Vận động bầu cử qua Internet: Có thể phản tác dụng

Nếu người ứng cử vận động qua mạng Internet mà đưa thông tin không đúng hoặc "quảng cáo" quá mức về bản thân sẽ là phản tác dụng.
Danh sách chính thức 827 người ứng cử đã được công bố để ngày 22/5 tới sẽ bầu ra 500 đại biểu Quốc hội khóa XIII. Các cơ quan chức năng, các ứng cử viên cũng như cử tri đang tích cực chuẩn bị và trông đợi hoạt động tiếp xúc cử tri vận động bầu cử sắp diễn ra, từ 3-18/5.

Hoạt động tiếp xúc cử tri khoá này được đánh giá là có nhiều đổi mới, trong đó có việc đa dạng hoá các hình thức vận động bầu cử.

Về hình thức vận động qua mạng Internet, theo ông Vũ Trọng Kim, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nếu không cẩn thận khi đưa lên những thông tin không đúng hoặc "quảng cáo" quá mức về bản thân người ứng cử thì sẽ phản tác dụng.

Quy định rõ ràng, chi tiết

Nhằm tạo điều kiện cho tất cả những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn số 1267/MTTW-BTT về việc hướng dẫn công tác tổ chức hội nghị cử tri để người ứng cử vận động bầu cử.

Theo đó, thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri được tiến hành từ ngày 3/5 đến hết ngày 18/5.

Quá thời gian trên, người ứng cử có thể thực hiện các hình thức vận động bầu cử khác theo quy định của pháp luật đến hết ngày 20/5 theo hướng tạo điều kiện để những người ứng cử được tiếp xúc cử tri càng nhiều cuộc càng tốt.

Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định tiếp xúc cử tri ít nhất là 10 cuộc. Đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ít nhất là 5 cuộc. Đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ít nhất là 3 cuộc.

Trong đợt này, người ứng cử hoàn toàn chủ động khi tiến hành vận động bầu cử nhưng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Lý giải về số lần quy định người ứng cử phải tiến hành tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim cho hay, cùng một thời điểm sẽ có rất nhiều cuộc tiếp xúc vận động bầu cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016 nên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tính toán rất khoa học. Đồng thời, đã căn cứ vào quỹ thời gian của cả người ứng cử và điều kiện để các địa phương có thể vận dụng để tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri một cách hợp lý.

Ông Vũ Trọng Kim cũng lưu ý Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố về công tác chuẩn bị, trang trí khánh tiết ở những địa điểm người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII tiến hành tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử cần đảm bảo tính trang trọng nhưng tiết kiệm.

Trước buổi tiếp xúc, các địa phương cần chuẩn bị chu đáo về địa điểm và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng ở khu vực tổ chức hội nghị để đông đảo cử tri có điều kiện đến dự, tránh tình trạng chỉ mời một số "cử tri đại diện"; đồng thời phối hợp đảm bảo tốt về an ninh trật tự tại các địa điểm tiếp xúc.

Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần thông báo rộng rãi trên đài phát thanh, truyền hình địa phương để nhân dân nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri hiểu rõ hơn về người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Tổ chức hội nghị với những người ứng cử để đại diện Ủy ban nhân dân cùng cấp thông báo những nội dung cơ bản về tình hình kinh tế-xã hội ở địa phương để người ứng cử xây dựng, dự kiến chương trình hành động của mình trước khi tổ chức các hội nghị cử tri.

Các đơn vị thành viên tổ chức những buổi tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 cần chú ý tạo không khí dân chủ, cởi mở; tránh gò ép nhưng phải tuân thủ những mục đích, yêu cầu như quy định tại Điều 12 Nghị quyết 1020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở các cấp được tiến hành theo đúng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mọi vấn đề đưa ra hội nghị được thảo luận dân chủ, công khai.

Đa dạng hóa các hình thức vận động bầu cử

Theo ý kiến của bác Trần Kim, tổ trưởng hòm phiếu số 2, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội thì người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII có nhiều điều kiện hơn so với các khóa trước khi tiến hành vận động bầu cử ở khu dân cư.

Bên cạnh việc tiến hành vận động bầu cử theo phương thức truyền thống là mời cử tri đến trụ sở Mặt trận Tổ quốc ở phường nghe người ứng cử trình bày chương trình hành động thì người ứng cử có thể vận dụng nhiều cách thức khác nhau để tăng cường tiếp xúc với cử tri.

"Tôi đặt nhiều sự kỳ vọng vào chất lượng của 827 người sẽ ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII tại 183 đơn vị bầu cử trong cả nước. Nhân dân nói chung, bản thân tôi nói riêng đánh giá cao sự chuẩn bị về chương trình hành động sát với điều kiện thực tế của người ứng cử và nhất là bản lĩnh của họ khi trình bày trên diễn đàn sao cho đạt yêu cầu và đúng pháp luật," bác Kim phân tích.

Trước băn khoăn về khả năng có tình trạng "quân xanh, quân đỏ hay cục bộ địa phương" trong phân bổ đại biểu về các tổ bầu cử, Tổng thư ký Vũ Trọng Kim khẳng định tất cả ứng cử viên vào danh sách chính thức đều đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện đề ra.

Người ứng cử là ai, đang giữ những chức vụ nào thì cử tri đều biết đó là do nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước phân công. Cử tri sẽ rất công bằng khi đánh giá, cân nhắc để có sự lựa chọn của mình khi tiến hành bỏ phiếu chứ không phải là người ứng cử này chức vụ hơn người ứng cử kia nên được lòng cử tri để cử tri bầu cho người đó trúng cử.

"Thế cho nên cơ hội của tất cả người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII là như nhau, kể cả người ứng cử là cán bộ lãnh đạo cấp cao hay người tự ứng cử," Tổng thư ký Vũ Trọng Kim nói.

Theo quy định của pháp luật, người ứng cử được vận động bầu cử với các hình thức như thông qua tiếp xúc cử tri nơi công tác, nơi cư trú; hội nghị cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức; trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu Internet được coi là phương tiện thông tin đại chúng thì đây cũng là kênh được dùng.

Theo Tổng thư ký Vũ Trọng Kim, người ứng cử trong khi vận động bầu cử với những hình thức mới như qua mạng xã hội, qua những trang điện tử cá nhân nếu không cẩn thận khi đưa lên mạng Internet những thông tin không đúng hoặc "quảng cáo" quá mức về bản thân người ứng cử thì sẽ phản tác dụng.

"Về việc vận động bầu cử qua hình thức từ thiện nhân đạo cũng vậy. Người dân họ rất trọng tình nghĩa nhưng phải xuất phát từ cái tâm trong sáng. Nếu người ứng cử từ trước đến giờ không đến với người dân, không có những hoạt động từ thiện nhân đạo mà trong thời điểm gần đến ngày bầu cử mới đột ngột xuất hiện, làm từ thiện nhân đạo rầm rộ và nhất thời thì cũng không phải là cách tốt," ông Kim nhấn mạnh./.

Vũ Minh-Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục