Vấn đề Brexit: Đảng Bảo thủ nắm quyền kiểm soát ủy ban soạn thảo luật

Đảng Bảo thủ của Thủ tướng May sẽ nắm quyền kiểm soát các ủy ban quan trọng trong xem xét các dự thảo luật, trong đó có thể xác định cách thức Anh rút khỏi EU.
Vấn đề Brexit: Đảng Bảo thủ nắm quyền kiểm soát ủy ban soạn thảo luật ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau khi Quốc hội Anh thông qua dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, ngày 12/9, Thủ tướng Theresa May tiếp tục giành thắng lợi khác trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện.

Các nghị sỹ Anh đã bỏ phiếu ủng hộ một đề xuất nhằm đảm bảo chính phủ của đảng Bảo thủ nắm đa số vị trí trong các ủy ban soạn thảo luật quan trọng.

Với 320 phiếu thuận và 301 phiếu chống, các nghị sỹ tại Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua đề xuất trên, một động thái nhằm cản trở các nghị sỹ đối lập ngăn cản tiến trình lập pháp trong tương lai. Qua đó, đảng Bảo thủ của Thủ tướng May sẽ nắm quyền kiểm soát các ủy ban quan trọng trong xem xét các dự thảo luật, trong đó có thể xác định cách thức Anh rút khỏi EU.

[Anh, EU dời thời điểm tiến hành vòng đàm phán Brexit tiếp theo]

Lãnh đạo Hạ viện Anh, bà Andrea Leadsom cho rằng việc thay đổi đối với thành viên các ủy ban trên sẽ giúp chính phủ đẩy nhanh tiến trình Brexit. Tuy nhiên, nghị sỹ đảng Dân chủ tự do Alistair Carmichael đã phản đổi đề xuất trên và cho rằng đảng Bảo thủ đang "cướp quốc hội."

Trước đó, ngày 11/9, dự luật Brexit của Chính phủ Anh cũng đã vượt qua cuộc bỏ phiếu đầu tiên tại Hạ viện nước này. Dự luật này cho phép Chính phủ Anh sửa đổi 12.000 quy định và luật của EU để đảm bảo các quy định này hoạt động hiệu quả và phù hợp với lợi ích, luật pháp Anh. Tuy nhiên, dự luật đang vấp phải sự phản đối từ Công đảng đối lập, và ngay cả trong nội bộ đảng Bảo thủ.

Các ý kiến phải đối cho rằng việc trao quá nhiều quyền lực cho các bộ trưởng trong Chính phủ Anh có thể kéo theo nhiều thay đổi lớn trong tiến trình đàm phán với EU.

Dự luật Brexit sẽ được đưa ra bàn thảo trong tám buổi thảo luận trực tiếp tại Hạ viện Anh vào mùa Thu năm nay, mỗi cuộc thảo luận sẽ kéo dài ít nhất 8 giờ. Không có hạn chế về thời gian thảo luận dự luật tại Thượng viện Anh. Vì vậy, giới phân tích cho rằng sớm nhất cũng phải đến năm 2018, luật Brexit mới có thể được ban hành chính thức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục