoàn thành việc lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, đối tượng tuân thủ về phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trước ngày 30/6; gửi Bộ Tư pháp xem xét, đánh giá trong tháng 7/2015 để có thể hoàn thành công việc này trong tháng 8/2015, trả lại Bộ chủ trì chỉnh lý, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9. Trong đó, có hai Bộ rất quan trọng là Bộ Giáo dục và Đào tạo với nhóm thủ tục, quy định liên quan đến tuyển sinh, đào tạo đại học và sau đại học, Bộ Y tế với nhóm thủ tục, quy định liên quan đến khám chữa bệnh cho người dân. Đây là những vấn đề rất trọng tâm có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự chậm trễ này là Bộ bận lo công tác tuyển sinh đại học năm 2015.

Có Bộ có được lời giải thích về sự chậm trễ nhưng cũng có Bộ - như thông tin của Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan - là “ỳ” ra, không chịu làm.

Bộ Thông tin và Truyền thông, mặc dù bị kêu ca nhiều về các thủ tục, quy định liên quan đến hoạt động của các cơ sở in và phải thực hiện phương án đơn giản hóa nhưng vẫn không thống nhất phương án đơn giản hóa các thủ tục này.

Cũng tại Quyết định 08/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho 24 Bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, chuẩn hóa, công bố, công khai thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý và thẩm quyền giải quyết của Bộ, ngành, địa phương trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; niêm yết đầy đủ các thủ tục hành chính được giải quyết tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Song, con số được Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính công bố cho thấy mới có Bộ Công an và Công thương đã chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính, lấy ý kiến Bộ Tư pháp và địa phương, tiến hành các bước để công bố bộ thủ tục hành chính được chuẩn hóa theo danh mục.

Tính đến hết tháng 7/2015, có 17 Bộ, cơ quan đã gửi dự thảo danh mục thủ tục hành chính, lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, các cơ quan có liên quan; 27/63 tỉnh, thành phố (Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Định, Cà Mau, Đắk Nông, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nam, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Kon Tum, Lào Cai, Long An, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tiền Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Long) đã chuẩn hóa, ban hành danh mục thủ tục hành chính đặc thù của địa phương.

Như vậy, còn năm Bộ, cơ quan là Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã hội và 36 tỉnh, thành phố chưa chuẩn hóa xong danh mục thủ tục hành chính để gửi Bộ Tư pháp cho ý kiến.

Theo quy định của Quyết định 08/QĐ-TTg, các Bộ, ngành phải lập danh mục và chuẩn hóa tên thủ tục hành chính trong phạm vi rà soát, hệ thống, chuẩn hóa xong trước ngày 30/4 để đến trước 31/8 hoàn thành việc xây dựng, ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính theo danh mục, gửi Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh để tổ chức việc bổ sung, hoàn chỉnh bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của địa phương; đồng thời hoàn thành việc nhập dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

Từ thực tế cho thấy sức ỳ cải cách thủ tục hành chính vẫn còn ở không ít Bộ, ngành, địa phương. Điều này cũng đã được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, đánh giá một số Bộ, ngành còn chưa thực sự quan tâm đến công tác cải cách hành chính, chưa quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương trong cải cách hành chính, nhất là việc phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức tại địa phương.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc đưa toàn bộ 392 thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến ở mức độ 2 trở lên; Bộ Tài chính với nỗ lực giảm số giờ nộp thuế của doanh nghiệp xuống còn dưới 117 giờ/năm, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN trong lĩnh vực hải quan; Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử để doanh nghiệp có thể giao dịch qua Internet, giảm số lần giao dịch doanh nghiệp phải tiến hành mỗi năm từ 12 lần xuống còn 1 lần, nhưng không phải guồng máy cải cách đang được vận hành một cách trôi chảy.

Chính vì sức ỳ đó mà tại cuộc họp của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, đã phải nói rằng cải cách hành chính không ở đâu xa, chính các Bộ, ngành phải cải cách trước thì Chính phủ mới cải cách được.

Đổi mới đã khó, cải cách càng khó hơn, việc khó càng cần phải quan tâm, cố gắng. Cải cách hành chính, trong đó có cải cách thủ tục hành chính là một trong những cuộc cải cách vô cùng khó khăn của cấp ủy, chính quyền mà đặc biệt là Ban cán sự Đảng các Bộ, ngành, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân các địa phương càng phải quán triệt hơn để làm tốt nhiệm vụ này.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ phải vì dân mà công khai, minh bạch hóa, chống tiêu cực, nhũng nhiễu, không “đẻ” thêm thủ tục để kìm hãm sự phát triển, chỉ số hài lòng của người dân phải đặc biệt được quan tâm. Việc tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng là rất quan trọng và nhận thức này càng phải thấm sâu hơn trong mỗi người.

Ông Ngô Hải Phan cho biết để hoàn thành bước ba của nhiệm vụ đơn giản hóa và rà soát, công khai thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 08/QĐ-TTg, các Bộ Công an, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan phải hoàn thành phương án đơn giản hóa, gửi Bộ Tư pháp trong thời gian từ nay đến 31/8 để cho ý kiến, trình Thủ tướng thông qua. Nếu chậm trễ, sẽ không thể thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính dứt điểm trong năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục