Vận hành thử tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào cuối tháng Tư

Khi được đưa vào vận hành, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ đáp ứng tối đa 55-60% nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến.
Sẽ có khoảng 30 tuyến xe buýt được tổ chức lại để tăng cường kết nối với 12 nhà ga của tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Sẽ có khoảng 30 tuyến xe buýt được tổ chức lại để tăng cường kết nối với 12 nhà ga của tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Chiều 19/3, tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt Hà Nội cho biết theo tinh thần chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tại buổi thị sát dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông mới đây, các đơn vị đang tập trung tối đa, giải quyết nối những công việc cuối cùng để đưa tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành thử chở khách vào cuối tháng 4/2019.

Tập trung cao độ

Thông tin về kế hoạch chuẩn bị khai thác thương mại tuyến đường sắt này, ông Vũ Hồng Trường cho biết công ty đang tiến hành 6 nhóm công việc: hoàn thiện các hành lang pháp lý; xây dựng phương án giá vé và chính sách ưu tiên, ưu đãi cho hành khách đi lại trên tuyến; chuẩn bị về nhân lực; hoàn thiện các quy trình vận hành, bảo trì phục vụ công tác vận hành thử.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, công ty cũng đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan xây dựng phương án kết nối xe buýt và tiếp cận cho hành khách đến các ga của tuyến.

Sở Giao thông Vận tải đã hoàn thành phương án kết nối và báo cáo thành phố xem xét phê duyệt.

Ngày 5/3/2019, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua phương án giá vé tuyến Cát Linh-Hà Đông. Giá vé này được xây dựng dựa vào 5 tiêu chí: thu nhập của người dân và khả năng chi trả; tính toán cạnh tranh về chi phí với phương tiện khác; khảo sát ý kiến người dân, dự toán chi phí vận hành tuyến và cân đối khả năng trợ giá từ ngân sách nhà nước.

Cụ thể giá vé như sau: giá mở cửa 7.000 đồng + đơn giá 600 đồng x khoảng cách đi lại (km). Vé đi 1 lượt được làm tròn hàng nghìn. Ví dụ: từ ga 1 đến ga 2, ga 1 đến ga 3: 8.000 đồng/người/lượt; từ ga 1 đến ga 4: 9.000 đồng/người/lượt; từ ga 1 đến ga 12 (ga cuối): 15.000 đồng/người/lượt...

Vé tháng có 2 loại: loại bình thường: 200.000 đồng; loại ưu tiên (yêu cầu có ảnh): 100.000 đồng. Thời gian sử dụng vé là 30 ngày, tính từ thời điểm thanh toán.

Vé ngày có giá 30.000 đồng/ngày, không hạn chế số lượt đi, được tính từ thời điểm mua đến thời điểm đóng tuyến trong ngày.

Thành phố miễn tiền vé cho người có công, người khuyết tật và trẻ em dưới 6 tuổi.

Mức hỗ trợ 50% giá vé tháng được áp dụng với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp và người cao tuổi. Mức hỗ trợ 30% giá vé tháng áp dụng cho cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.

Ngoài ra, trong 15 ngày đầu khai thác vận hành thương mại tuyến, toàn bộ hành khách sẽ được miễn phí.

[Điểm mới trong phương án giá vé đường sắt Cát Linh-Hà Đông]

Về nhân lực vận hành tuyến đường sắt này, ông Vũ Hồng Trường cho biết 37 lái tàu đầu tiên được tuyển chọn đã trải qua quá trình 1 năm học lý thuyết, thực hành lái tàu tại Trung Quốc và hiện tiếp tục lái tại Việt Nam với quy trình sát hạch kỹ càng.

Lấy mục tiêu an toàn cho hành khách là trên hết, công ty đã bố trí các lái tàu dự phòng để bảo đảm mỗi người lái không làm việc liên tục quá 4 tiếng.

Theo ông Vũ Hồng Trường, đây là dự án trọng điểm quốc gia nên Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước sẽ nghiệm thu công trình, về trang thiết bị và đào tạo nhân lực. Tuyến đường sắt đô thị này chỉ hoạt động khi đủ 2 điều kiện là có chứng chỉ an toàn hệ thống và được Hội đồng cấp nhà nước nghiệm thu.

Kết nối với tuyến đường sắt trên cao thế nào?

Điều mà nhiều người dân quan tâm là việc kết nối, trung chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị 2A thế nào khi tuyến đường này đi vào hoạt động.

Trả lời vấn đề này, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết hiện nay, phương án kết nối, trung chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị 2A (Cát Linh- Hà Đông) đang được trình Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt.

Phương án đề xuất điều chỉnh các tuyến buýt để tránh trùng lộ trình với đường sắt Cát Linh-Hà Đông, đồng thời tăng khả năng kết nối với mạng lưới giao thông đô thị như sau:

Tuyến buýt 02: Bác Cổ-Bến xe Yên Nghĩa chuyển thành tuyến ngang (Bác Cổ-Bến xe Mỹ Đình) kết nối với đường sắt 2A tại ga Láng, cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ngã Tư Sở tới bến xe Yên Nghĩa (9km).

Tuyến 27: Bến xe Yên Nghĩa-Nam Thăng Long chuyển thành tuyến ngang (Khu đô thị Định Công-Nam Thăng Long), kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại Ga Láng, cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ga Láng đến Bến xe Yên Nghĩa (10km).

Tuyến buýt 33: Bến xe Yên Nghĩa-Xuân Đỉnh chuyển thành tuyến ngang (Cụm công nghiệp Thanh Oai-Xuân Đỉnh), kết nối với đường sắt 2A tại 2 ga (Hà Đông, Văn Khê), cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ga Văn Quán đến Ga Hà Đông và từ Ga Văn Khê tới Ga Yên Nghĩa (3km).

Tuyến buýt 21A: Bến xe Giáp Bát-Bến xe Yên Nghĩa và tuyến 21B: Khu đô thị Pháp Vân, Tứ Hiệp-Bến xe Mỹ Đình chuyển thành một tuyến ngang số 21 (Khu đô thị Pháp Vân, Tứ Hiệp-Trần Vỹ) kết nối với tuyến 2A tại 2 ga (Thượng Đình, vành đai 3), cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ ga vành đai 3 đến ga Yên Nghĩa (7,5km).

Tuyến buýt 25: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2-Bến xe Giáp Bát điều chỉnh để đi qua Hào Nam.

Tuyến buýt 90: Kim Mã-Nội Bài kéo dài lộ trình thành Hào Nam-Nội Bài.

Vận hành thử tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào cuối tháng Tư ảnh 1Hà Nội hiện có nhiều tuyến xe buýt đang vận hành kết nối dọc-ngang với tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ngoài ra, có 20 tuyến buýt trùng lộ trình với đường sắt ở quãng ngắn (từ 4 ga trở xuống) sẽ tiếp tục duy trì hoạt động thay vì đổi lộ trình.

Các tuyến này gồm: 105, 19, 22B, 22C, 39, 103, 106, 85, 29, 60A, 05, 44, 60B, 104, 16, 24, 51, 30, 84, 09. Cùng với việc điều chỉnh các tuyến trùng lộ trình, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất tăng thêm các tuyến buýt tại các ga đầu cuối và các tuyến ngang cắt lộ trình đường sắt.

Ga cuối Cát Linh sẽ được kết nối với 5 tuyến buýt: 18, 23, 50, 99 và BRT01. Điểm đầu là Ga Yên Nghĩa sẽ duy trì hoạt động của 12 tuyến buýt: 01, 37, 57, 62, 72, 89, 91,102, CNG02, BRT01, 75 và 213.

Từ Ga Yên Nghĩa, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đề xuất mở mới 5 tuyến buýt trong năm 2019 gồm: Bến xe Yên Nghĩa-Phùng (quý 1/2019); Bến xe Yên Nghĩa-Hoài Đức (quý 1/2019); Bến xe Yên Nghĩa-Miếu Môn (quý 2/2019); Bến xe Yên Nghĩa-Thanh Oai (quý 4/2019); Bến xe Yên Nghĩa-Chúc Sơn-thị trấn Kim Bài (quý 4/2019). 

Bên cạnh đó, dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị 2A sẽ thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt. Sau khi tổ chức lại, toàn tuyến sẽ có 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đề xuất bổ sung 14 nhà chờ xe buýt, nâng tổng số điểm dừng có nhà chờ lên 28.

Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Đông, điểm đầu là Ga Cát Linh, điểm cuối là Ga Yên Nghĩa, có chiều đài 13,05 km, gồm 12 nhà ga trên cao, 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa. Mỗi toa chở được 240 hành khách. Mỗi chuyến chở được 960 hành khách.

Thời gian mở tuyến từ 5 giờ và đóng tuyến vào 23 giờ. Tần suất giờ cao điểm từ 5-6 phút/chuyến. Vận tốc khai thác bình quân là 35km/giờ. Thời gian đi từ đầu tuyến đến cuối tuyến bình quân hết 23 phút. Hành khách lên xuống tàu có thang máy, thang cuốn, thang bộ.

Khi được đưa vào vận hành, tuyến đường sắt đô thị này sẽ đáp ứng tối đa 55-60% nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục