Vẫn còn vướng mắc trong triển khai giá điện mới

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết việc triển khai thực hiện giá điện mới cho đến nay tương đối thuận lợi do EVN đã chủ động hướng dẫn và chỉ đạo các Công ty Điện lực kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đồng thời tổ chức tốt việc phổ biến, tuyên truyền về giá điện và hệ thống tiếp nhận thông tin phản hồi, giải đáp kịp thời ý kiến của khách hàng về giá điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết việc triển khai thực hiện giá điện mới cho đến nay tương đối thuận lợi do EVN đã chủ động hướng dẫn và chỉ đạo các Công ty Điện lực kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đồng thời tổ chức tốt việc phổ biến, tuyên truyền về giá điện và hệ thống tiếp nhận thông tin phản hồi, giải đáp kịp thời ý kiến của khách hàng về giá điện.
 
Theo EVN, khối lượng công việc lớn nhất là phải lập trình lại biểu thời gian đối với khoảng 86.000 côngtơ điện tử đang vận hành trên lưới khi áp dụng hai khoảng thời gian cao điểm. Tuy nhiên, các đơn vị đã tập trung nhân lực, thiết bị để đảm bảo hoàn thành đúng thời gian yêu cầu là 31/5/2009.
 
Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là nếu đến ngày 1/9/2009 có nhiều tổ chức quản lý kinh doanh điện nông thôn ngoài EVN không đủ điều kiện kinh doanh bán điện theo giá bậc thang sẽ phải bàn giao lưới điện cho các công ty điện lực làm tăng đột biến khối lượng công việc của các Công ty này.
 
Mặc dù các Công ty điện lực đã chủ động làm việc với các tổ chức quản lý kinh doanh điện nông thôn thỏa thuận giá bán điện và thời gian cung cấp số liệu theo quy định tại Thông tư 05/2009/TT-BCT ngày 26/2/2009 hướng dẫn thực hiện giá bán điện mới để tính toán tiền điện hàng tháng, nhưng nhiều đơn vị không cung cấp đủ thông tin để lập hoá đơn.
 
Vì vậy, buộc các Công ty điện lực phải áp dụng chế tài quy định trong Thông tư, nhưng việc thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn vì ảnh hưởng đến lợi ích của các hộ dân nông thôn đang mua điện của các tổ chức này.
 
Bên cạnh đó, một số khách hàng thuộc đối tượng áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng chưa đồng tình với việc áp dụng hai khoảng thời gian cao điểm nên đã không đồng ý hoặc trì hoãn việc cài đặt thông số thời gian trong côngtơ điện tử theo quy định mới.

Tại cuộc họp báo về cơ chế giá điện giờ cao điểm sáng trong chính sách giá điện mới chiều 27/3 của Bộ Công Thương (MOIT), ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết giờ cao điểm được quy định mới từ 9h30-11h30 và từ 17h-20h các ngày từ thứ 2 đến thứ 7, ngày chủ nhật không có giờ cao điểm (trước đây chỉ tính giờ cao điểm từ 18-22 giờ).
 
Sau khi áp dụng thêm giờ cao điểm sáng, tổng số giờ cao điểm trong tuần sẽ tăng 2 giờ so với quy định cũ, tổng số giờ bình thường sẽ giảm 2 giờ và số giờ thấp điểm được giữ nguyên.
 
Như vậy, với việc áp dụng giá điện giờ cao điểm mới, chi phí tiền điện tăng thêm cho các doanh nghiệp so với quy định cũ sẽ từ 1 - 18%; chi phí giá thành sản phẩm sẽ tăng khoảng 0,1 - 3,6% tùy theo sự bố trí lịch sản xuất của doanh nghiệp.
 
Thứ trưởng MOIT Bùi Xuân Khu khẳng định, với đặc điểm cơ cấu phụ tải hiện nay mà điện sản xuất chiếm trên 50% thì đây là việc làm cần thiết nhằm giảm chênh lệch phụ tải giữa giờ cao điểm và thấp điểm, đảm bảo an toàn hệ thống điện.
 
Bên cạnh đó, chính sách giá điện cao điểm cũng là một biện pháp nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý, để hạn chế các sự cố có thể xảy ra, đồng thời hạn chế hiện tượng phải cắt điện vào giờ cao điểm do phụ tải tăng cao như thời gian trước đây.
 
Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cũng cho biết, do việc áp dụng chính sách này chỉ mới bắt đầu từ ngày 1/3/2009 nên rất cần thêm thời gian để nhìn nhận ảnh hưởng thực sự. MOIT sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan kiểm tra, đánh giá chi tiết tác động của chính sách này, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho từng nhóm đối tượng sử dụng điện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục