Vấn đề Brexit: Anh và EU cố gắng tránh kịch bản không thỏa thuận

Thủ tướng Anh Theresa May đã có chuyến làm việc tại Brussels của Bỉ ngày 7/2 nhằm thảo luận với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) về giải pháp kịp thời cho tiến trình Brexit vốn đang bế tắc.
Vấn đề Brexit: Anh và EU cố gắng tránh kịch bản không thỏa thuận ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker (phải) trong cuộc gặp tại Brussels của Bỉ ngày 7/2. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thủ tướng Anh Theresa May đã có chuyến làm việc tại Brussels của Bỉ ngày 7/2 nhằm thảo luận với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) về giải pháp kịp thời cho tiến trình Brexit vốn đang bế tắc.

Mặc dù các cuộc gặp không đạt được bất kỳ đột phá nào, song hai bên đã nhất trí tiếp tục đối thoại nhằm tránh một kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Trong một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp Thủ tướng May, được đánh giá là "thẳng thắn," Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã tái khẳng định lập trường của EU về việc không đàm phán lại thỏa thuận "ly hôn" mà hai bên đạt được hồi tháng 11 năm ngoái.

Đồng thời, ông cũng bác bỏ kế hoạch thay đổi một số điều khoản về đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và nước thành viên EU là Cộng hòa Ireland mà bà May đề cập đến trong cuộc hội đàm.

Tuy nhiên, ông Juncker cũng để ngỏ khả năng điều chỉnh cách diễn đạt trong tuyên bố song phương về quan hệ tương lai giữa Anh và EU với hy vọng phá vỡ bế tắc hiện nay.

Về phía Thủ tướng May, nhà lãnh đạo Anh cam kết sẽ đạt được một thỏa thuận với EU để đảm bảo Anh sẽ rời khỏi liên minh theo đúng kế hoạch vào ngày 29/3 tới, bất chấp nhiều ý kiến cho rằng London có thể phải lùi hạn chót này dù thỏa thuận nhận được sự đồng ý của các nghị sĩ quốc hội.

Trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình của Anh, bà May thừa nhận việc phá vỡ bế tắc là không dễ dàng, song bà và Chủ tịch EC Juncker đã nhất trí khởi động các cuộc đối thoại từ bây giờ nhằm tìm ra giải pháp cho tất cả.

Tuy nhiên, bà cũng khẳng định rằng nếu không có sự thay đổi về điều khoản "rào chắn" (backstop), thỏa thuận Brexit của bà sẽ không bao giờ vượt qua "ải" Quốc hội Anh.

[Vấn đề Brexit: Liệu có diễn ra theo đúng thời hạn chót 29/3?]

Dự kiến, bà sẽ có cuộc gặp khác với ông Juncker vào cuối tháng Hai này trong bối cảnh chỉ còn 50 ngày nữa là tới hạn chót cho việc Anh rời khỏi EU.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk cảnh báo vẫn không có đột phá nào sau cuộc gặp Thủ tướng May, song khẳng định các cuộc đối thoại vẫn tiếp tục.

Theo một quan chức EU, bà May đã không đưa ra bất kỳ đề xuất mới nào trong cuộc gặp ông Tusk, trong khi Chủ tịch Hội đồng EU lại đưa ra ý kiến rằng nhà lãnh đạo Anh xem xét các đề xuất của lãnh đảo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn về liên minh thuế quan lâu dài giữa Anh và EU như một giải pháp chấm dứt thế bế tắc về điều khoản "rào chắn" tại đường biên giới với Cộng hòa Ireland. Thủ tướng Anh trước đó đã bác bỏ đề xuất này.

Ngày 14/2 tới, bà May sẽ khởi xướng cuộc thảo luận mới về thỏa thuận Brexit tại Quốc hội Anh sau khi văn kiện này bị cơ quan lập pháp của Anh bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu ngày 15/1 vừa qua.

Hiện, vẫn tồn tại sự bất đồng sâu sắc giữa đảng Bảo thủ cầm quyền của bà May và Công đảng đối lập về cách thức đưa Anh rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016 với kết quả ủng hộ Brexit.

Trước đó, trong một bức thư gửi Thủ tướng Anh, ông Corbyn đã đưa ra 5 điều kiện để đổi lại sự ủng hộ của đảng này đối với thỏa thuận Brexit, trong đó có việc duy trì một liên minh thuế quan toàn diện và lâu dài giữa Anh và EU.

Điều khoản "rào chắn" là một chính sách nhằm đảm bảo không có một đường biên giới cứng chia cách Cộng hòa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh trong trường hợp Anh và EU không thể đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit.

Nói cách khác, điều khoản này nhằm giúp đảm bảo một biên giới mở giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, để ràng buộc London với những quy định về thuế quan của EU cho đến khi hai bên nhất trí được về các mối quan hệ thương mại trong tương lai.

Một số nhà lập pháp Anh kịch liệt phản đối, cho rằng điều này đe dọa sự toàn vẹn biên giới quốc gia, thậm chí có thể dẫn tới việc Anh mãi mãi "mắc kẹt" trong một liên minh thuế quan với EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục