Vấn đề người di cư: Sẽ tác động tích cực với kinh tế châu Âu?

Vấn đề người di cư: Sẽ có tác động tích cực với kinh tế châu Âu?

Theo Credit Suisse, người di cư vào khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng gấp ba lần trong năm nay, khoảng 2 triệu người, sẽ góp phần tăng vọt lượng cầu tại đây.
Vấn đề người di cư: Sẽ có tác động tích cực với kinh tế châu Âu? ảnh 1Dòng ​người di cư tại khu vực biên giới Hungary-Croatia ngày 21/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Làn sóng người di cư đổ về các cửa ngõ châu Âu trong vòng 3 tháng qua không chỉ trở thành chủ đề khai thác của báo giới mà còn trở thành vấn đề được nhiều chuyên gia và các tổ chức kinh tế quan tâm bàn thảo, với nhiều quan điểm về tác động tích cực cũng như những hạn chế mà dòng người di cư mang lại đối với kinh tế châu Âu.

Tại các nước châu Âu nói chung xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại về việc hàng chục nghìn người tị nạn và di cư đang đổ về châu lục này sẽ “vắt kiệt” hệ thống an sinh xã hội vốn được đóng góp bởi người dân bản địa để dành cho y tế, hỗ trợ thất nghiệp, lương hưu và giáo dục.

Trong khi đó, nhiều chính trị gia và các cử tri châu Âu bày tỏ quan ngại rằng làn sóng người di cư có thể trở thành "bình phong" để tội phạm và khủng bố trà trộn vào châu Âu.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia thuộc tập đoàn tài chính Credit Suisse mới đây đưa ra một bản tóm tắt những yếu tố tích cực, theo đó người di cư vào khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng gấp ba lần trong năm nay, khoảng 2 triệu người, sẽ góp phần tăng vọt lượng cầu tại đây.

Việc phải chi nhiều hơn để chu cấp nhà ở và trang trải các chi phí về giáo dục cho những người mới đến trở thành yếu tố để chính phủ các nước Eurozone phải đẩy mạnh năng suất lao động.

Theo Credit Suisse, trong ngắn hạn, ước tính Tổng sản phẩm nội khối (GDP) năm 2016 của Eurozone sẽ tăng 0,2-0,3 điểm phần trăm, đồng thời tác động tích cực lâu dài của dòng người di cư đối với ngành tài chính công, lương hưu, lĩnh vực nhân khẩu và tiềm năng tăng trưởng của Eurozone là rất lớn.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đưa ra phân tích tương tự, cho rằng người di cư có thể trở thành nhân tố đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của các quốc gia tiếp nhận.

Theo OECD, tỷ lệ sinh ở châu Âu những thập kỷ qua khá thấp, khiến khu vực này hầu như không có lực lượng lao động trẻ và năng động. Vì vậy, người di cư sẽ góp phần khắc phục sự thiếu hụt đó, đồng thời giúp làm tăng GDP.

Các khoản thuế mà người di cư đóng sẽ giúp chính phủ cân bằng ngân sách.

Báo cáo của OECD từ năm 2014 cho thấy người nhập cư chiếm tới 70% lực lượng lao động tăng thêm ở châu Âu trong 10 năm qua đã giúp tăng độ tuổi lao động, lấp đầy các ngành đang sụt giảm trong nền kinh tế và góp phần tăng tính linh hoạt cho thị trường lao động - cũng có nghĩa là khả năng thích nghi nhanh chóng của thị trường lao động đối với các thay đổi trong xã hội.

Giáo sư Xavier Chojniki tại Đại học Lille III (Pháp) cho rằng lo sợ của nhiều nước châu Âu nói chung và Pháp nói riêng về việc người nhập cư sẽ tước đi cơ hội việc làm của người dân địa phương là không có cơ sở.

Nghiên cứu của ông về tài chính Pháp năm 2005 cho thấy người nhập cư đã mang lại 3,9 tỷ euro cho nền kinh tế Pháp trong cùng năm đó.

Theo ông, người nhập cư và người bản địa thường không cạnh tranh trong cùng một lĩnh vực việc làm, mà họ làm việc trong các lĩnh vực bổ sung lẫn nhau.

Emmanuel Martin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế châu Âu có trụ sở tại Paris, lập luận rằng trong bối cảnh nhiều người sẽ tìm kiếm việc làm, thị trường lao động kiểm soát nghiêm ngặt khiến người nhập cư khó có thể gia nhập lực lượng lao động theo cách thực chất, từ đó tạo ra những người “trong cuộc” và “ngoài cuộc.” Điều này có nghĩa là về cơ bản người nhập cư bị loại khỏi các công việc mà họ muốn.

Các nghiên cứu của OECD cũng như như chuyên gia kinh tế Chojniki cho thấy người nhập cư sẽ đóng góp cho xã hội nhiều hơn những gì họ nhận được. Theo đó, cùng với số người nhập cư được nhận trợ cấp, có rất nhiều người khác trong lực lượng lao động giúp cân bằng con số này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục