Văn hóa... nhà vệ sinh

"Văn hóa nhà vệ sinh" và "văn hóa tường rào"

Câu hỏi khiến cô nữ sinh Đức tò mò là điều gì thúc đẩy người ta “vào chỗ đó” lại còn “đàm đạo” về đủ thứ trên trời dưới biển?
Những dòng chữ và hình vẽ trong nhà vệ sinh (WC) và trên tường rào (tiếng Anh: graffiti) ở Việt Nam chẳng được tìm hiểu sâu và càng không được coi là một “nét văn hóa”.

Còn ở nước ngoài đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về hiện tượng xã hội này. Trong đó có luận văn tốt nghiệp của một nữ sinh viên Đức.

WC - điểm ”giao lưu”

Nữ sinh viên Katrin Fischer ở Trường Đại học Bonn (Đức) có chủ đề luận văn tốt nghiệp khá “độc” - Bút đàm trong WC: phản văn hóa hay là một cách giao tiếp? Cô còn tổ chức triển lãm những bức ảnh chụp được để phục vụ luận văn và khiến dư luận rất chú ý.

“Nhất thiết phải tè!”, “Giúp tôi có bạn đi nào!”, “Trời cho tất cả cuộc đời mới!”... Có gì mà bạn còn chưa đọc được trên các bức tường và cánh cửa của các WC ở Đức?

Tờ Deutsche Welle nhận xét: Nhà vệ sinh từ lâu không chỉ được dùng theo đúng nghĩa đen mà còn là chỗ để giao lưu. Cho đến nay, hiện tượng này nằm dưới lăng kính phóng đại của các nhà tâm lý học, tình dục học, sư phạm học và cả những người thu thập “phương ngôn WC”. Còn nhà ngôn ngữ học tương lai Katrin Fischer thì quyết định xem xét dưới khía cạnh giao tiếp - ngôn ngữ.

Cơ sự nào dẫn đến đề tài “lạ” của cô sinh viên sắp tốt nghiệp? Hãy nghe Katrin giãi bày: “Cũng như mọi người, tôi thường xuyên ghé thăm WC. Và sự giao tiếp ẩn danh dưới dạng thư tín luôn khiến tôi thấy hứng thú. Cuối cùng, tôi quyết định viết về chủ đề này trong luận văn tốt nghiệp”.

Quyết định rồi, song ăn làm sao, nói làm sao với giáo viên hướng dẫn đây? Liệu ông có bị sốc không? Cô gái cảm thấy đầu gối bủn rủn khi đi gặp giáo sư. Katrin chuẩn bị sẵn phương án bị mời ra khỏi cửa. Nhưng cô lại được nghe câu: “Đề tài quá hay!”. Và vị giáo sư đáng kính ra sức ủng hộ cô học trò có chí sáng tạo.

Katrin không định so sánh những điều khác biệt giữa “văn phong” trong WC nam và nữ. Câu hỏi khiến cô tò mò là nói tóm lại, điều gì thúc đẩy con người ta “vào chỗ đó” lại còn “đàm đạo” với nhau về đủ thứ trên trời dưới biển? Và đây là kết luận của Katrin sau một thời gian tìm hiểu.

Một nữ sinh đi vào chỗ đó để thỏa mãn nhu cầu tự nhiên. Lúc đầu chẳng nghĩ là sẽ viết gì đó lên tường. Nhưng đập vào mắt cô ta vài chữ cảm thán của ai đó, rồi của ai đó nữa. Cô gái thấy mình cũng có cái cần bộc bạch về đề tài nói trên... Rồi cô lấy cây bút sẵn trong túi ra, tham gia cuộc bút đàm ẩn danh. Tại sao lại không nhỉ? Chẳng có gì ràng buộc, chẳng có điều kiện gì áp đặt, chẳng có ai kiểm duyệt...

Một nữ sinh vô danh tâm sự: “Tôi chết khô chết héo vì một thằng cha nhưng hắn cóc ngó tới tôi. Các 'bồ' ơi, phải làm gì nhẩy?”. Chẳng phải đợi lâu, một cô gái khuyên: “Đến 'thú tội' với hắn đi!”. Người khác can: “Đừng, chớ dại! Đàn bà phải kiêu kiêu, ấy ơi!”.

Một nữ sinh khác cầu cứu: “Tôi đang săn một 'boy.' Mách giùm tên nào 'hot' nhất khoa tiếng Anh”. Câu trả lời là một số điện thoại di động. Chẳng biết chủ nhân của số điện thoại đó quả thật là “hot” hay đây chỉ là trò đùa.

Nói gì thì nói, chị em vẫn là chị em. Ngay cả nơi không lấy gì làm sạch sẽ, thơm tho cũng được “trưng dụng” để quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đời người. Không ít chị em còn viết cả thơ, trích dẫn châm ngôn, những câu chuyện cười hóm hỉnh... lên tường WC.

Bình sơn thay cho cửa kính vỡ

Graffiti trong WC nở rộ trong thập niên 80 của thế kỷ 20. Sang thế kỷ 21, hiện tượng này thưa vắng hơn.

Tại một số nước châu Âu, việc viết, vẽ trên tường nhà vệ sinh và tường rào có cơ hội được coi là sáng tạo hợp pháp. Thậm chí chính quyền dành một số bờ tường ở các quận vắng vẻ trong thành phố để cho các “họa sĩ đường phố” thi thố.

Như vậy thì những người thực sự có tài được mở ra cơ hội để tự thể hiện, còn cảnh quan vốn tẻ nhạt ở vùng ngoại vi được tô điểm bằng những bức tranh đầy màu sắc. Với những tay vẽ bậy không có giấy phép thì cảnh sát sẽ hỏi thăm. Có nơi còn mở lớp dạy graffiti cho thanh niên.

Tại những thành phố lớn của Mỹ, người ta dùng camera ghi lại những bức tranh vẽ trên tường rồi gửi về trung tâm xử lý. Các chuyên gia sẽ phân tích hình thức, nội dung. Nếu hình vẽ vi phạm quy chuẩn thì tác giả có thể bị lôi ra tòa. Tại Anh, graffiti từ lâu đã được coi là một môn nghệ thuật, được tôn trọng và được nghiên cứu sâu.

Các nhà tâm lý học và xã hội học cho biết rằng xem xét kỹ graffiti các cơ quan chức năng có thể hiểu được tâm trạng và mối quan tâm của thanh niên thời đại.

Lắng nghe tiếng nói của những người cầm bình sơn viết, vẽ lên tường, chính phủ có thể ngăn ngừa được nhiều biểu hiện phản xã hội và sự hiếu chiến của lớp trẻ, hướng “năng lượng thừa” của một số đối tượng vào những hoạt động vô hại.

Để cho những chàng trai tràn trề sinh lực được tự khẳng định mình và xả stress còn hơn là bỏ mặc họ phá phách, chống lại cộng đồng.

Bình sơn có lợi hơn những ô cửa kính bị đập vỡ là ở chỗ đó./.

(TT&VH Cuối tuần/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục