Vấn đề nợ của châu Phi: Không phải vay quá nhiều mà lãi suất quá cao

Giới quan sát một lần nữa lại dấy lên những quan ngại về tính bền vững của các khoản nợ ngày càng tăng đối với nhiều nước châu Phi.
Vấn đề nợ của châu Phi: Không phải vay quá nhiều mà lãi suất quá cao ảnh 1Đồng franc CFA Tây Phi. (Nguồn: AFP)

Trang mạng "The Conversation" (theconversation.com) ngày 19/2 đăng bài phân tích của tác giả Misheck Mutize, giảng viên tài chính của Trường Kinh doanh (GSB) thuộc Đại học Cape Town (Nam Phi) về bản chất các khoản nợ hiện nay của chính phủ nhiều nước châu Phi.

Chuyên gia này khẳng định không phải các quốc gia này đang vay quá nhiều mà lãi suất vay quá cao so với mức chung của thế giới.

Theo bài viết, giới quan sát một lần nữa lại dấy lên những quan ngại về tính bền vững của các khoản nợ ngày càng tăng đối với nhiều nước châu Phi.

Phần lớn những khoản nợ này đang "dày" thêm bởi chính phủ các nước đã phát hành trái phiếu ngoại tệ bằng đồng euro (Eurobond) trên thị trường tài chính quốc tế. Tổng giá trị của Eurobond được phát hành trong hai năm 2018 và 2019 lớn hơn giá trị của tất cả các trái phiếu được bán ra từ năm 2003 đến 2016.

Hiện trạng các vấn đề nợ châu Phi

Chính phủ các nước châu Phi đang phát hành và niêm yết Eurobond trên các thị trường nợ quốc tế đã định hình - thường là Sở giao dịch chứng khoán London (LSE) và Euronext Dublin (trước đây là Sàn giao dịch chứng khoán Ireland - ISE).

Có lẽ chính phủ các nước châu Phi sẽ ít mạo hiểm hơn rất nhiều tại thị trường chứng khoán nước ngoài nếu thị trường trái phiếu trong nước năng động và thanh khoản tốt.

Tuy nhiên, ngoài Nam Phi, thị trường trái phiếu châu Phi phần lớn kém phát triển với thị trường thứ cấp không năng động và kém thanh khoản, gây khó khăn cho việc thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế đối với nội địa.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tin rằng các quốc gia châu Phi đang lạm dụng việc phát hành Eurobond và một nửa trong số đó trái phiếu phát hành đang ở mức gần hoặc trong độ áp lực thanh toán.

[Các nước châu Phi trước “núi nợ” trái phiếu sắp đến kỳ thanh toán]

IMF cho rằng các chính phủ châu Phi đang tiếp tục chồng chất nợ mà không đánh giá rủi ro tỷ giá hối đoái và chi phí thực tế để trả nợ.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả bài viết, việc các tổ chức quản lý nợ quốc tế báo động tình trạng nợ hiện nay của châu Phi có phần cường điệu.

Vấn đề không phải là các nước châu Phi đang vay quá nhiều, mà là đang trả lãi suất quá cao. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm các cơ quan xếp hạng không có được thông tin cần thiết, cũng như ứng xử của các tổ chức phát hành trái phiếu.

Dù vậy, vẫn có những giải pháp cho vấn đề nợ hiện nay, nhưng đòi hỏi các chính phủ châu Phi phải chấp nhận và hành động.

Để đánh giá gánh nặng nợ của một quốc gia, cần tính đến hai yếu tố chính. Một là mức nợ dựa trên tỷ lệ nợ trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Hai là chi phí đối với các khoản nợ-trả lãi.

Chẳng hạn, các mức nợ trung bình tại châu Phi đang là dưới 100% trên GDP. Tuy nhiên, ấn tượng thực tế dường như tạo ra cảm giác rằng tỷ lệ nợ trên GDP cao hơn nhiều - sự cường điệu này dẫn đến việc các nước châu Phi đã và đang phải trả lãi suất cao hơn.

Các nước châu Phi đang phải trả lãi suất cao hơn nhiều so với các quốc gia khác. Tác giả bài viết cho rằng thực tế trên chưa được kiểm chứng bởi hồ sơ rủi ro của các nước châu Phi.

Trừ 4 nước Cape Verde, Djibouti, Congo và Mozambique, tất cả các quốc gia châu Phi khác có tỷ lệ nợ trên GDP trung bình khoảng 60%.

IMF và Chương trình hợp tác tiền tệ châu Phi (AMCP) quy định tỷ lệ nợ trên GDP ở mức 60% là ngưỡng để đưa ra cảnh báo về các mức nợ thận trọng.

Châu Phi hiện có quy mô phát hành nợ chỉ bằng 1% tổng GDP hàng năm của lục địa và có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 4%.

Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là giá trị thu nhập tạo ra cao hơn tốc độ tích lũy nợ của chính phủ. Các tỷ lệ này giúp nhận diện nhanh về tính bền vững tài khóa của một nước.

Ngược lại, số tiền chi trả lãi suất của các nước châu Phi lại không tương xứng với tỷ lệ nợ trên GDP. Các nghiên cứu cho thấy ở các nền kinh tế phát triển, tỷ lệ nợ trên GDP tăng 1% kéo theo việc tăng lãi suất từ 0,02% đến 0,03%.

Các chính phủ châu Phi đang trả lãi từ 5% đến 16% cho trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, so với tỷ lệ gần bằng 0 đến âm ở châu Âu và châu Mỹ. Trung bình, trả lãi là phần chi tiêu cao nhất và vẫn là phần chi tiêu tăng nhanh nhất trong ngân sách tài khóa của các nước phía Nam Sahara châu Phi.

Do đó, châu Phi cần quan tâm nhiều hơn đến các mức lãi suất gia tăng của các khoản nợ. Các quốc gia châu Phi đang tự cắt giảm lợi ích bằng cách chấp nhận các đường cong lãi suất (tương quan lãi suất giữa trái phiếu dài hạn và ngắn hạn) ở mức cao khi phát hành trái phiếu ra công chúng (IPO) lần đầu bằng Eurobond.

Điều này không có nghĩa là các nước phát hành trái phiếu Eurobond đang là những nhà phát hành với rủi ro cao.

Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này

Có một số yếu tố chính thúc đẩy lãi suất cao. Đầu tiên, sự không phù hợp giữa thời gian nợ ngắn hạn mà các chính phủ châu Phi đã thực hiện bằng cách phát hành Eurobond so với bản chất dài hạn của các dự án cơ sở hạ tầng mà các nước này triển khai nhằm tài trợ bằng nguồn tài chính thu được thông qua phát hành Eurobond.

Trong khi đó, nhu cầu quá mức trong việc thu hút các nhà đầu tư đang buộc các chính phủ châu Phi phải vay ngắn hạn để tài trợ cho các dự án dài hạn.

Thứ hai, sự hoán đổi về mục đích sử dụng số tiền thu được từ Eurobond - hay tính linh hoạt trong sử dụng số tiền này cho các mục đích khác chứ không phải cho mục tiêu ban đầu được đưa ra để phát hành trái phiếu - đã đặt các khoản tiền thu được trước các nguy cơ chiếm dụng và chi tiêu không hiệu quả.

Thứ ba, xếp hạng tín dụng thấp bởi phần lớn các quốc gia châu Phi phát hành trái phiếu quốc tế đang có mức xếp hạng "rác" - không đáng đầu tư. Xếp hạng tín dụng là yếu tố then chốt trong xác định cả lãi suất và nhu cầu trái phiếu.

Lâu nay, những điểm yếu của các cơ quan xếp hạng đưa ra mức đánh giá rủi ro đã bị chỉ trích rộng rãi. Dựa theo các phương pháp xếp hạng tín dụng quốc gia của 3 tổ chức xếp hạng quốc tế lớn (S & P, Moody’s và Fitch), tăng trưởng kinh tế là yếu tố quyết định để đánh giá các sự kiện tín dụng quốc gia trong quá khứ.

Giữa sức mạnh kinh tế và giá trị tín dụng có một mối tương quan tích cực mạnh mẽ. Tuy nhiên, ở châu Phi tăng trưởng kinh tế cao đã và đang không mang lại các xếp hạng tín nhiệm tốt hơn.

Bất chấp sự tăng trưởng kinh tế tích cực ổn định trung bình 3,6% trong số 32 quốc gia châu Phi được xếp hạng, dữ liệu cho thấy số lượng các nước đã bị hạ cấp và có triển vọng tiêu cực gần gấp đôi so với số nước được nâng cấp và có triển vọng tích cực.

Điều này ngụ ý rằng các nước châu Phi hiện đang ở mức tồi tệ hơn so với trước đây. Đánh giá này bỏ qua sự tiến bộ đáng kể của lục địa trong quản trị, tăng trưởng kinh tế và phát triển con người trong những năm qua.

Hãy xem xét trường hợp Ethiopia, quốc gia Đông Phi này có mức tăng trưởng kinh tế hiện tại là 8,5% và ở mức dao động trong khoảng 8% -11% trong hơn 10 năm. Tuy nhiên, Ethiopia chưa nhận được bất kỳ mức nâng cấp đánh giá nào của ba cơ quan xếp hạng quốc tế.

Tương tự, Senegal - một trong những quốc gia ổn định nhất của châu Phi và trải qua 3 lần chuyển đổi chính trị hòa bình kể từ khi độc lập vào năm 1960 - đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6% trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, quốc gia Tây Phi này vẫn đang bị đánh giá ở mức xếp tín nhiệm "rác."

Một số nguyên nhân khiến các mức lãi suất cao hơn cũng xuất phát từ các chính phủ châu Phi. Chẳng hạn, tình trạng thiếu thông tin cần thiết về "việc sử dụng số tiền thu được" trong các bản cáo bạch khi IPO các loại Eurobond đang làm tăng nguy cơ của rối loạn tài khóa.

Điều này có nghĩa là các quỹ từ phát hành trái phiếu không có tính điều kiện hoặc bất kỳ dòng trách nhiệm nào.

Đây cũng là trường hợp các chính phủ sử dụng số tiền huy động được vào các dự án thua lỗ và chi tiêu tài chính không sinh lợi nhuận.

Hai trường hợp minh họa cho luận điểm trên là siêu dự án Kuraz sản xuất đường ở Ethiopia có nguồn vốn từ Eurobond 2014 đang bị thất bại và dự án Đường sắt Tiêu chuẩn Kenya (SGR) không thể kích thích bất kỳ hoạt động kinh tế mới nào.

Đâu là giải pháp cho các tồn tại?

Các nước châu Phi có thể hành động để giải quyết gánh nặng lãi suất đang gia tăng và tránh rơi vào bẫy nợ thông qua các cơ chế sau. Thứ nhất, các chính phủ các nước nên sử dụng tiền huy động từ phát hành Eurobond để tài trợ cho các dự án mang lại lợi nhuận và sử dụng lợi nhuận từ các dự án này để trả lãi.

Thứ hai, cần kiểm soát quá trình phát hành trái phiếu trong giai đoạn cơ cấu trái phiếu. Các chính phủ phải quyết định chấp nhận hoặc từ chối giá thầu của nhà đầu tư.

Các nước châu Phi buộc phải cấu trúc trái phiếu với tỷ suất lợi nhuận và thời gian thuận lợi. Quá trình này không nên lất át hoàn toàn mạng lưới các nhà quản lý hàng đầu, những nhà sáng lập và các ngân hàng đầu tư.

Việc tăng giá đối với các trái phiếu Eurobond phát hành gần đây - phát hành Eurobond cao hơn mức giá trung bình 3 lần - cho thấy rõ ràng cầu đang vượt cung.

Các quốc gia nên quản lý các cố vấn phát hành chủ chốt để đàm phán các mức lãi suất thấp nhất có thể nhằm tiết kiệm các chi phí không cần thiết.

Thứ ba, các chính phủ châu Phi cần đàm phán để có được lãi suất cạnh tranh và chỉ chấp nhận mức chào giá thuận lợi.

Thứ tư, các chính phủ nên vay để chi tiêu sản xuất và quản lý nguồn tiền thu được từ trái phiếu quốc tế một cách thận trọng hơn đi liền với tính liêm chính và minh bạch.

Thứ năm, các nước châu Phi nên thiết lập quan điểm ở cấp độ lục địa, áp dụng các tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế để thiết lập các dòng trách nhiệm đối với các cơ quan xếp hạng.

Điều này sẽ tạo ra một nền tảng để thực thi việc tuân thủ phương pháp xếp hạng khoa học, kháng cáo việc xếp hạng, điều chỉnh các cơ quan xếp hạng và sự tham gia đầy đủ của các quốc gia được xếp hạng trong quá trình đánh giá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục