Kiên cường bám biển

Vẫn kiên cường bám biển khi Tết đến xuân về

Dù đang mùa biển động, nhưng khi Tết đã cận kề, không ít ngư dân ở Đức Trạch, Quảng Bình vẫn ngày đêm bám biển.
Vùng biển Đức Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) tắm mình trong làn mưa xuân lất phất, tiết trời lạnh se sắt vào một sáng cuối năm. Dọc bờ biển vẫn là bãi cát dài trắng mịn, những rặng phi lao xanh mướt phải oằn mình trước gió khi biển trở mình ầm ào, gầm thét.

Dù đang mùa biển động, nhưng khi Tết đã cận kề, mặc cho sóng to, gió lớn, không ít ngư dân ở Đức Trạch vẫn ngày đêm bám biển ra khơi.

Giữa tiếng gầm gừ của biển, trong tiếng gió thổi vù vù, lão ngư Hồ Đăng Oanh - chủ tàu mang số hiệu QB 92411, có thâm niên hơn 40 năm đi biển ở thôn Đông Đức, xã Đức Trạch nói như gào lên, cố át đi tiếng gió biển “Năm ni mất mùa mực, cá không nhiều, làm ăn cũng khó khăn! Cuối năm cuối tháng, tết thì gần tới nơi mà tàu tui hai tháng ni vẫn nằm bờ vì thời tiết thất thường, áp thấp nhiệt đới liên tục. Nhưng chực trời yên biển lặng là sẵn sàng lên đường.”

Đang loay hoay sửa soạn sau khoang lái, anh Hồ Văn Sơn ở thôn Nam Đức, xã Đức Trạch dừng tay tiếp chuyện: “Cứ nghe dự báo thời tiết cấp 7 trở lên thì nằm nhà, khi biển hết động là các tàu ra khơi ngay tức khắc. Tàu tui mới đóng, tiền bỏ ra hơn tỷ bạc, đi được một ban (20 ngày) thì biển động, về nằm bờ cho tới giờ, lãi suất vay mượn đóng tàu cũng không phải thấp. Nghe đài báo biển lặng, tụi tui đang chuẩn bị để mai ra khơi kiếm tiền về ăn Tết!”

Trong không khí rộn ràng khi Tết đến xuân về, khuất sau rặng phi lao cao vút, sóng biển cuồn cuộn, người dân Đức Trạch vẫn gan góc bám biển để mưu sinh, mong đón một cái Tết no ấm, đủ đầy.

Sự hung hãn, dữ dằn của biển như tôi luyện cho sự bền bỉ, dẻo dai của người dân chài nơi đây. Trong làn hơi sương mờ mờ ban sớm, khi vừa canh 4 canh 5, ngư dân một số thuyền có công suất nhỏ đã “cưỡi sóng” ra khơi, để lại trên bờ bãi bao nỗi lo lắng, chờ mong, hy vọng.

Trên bờ, những đống lửa nhen vội của các mẹ, các chị sáng rực lên, đủ sưởi ấm những bàn tay đang cóng lại vì rét. Gió biển phả vào làm cho những que củi nhỏ cháy nhanh hơn.

Bên đống lửa nhỏ, bà Lê Thị Phượng ở thôn Đức Trung cho biết: “Nghề biển thì cực rồi. Tết nhất tới nơi, có cá thì ăn tết to, không thì ăn tết nhỏ, tất cả nhờ cả vô biển. Mùa ni biển động nhưng cá bán được giá. Chồng con tranh thủ đi biển được bữa mô hay bữa đó cháu à. Nghề biển là rứa.”

Lâu lâu, bà lại nhìn đăm đăm ra biển, ánh mắt mong mỏi, hy vọng một điều gì đó từ lòng biển mẹ!

Khuất sau rặng phi lao, xóm chài với những nếp nhà nằm lặng lẽ quay mặt ra phía biển đón gió như chờ mong những tín hiệu vui từ phía biển. Trên bờ, lác đác vài ngư dân tranh thủ sơn sửa những bộ phận của con thuyền đã bị sóng biển bào mòn, làm hư hỏng. Tầm trưa, từng chiếc thuyền đi lộng lại “cưỡi sóng” dữ quay vào bờ để kịp bán những sản phẩm đánh bắt được.

Bên con thuyền nhỏ có thể cảm nhận rõ mùi của biển. Trong bộ đồ nhàu nhò, ướt sũng nước, anh Bùi Sĩ Khánh ở thôn Bầu Bàng chia sẻ: “Mùa đông thường ai có sức khỏe mới đi biển được. Còn mấy ngày nữa là Tết, cầu cho trời yên biển lặng, tôm cá có, mình tranh thủ đi biển, kiếm ít tiền cho vợ con sắm tết thoải mái, mình cũng phấn khởi.”

Chị Liên vợ anh Khách tươi cười tiếp lời: “Bữa ni về được vài trăm, cũng gọi là có. So với năm ngoái, giờ trong nhà sắm sửa đầy đủ đồ tết rồi, năm ni gần tết biển động, biển vời khó khăn nên đi chợ tết muộn hơn.”

Sau hơn hai tháng gác mũi nằm bờ, biển trời dần dịu gió, chủ các tàu cùng bạn ghe tất bật bóc hàng xuống khoang chuẩn bị cho một cuộc hành trình mới. Cái lạnh của những ngày cuối năm không làm giảm đi sự nhanh nhẹn của những người phụ nữ làng chài. Họ hối hả, chăm lo chu đáo từ những bao gạo cho đến từng bánh xà phòng, đảm bảo đầy đủ cho anh em trước khi ra khơi.

Chị Lê Thị Thắm ở thôn Đức Trung, xã Đức Trạch cho biết: “Mỗi đợt tàu ra khơi, chi phí cho các loại hàng hóa, vật dụng tàu mang theo lên đến 50 đến 60 triệu đồng, có khi hơn. Các mặt hàng chủ yếu là gạo, nước, mỳ̀ tôm, rau, thịt, đá, dầu…”

Tại Âu cá sông Gianh, nơi hàng trăm con tàu của ngư dân Đức Trạch và các xã khác trong tỉnh neo đậu trở nên tấp nập. Âm thanh của xe chở dầu, chở đá; người trên bờ kẻ dưới thuyền gọi nhau í ới, tiếng nói cười râm ran hòa vào tiếng máy xay đá rầm rập.

Xa biển đã lâu, giờ đây các ngư dân đang gấp rút chuẩn bị cho một chuyến đi biển dài ngày, hứa hẹn bao hy vọng. “Chuyến ni đi nếu trời lại động thì chạy vô, còn gặp may thì khoảng đến 27, 28 âm là về ăn Tết luôn. Đợt ra khơi gần Tết như ri mong làm có, trước để lấy lại tiền vốn, sau đó là có tiền chia cho thuyền viên, để họ cũng như mình đón Tết vui vẻ, thoải mái” - lão ngư Hồ Đăng Oanh tâm sự.

Ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Trạch cho biết: “Những tháng cuối năm, người dân biển làm ăn vất vả bởi thời tiết động bạo. Nếu năm 2010, sản lượng đánh bắt thủy hải sản đạt gần 8 ngàn tấn thì năm 2011 này chỉ hơn 5 ngàn tấn, đạt 70%. Năm mới Nhâm Thìn đang đến gần, Hội Nông dân cùng Ủy ban Nhân dân xã tích cực vận động bà con ra quân đánh bắt thủy hải sản. Ngư dân Đức Trạch sẽ sớm nhận được sự quan tâm, hỗ trợ trong việc ra khơi đánh bắt thủy hải sản từ quyết định số 48 của Chính phủ. Hiện nay, niềm mong mỏi lớn nhất của ngư dân Đức Trạch là cửa lạch ven sông Lý Hòa sớm được khơi thông, nạo vét; bờ kè phía Nam sông Lý Hòa sẽ được xây dựng để tàu cá của ngư dân có chỗ neo đậu an toàn, đồng thời bảo tồn, phát triển các ngành nghề dịch vụ khác của xã đang dần mai một. Với đội tàu lớn, sức lực lao động dồi dào, chỉ cầu mong cho mưa thuận gió hòa để ngư dân có được một năm đánh bắt đạt hiệu qua.̉”

Một mùa xuân mới lại về với vùng biển Đức Trạch. Dường như một luồng sinh khí mới đang len lỏi trong từng ngôi nhà, trong mỗi con người. Gió đã lặng dần, biển cũng ít gầm gừ, sóng hiền hòa hơn. Trên những con đường dẫn vào thôn xóm, không khí xuân dăng đầy các ngõ.

Dù vẫn còn đó những khó khăn, bộn bề, nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, cùng với sự cố gắng và bản lĩnh của người dân biển, đội tàu Đức Trạch sẽ ngày một vươn khơi, ngày một giàu mạnh. Họ đang gìn giữ, phát triển nghề của ông cha từ ngàn đời và âm thầm góp phần bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc./.

Võ Thị Dung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục