Vấn đề Iran trong tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Tờ Tín báo, nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong, mới đây đăng bài viết của tác giả Hứa Kiếm Chiêu phân tích về tác động của vấn đề Iran đối với các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ.
Vấn đề Iran trong tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung ảnh 1(Nguồn: newsx.com)

Chuyên mục "Bình luận thời sự” của tờ Tín báo, nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong, mới đây đăng bài viết của tác giả Hứa Kiếm Chiêu phân tích về tác động của vấn đề Iran đối với các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ, nội dung như sau:

Ngày 29/4, trước khi các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ bế tắc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố một cách tự tin rằng các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ Iran - có hiệu lực toàn diện vào ngày 1/5 - sẽ không làm ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán thương mại Trung-Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi: Nếu Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận, sau khi Bắc Kinh thực hiện các điều khoản then chốt, Mỹ lại đột nhiên đơn phương tuyên bố Trung Quốc vi phạm các điều khoản trừng phạt Iran, từ đó ra tay trừng phạt Trung Quốc - chẳng hạn như cấm một số sản phẩm điện tử hoặc tăng thuế đối với một số mặt hàng - chẳng phải Bắc Kinh sẽ “mất cả chì lẫn chài”?

Những ngày gần đây, một số phương tiện truyền thông chính thống đưa tin Mỹ sẽ điều 120.000 quân đến Trung Đông để chuẩn bị tấn công Iran (mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phủ nhận điều này).

Bất luận thông tin trên là thật hay không thì tình hình Iran chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ. Ảnh hưởng ngay lập tức là rủi ro cấm vận.

Tháng 4/2019, Mỹ tuyên bố sẽ không tiếp tục miễn trừ trừng phạt cho các nước hoặc khu vực nhập khẩu dầu thô của Iran (trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…), bất kỳ nước nào vi phạm lệnh cấm (nhập khẩu dầu thô Iran) sẽ bị Mỹ trừng phạt.

[Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng mở cửa cho đàm phán thương mại với Mỹ]

Ngày 10/5, hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin của Singapore cho biết Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) do lo ngại Mỹ ép các tổ chức tài chính cắt nguồn vốn cấp cho họ nên đã tạm ngừng đặt mua dầu của Iran.

Nếu quan hệ Mỹ-Iran tiếp tục căng thẳng, thậm chí nguy cơ bùng nổ chiến tranh, các biện pháp trừng phạt của Washington đối với các nước vi phạm lệnh cấm có thể rất hà khắc và lan rộng sang các dự án khác, khiến rủi ro gia tăng.

Mặt khác, quan hệ làm ăn giữa Trung Quốc và Iran rất nhiều. Mỹ bất cứ lúc nào cũng có thể tuyên bố Trung Quốc có những hành động vi phạm lệnh cấm.

Lợi ích mà các thỏa thuận thương mại mang lại không đủ để bù đắp tổn thất do bị “trừng phạt” vì làm ăn với Iran.

Thế nhưng, Trung Quốc cũng không muốn trên "con đường tơ lụa mới" mất đi Iran. Iran đã chứng minh rằng họ không phải là một quốc gia thất bại, mà là một cường quốc, có khả năng lãnh đạo và thúc đẩy hợp tác ở khu vực Trung Đông, là một đất nước đáng để Trung Quốc nỗ lực ủng hộ.

Tuy nhiên, nếu Mỹ-Trung ký được thỏa thuận thương mại và Bắc Kinh phải chịu sự ràng buộc của các điều khoản trong thỏa thuận, có thể Trung Quốc sẽ gặp khó trong quan hệ với Iran.

Một số ý kiến cho rằng nếu đàm phán thương mại Trung-Mỹ tiếp tục được tiến hành, Bắc Kinh cần phải sắp xếp một số điều khoản tạm dừng hoặc rút lui mang tính thích ứng ngắn hạn, chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp chiến tranh bùng nổ ở khu vực lân cận (xung đột Mỹ-Iran).

Xét về lâu dài, Bắc Kinh cần phải tính toán kỹ càng và chuẩn bị tâm lý cho người dân, giới doanh nghiệp rằng một khi quan hệ thương mại (có thể là cả chính trị, thậm chí là quân sự) Trung-Mỹ xấu đi do vấn đề Iran, họ sẽ phải chịu sự chèn ép nặng nề và cần phải có đủ ý chí cũng như nghị lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục