Vẫn còn trên 11.000 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội trong năm 2014

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết số nợ tính đến thời điểm 30/11 là gần 11.115 tỷ đồng, bao gồm nợ bảo hiểm xã hội, nợ bảo hiểm thất nghiệp và nợ bảo hiểm y tế.
Vẫn còn trên 11.000 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội trong năm 2014 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chiều 26/12, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế quý 4/2014.

Năm 2014, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội thông qua hai dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Quốc hội khóa XIII, đồng thời xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển đối tượng, tăng thu, giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội và thực hiện hiệu quả các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Vì vậy, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng. Năm 2014 số người tham gia ước đạt 64,2 triệu người; tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Cùng với tăng số đối tượng tham gia, số thu bảo hiểm xã hội tăng nhanh, năm 2014 ước đạt 193.804 tỷ đồng; tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 100,25% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Các chế độ chính sách đối với người tham gia bảo hiểm xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định với thủ tục hành chính được rút gọn; lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng của các đối tượng được chi trả đầy đủ, an toàn, thuận lợi; quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế được nâng cao, với chất lượng dịch vụ y tế ngày càng cải tiến, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Công tác đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo an toàn, hiệu quả; công tác quản lý tài chính được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mặc dù tăng 3,7% so với năm 2013 nhưng vẫn đạt thấp (bảo hiểm xã hội chỉ chiếm khoảng 20% lực lượng lao động, bảo hiểm y tế khoảng 71% dân số).

Việc tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, biểu hiện là tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, đăng ký số người tham gia bảo hiểm xã hội và mức tiền lương, tiền công tham gia bảo hiểm xã hội thấp hơn so với lương thực tế; tình trạng chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội xảy ra ở tất cả các địa phương.

Số nợ tính đến thời điểm 30/11 là gần 11.115 tỷ đồng, chiếm 6,24% so với tổng số phải thu; tăng 455,3 tỷ đồng (4,3%) so với cùng kỳ năm 2013, bao gồm nợ bảo hiểm xã hội trên 7.800 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp 530 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế 2.759 tỷ đồng (trong đó ngân sách các địa phương chưa chuyển 1.417 tỷ đồng, chiếm 51,4% tổng sổ nợ bảo hiểm y tế).

Việc giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội đối với đối tượng có thời gian công tác trước năm 1995 còn nhiều vướng mắc, bất cập nhưng chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể.

Một số vấn đề chưa được hướng dẫn kịp thời như mức lương làm căn cứ đóng và tính hưởng bảo hiểm xã hội từ 1/5/2013 sau khi Bộ Luật Lao động có hiệu lực thi hành đối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi; căn cứ để xác định thu nhập đối với thân nhân hưởng chế độ tử tuất...

Trong công tác chính sách bảo hiểm y tế, do chưa quy định cụ thể tiêu chí xác định “tương đương về phân hạng” đối với giá dịch vụ kỹ thuật tại bệnh viện tư nhân; chưa ban hành các phác đồ khám, chẩn đoán bệnh và điều trị bệnh chuẩn; chưa quy định bộ mã chuẩn danh mục dịch vụ kỹ thuật, danh mục thuốc và vật tư y tế... nên công tác giám định thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế gặp nhiều khó khăn.

Năm 2015, toàn ngành phấn đấu nâng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lên 67.850 người, tổng thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt 202.944 tỷ đồng.

Ngành phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các địa phương; tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, xây dựng và hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến thu nộp bảo hiểm xã hội xuống còn 49,5 giờ/năm vào cuối năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục