Đón xuân trong trại giam

Vào trại giam vui xuân cùng những người… lầm lỡ

Đến trại giam Quyết Tiến, Tuyên Quang chúng tôi lâng lâng… say không khí vui xuân mới trong mỗi ánh mắt, nụ cười của người lầm lỡ.
Chúng tôi đến thăm trại giam Quyết Tiến-Bộ Công an, nơi miền sơn cước Sơn Dương, Tuyên Quang trong  buổi chiều  cuối năm mưa phùn, gió bấc. Hai bên đường, những cây đào phai, mận trắng bung nở như cười… gió đông.

Vừa bước xuống cổng trại, chúng tôi như lâng lâng… say không khí vui xuân, náo nức xum họp trong mỗi ánh mắt, nụ cười của những người lầm lỡ.

Họ - những người từng một thời lừng lẫy "giang hồ" giờ đây, bỗng nhỏ nhẹ, khiêm nhường ngồi quây quần bên nhau gói bánh chưng. Các cô gái đầy vẻ vô tư khi ríu rít làm đẹp cho nhau, những bà mẹ trẻ ửng hồng đôi má, duyên dáng ẵm con bên cành đào trổ bông…

Học gói bánh chưng, đợi ngày… về

Quên mất cả nhiệm vụ “tác nghiệp,” chúng tôi như bị lạc lối trong khu vực nhà bếp, nơi các phạm nhân đang gói bánh chưng ăn tết.

Mân mê những chiếc bánh chưng, vuông vức, xanh mướt, thơm mùi hành đỗ được xếp thành những chồng cao, bỗng thấy xúc động và quý cái tài của các anh đến lạ…

Năm nay, tiêu chuẩn của phạm nhân trại Quyết Tiến được ăn một cái tết to, có đủ như câu “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ.” Mỗi người sẽ được ba chiếc bánh chưng, và vì vậy số bánh chưng cần phải gói ăn tết thật “khủng” để phát cho 1300 phạm nhân.

Trên khoảng sân rộng, bày la liệt nếp, thịt lợn, đỗ xanh và những chồng lá dong, lạt mềm nối dài. Nhóm phạm nhân ngồi gói bánh miệt mài, bàn tay nắn nót từng góc cho thật vuông, sắc cạnh. Một nhóm khác, nói cười rôm rả cọ từng chiếc lá dong, rồi nhanh nhảu đón những sản phẩm đặt vào chiếc nồi chung có kích cỗ khổng lồ.

Anh Nguyễn Văn Mạo, 41 tuổi, quê Phú Thọ, bị án ma túy 36 tháng tâm sự: “Đây là cái tết đầu tiên của tôi trong trại, sẽ còn hai cái tết nữa mới được trở về. Giờ gói bánh chưng cho anh em, thấy nhớ vợ con lắm, không biết ở nhà ai gói bánh cho…”

Nhìn một phạm nhân người vùng cao đã qua 8 cái tết trong trại giam- Anh Giàng A Câu, người Lào Cai, bị án ma túy 15 năm lúng túng “xoay sở” buộc chiếc bánh chưng  méo xẹo thật buồn cười. Năm nay anh tập gói bánh chưng  vuông theo kiểu người Kinh...

“Tôi hì hục từ sáng cơ đấy, bánh chưng người Kinh đẹp nhưng khó quá. Tội sẽ cố học gói được bánh để chờ ngày trở về, gói bánh cho vợ con tôi, biết đâu người dân bản cũng sẽ thích đấy. Ngày về còn xa, tết trong này vui nhưng mình chưa quen đâu…”

Chú ý đến một phạm nhân, tóc đã điểm sương gói bánh thật đẹp, ông Nguyễn Thế Thảo, 31 tuổi, án tù tàng trữ vận chuyển ma túy bùi ngùi: “Trước đây, lúc còn ở nhà, tôi gói cho cả họ, ưu tiên cho cô con gái rượu những cái bánh chưng tí hon, hình thù đặc biệt. Buồn lắm, không biết ở nhà có bánh chưng chưa? Ai gói? Ông già mình giờ yếu lắm rồi, chắc cũng ngại chiều cô cháu gái…”

Nhìn đám phạm nhân trẻ tranh phần ngồi cạnh các anh, các chú chăm chú học gói bánh chưng, vui chẳng khác hội thi gói bánh ở làng ngày tết.

Cảm giác niềm tin của sự sám hối,  hướng thiện trước sự thành thật của họ: “Ngày trước  chẳng bao giờ quan tâm đến bánh chưng, hương tết gia đình, chỉ ham vui bạn bè. Ở trong này, mới thấy mình thật vô tâm, giờ học gói bánh chưng dù quá muộn nhưng vẫn còn ngày về…”

Và… chuyện làm đẹp đón tết

Như thường lệ, nhiều người đời vẫn nghĩ những người từng “vào tù ra khám” họ có tâm lý cánh cửa tương lai đã đóng, khép lại niềm vui sống.

Được tận mắt chứng kiến, niềm háo hức của người tù khi xuân về, những cô gái vẫn như trẻ được mặc áo mới, chải tóc, thoa phấn làm điệu. Những  cậu thanh niên tỉa tót… râu tóc cho nhau... mới biết được rằng, những người lầm lỡ vẫn còn có cơ hội, muốn làm lại những thương yêu cho bản thân và người xung quanh.

Chiều đã muộn, một ngày sản xuất mệt nhoài nhưng những người phụ nữ trong trại giam vẫn cố nán lại, xếp hàng bên chiếc ô bé như mặt người để mua chiếc kẹp tóc, cây lược, bánh phòng thơm… Đó là phòng căn tin bán những món đồ sinh hoạt trong trại - nơi mà các phạm nhân vẫn tếu táo nhưng đầy biết ơn: Chúng em vì lầm lỡ, không còn quyền công dân, nhưng vẫn còn có “chợ tết” để sắm sửa những món đồ nhỏ để làm duyên, nhỏ nhưng đầy ý nghĩa.

Nữ phạm nhân trẻ, tên Mỵ ở Điện Biên, án ma túy 14 năm tù phấn khởi cầm đôi giày xinh xắn màu hồng bước xuống từ ô cửa căng tin, xúc động: “Năm nay, trời rét, bố mẹ em đã già yếu không xuống thăm được, em buồn lắm. Khóc mấy đêm nay rồi, chị em trong phòng an ủi bằng cách góp tiền lại để em mua đôi giày mơ ước đã lâu, coi như có quà tết của gia đình…”

Ngoài những hạnh phúc làm điệu cho nhau của phạm nhân nữ, những nam phạm nhân bề ngoài khô cứng, lầm lì là thế vẫn quan tâm nhau như cha-con, anh-em, bằng hữu.

Bên thềm vắng, buổi trưa yên tính, phạm nhân Hoàng Xuân Hòa, quê Hà Giang, án ma túy 13 năm tù đang “múa kéo” cắt tóc cho bạn tù. Anh kể, trước đây anh làm nghề cắt tóc ở huyện, chỉ vì một phút nông nổi, nghe theo lời xúi bẩy anh bán linh hồn mình cho… nàng tiên nâu.

Từ khi vào trại, anh trở thành người cắt tóc cho phạm nhân nam và cả cho quản giáo, vì điều kiện trại ở nơi héo hút, cách trở.

Hòa tâm sự: “Nghĩ cuộc đời mình không còn cơ hội được cầm cây kéo, nhưng trong này, anh em vẫn quý mến tay nghề của mình. Đến tết rồi, anh em ai cũng phải có đầu đẹp, gọn gàng, mình cắt luôn tay 10 phút/ đầu mà e không kịp…”

Nhưng với chúng tôi, những người xa lạ đến đây, sẽ nhớ rất sâu mặc thời gian trôi, về hình ảnh những đôi bạn tù dội từng gáo nước gội đầu, cọ lưng cho nhau. Tình thương, sự gần gũi có vẻ gắn với tình mẫu tử, chị em gái. Nhưng ở đây, họ vẫn làm cho nhau dạn dĩ và tự nhiên- khi vẫn là những người đàn ông, mà một thời ngang dọc…

Bài 2: Tâm sự ngày Tết của những "mẫu sắc" ở trại giam

Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục