Văn hóa truyền thống trong lễ hội Katê của đồng bào Chăm

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn diễn ra ở Ninh Thuậnthu hút đông đảo du khách thập phương đến chung vui, tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào nơi đây.
Văn hóa truyền thống trong lễ hội Katê của đồng bào Chăm ảnh 1Hát múa mừng lễ hội. (Ảnh: Đức Ánh/TTXVN)

Ngày 12/10, lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn ở Ninh Thuận chính thức diễn ra thu hút đông đảo du khách thập phương đến chung vui, tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào nơi đây.

Tại tháp Pôklong Girai, các chức sắc tôn giáo người Chăm theo đạo Bà La Môn đã rước y trang lên tháp, mở cửa tháp để tắm rửa, mặc y trang cho vị thần; cầu mong vị thần Pôklong Girai ban sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Katê là lễ hội lớn nhất của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn trong năm, diễn ra từ ngày 11-13/10 (tức ngày 1, 2 và 3 tháng 7 Chăm lịch).

Lễ hội diễn ra trang trọng với những điệu múa uyển chuyển, những lời hát du dương hòa lẫn cùng tiếng kèn Saranai, tiếng trống Paranưng của các thôn nữ và các nghệ nhân Chăm đến từ các vùng thôn quê.

Lễ hội Katê là dịp để đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn ở Ninh Thuận phô bày sắc thái văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Vì vậy, lễ hội Katê không chỉ là dịp để những người dự hội chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của tháp Chăm cổ kính, những sản phẩm của nghề gốm truyền thống đặc trưng mà còn mang đến cho công chúng những tiết mục ca-múa-nhạc dân gian giàu bản sắc văn hóa của dân tộc theo đạo Bà La Môn.

Đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn ở Ninh Thuận hiện có hơn 47.000 người, sinh sống tại 4 huyện, thành phố trong tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục