Vang mãi những bản hùng ca anh hùng

Gần 400 người lính già, những thanh thiếu niên của 55 năm trước đã quên mình bảo vệ Thủ đô gặp nhau, hát vang những bài ca cách mạng.
Buổi giao lưu hôm ấy, trong những ngày tháng 10 lịch sử, gần 400 người lính già, những thanh thiếu niên của 55 năm trước (1946 - 2009) đã quên mình bảo vệ Thủ đô gặp nhau cùng tay trong tay, hát vang những bài ca rực lửa cách mạng.

Những lời ca, tiếng hát đã ngấm vào máu, đi sâu vào trong tâm khảm họ suốt hơn nửa thế kỷ qua để ghi lại dấu ấn của một thời kỳ lịch sử - thời mỗi ngôi nhà Hà Nội là một chiến lũy, mỗi người dân cầm vũ khí như các chiến sỹ và những chú bé đường phố năm xưa đã oai dũng trở thành liên lạc viên xuất sắc - “Vệ út”, đóng góp to lớn vào thành công của cuộc rút quân thần thánh của bộ đội Việt Nam.

Chú bé giao liên vinh dự được gặp Bác Hồ

“Vệ út” Nguyễn Ngọc Sơn bồi hồi nhớ lại: Năm 1947, tôi mới 11 tuổi, được phân vào Đại đội Đồng Xuân, phụ trách địa bàn các phố cổ. Bởi tôi phố nào cũng biết, ngõ ngách nào cũng thông nên hàng ngày các cán bộ lãnh đạo của Đại đội yêu cầu tôi dạy từ sớm, để dẫn đi kiểm tra tình hình xây chiến lũy, làm hào giao thông tại các tuyến phố. Chúng tôi luồn lách từ nách nhà này sang nhà khác, qua cả ngã 3, ngã tư dưới tiếng súng Tây, bom đạn nổ liên hồi. Đã mấy chục năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in những ngày khói lửa ấy.

Năm 1951, tròn 14 tuổi, tôi là một trong hai thiếu sinh quân của đoàn đại biểu Mặt trận Liên Việt được thăm Trung Quốc, Triều Tiên. Về nước, chú Hoàng Quốc Việt (phụ trách dân vận và thanh thiếu niên) hỏi có nguyện vọng gì, tôi trả lời: “Giá được gặp Bác một lần...”. “Không ngờ ước mơ ấy trở thành sự thật. Tôi hạnh phúc được ở bên cạnh Bác suốt 13 tiếng đồng hồ”.

Chúng tôi được gặp Bác tại ngôi nhà sàn của Bác ở An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên). Bác kéo chúng tôi ngồi xuống, nhẹ nhàng hỏi hoàn cảnh từng người. Chúng tôi được ăn tối cùng Bác và chú Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Bữa cơm ngon nhất trong những năm kháng chiến với một đĩa nhỏ thịt gà, đĩa cá kho, bát canh rau cải và mấy quả chuối tráng miệng.

Đêm hôm ấy, Bác ngủ chung lán chúng tôi. Sáng hôm sau Bác dậy rất sớm, tập thể dục xong và chuẩn bị đi đâu đó. Chúng tôi cũng gói ghém balô để lên đường về đơn vị. Lúc chia tay, Bác còn cho quà chúng tôi là một nắm cơm nếp ăn đi đường và một tấm ảnh nhỏ chụp Bác đang bón cơm cho một em bé ở an toàn khu.

“Gavroche” trên chiến lũy Hà Nội

Gavroche, nhân vật trong tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của V.Hugo, một chú bé oai dũng, hiên ngang chạy giữa lưới đạn chiến lũy Paris năm xưa. Nghệ sỹ Quang Hưng bắt đầu cuộc đời ca hát bằng công việc như chú bé Gavroche trên chiến lũy Hà Nội ngày Toàn quốc kháng chiến…

Ngày ấy, mới 13 tuổi, Quang Hưng đã nhập vào đoàn chiến binh Hà Nội. Vai đeo bị cơm nắm, bị chai xăng crếp và khoác hàng chục bi đông nước, chú bé Hưng luồn lách như con thoi, chạy đi chạy lại dọc các chiến luỹ trên đường phố để mang nhu yếu phẩm cho bộ đội. Hàng chục năm trôi qua, nghệ sỹ Quang Hưng vẫn giữ lại được chiếc áo nâu thiếu nhi Tháng 8 năm ông mới 13 tuổi. Chiếc áo nâu xinh xinh với khăn quàng đỏ thắm mà Quang Hưng mặc suốt hai tháng tung hoành dọc chiến lũy Hà Nội ngút trời khói lửa... Tấm áo thiếu nhi chằng chịt mụn vá ngày ấy giờ đây đã hóa thành một kỷ vật thiêng liêng của đời anh.

Tưởng như giọng hát Quang Hưng đã được mở ra và khép lại sau 30 năm chiến tranh của đất nước… Nhưng không, giờ đây tuy đã bước vào tuổi "cổ lai hy", Quang Hưng vẫn hát những "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi, "Trường ca sông Lô" của Văn Cao và "Trường Chinh ca" của Lương Ngọc Trác say sưa như thuở ấu thơ dữ dội của chú bé Gavroche Hà Nội năm nào.

Mìn “sâm panh” phá máy bay địch

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chiến trường Hà Nội có thể nói là nơi khó tác chiến nhất, bởi đây là cơ quan đầu não của địch, được canh phòng rất cẩn mật. Vậy mà quân đội Việt Nam vẫn tạo được những trận đánh lớn làm quân thù khiếp đảm như trận đánh phi trường Bạch Mai. Chỉ huy và tham gia trực tiếp trong trận đánh táo bạo này là đại đội trưởng Ngô Huy Biên.

Thiếu tướng Ngô Huy Biên năm nay đã hơn 80 tuổi, nhưng ông vẫn minh mẫn kể lại trận đánh lịch sử ấy: Năm ấy, chỉ huy đặt kế hoạch đánh sân bay Bạch Mai và thành lập một đơn vị đặc biệt gồm 32 chiến sỹ tinh nhuệ nhất từ 3 đại đội. Chúng tôi tự mày mò, huấn luyện và tập với nhau trườn, bò, tránh dây thép gai, hàng rào, đèn chiếu sáng. Khó nhất là vũ khí, bởi ngày đó điều kiện trang bị vũ khí cho bộ đội còn rất khó khăn, trong khi đó mục tiêu đều là những khí tài tối tân ngày đó, có khả năng chống lại những loại vũ khí thông thường.

Nhiều lần trăn trở, mày mò, chúng tôi quyết định thử làm mìn tự chế từ vỏ chai rượu sâm panh. Rồi lấy một chi tiết trong ống khám của y tá để làm kíp hẹn giờ thuốc nổ. Thời đó, trong các anh em chúng tôi, chưa có ai từng nhìn thấy máy bay hình thù thực thế nào, chỉ nhác thấy nó bay trên trời. Cuối cùng chúng tôi tự làm một cái mô hình máy bay bằng nan, tre để tập trèo lên đặt mìn.

Đêm hành động, nhờ tự tập với nhau nhuần nhuyễn, chúng tôi bò cả trăm mét chui qua đường ống cống vào đến tận trong sân bay mà địch không hề hay biết. Chúng tôi đặt mìn vào từng máy bay rồi rút êm. Tiếc là trên đường rút, một đồng chí bị mắc chân vào ống cống không thoát được, sau này bị địch bắt và hy sinh. Sau khi chúng tôi rút quân, hệ thống mìn được kích hoạt tiêu hủy hàng loạt máy bay địch. Trận đánh và phương pháp tác chiến của chúng tôi đã trở thành những bài học mẫu cho bộ đội đặc công sau này./.

Q.V (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục