“Vẫy vào vô tận”: Cuộc hạnh ngộ với 17 nhà văn hóa

“Vẫy vào vô tận” khắc họa chân dung 17 nhà văn hóa có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của con đường học thuật và tư tưởng Việt Nam.
“Vẫy vào vô tận”: Cuộc hạnh ngộ với 17 nhà văn hóa ảnh 1Học giả Nguyễn Văn Vĩnh (Ảnh: NXB Phụ nữ cung cấp)

Chân dung 17 nhà văn hóa, nhà nghiên cứu có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của con đường học thuật và tư tưởng Việt Nam được nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy khắc họa trong tập tùy bút chân dung “Vẫy vào vô tận.”

Cụ thể, đó là chân dung của Phạm Quỳnh - một “Ngọn gió Nam,” người đặt nền móng cho cuộc đối thoại Đông-Tây ở nước ta đầu thế kỷ XX; là chân dung của Nguyễn Trường Tộ - nhà văn hóa tiêu biểu cho những “nghịch lý canh tân”… Tác giả Đỗ Lai Thúy chỉ ra bi kịch của Nguyễn Trường Tộ là bi kịch của “người viễn kiến.”

Bên cạnh đó, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy còn dựng lại chân dung của nhiều học giả, nhà văn hóa khác như: Nguyễn Văn Trung - một nhà trí thức có thái độ dấn thân đặc biệt, Đặng Tiến với “Những vũ trụ thơ” độc đáo…

Đối với từng nhân vật, tác giả còn cung cấp cho độc giả một tiểu sử vắn tắt, danh mục các tác phẩm, những đoạn trích dẫn các công trình nghiên cứu của họ; giúp người đọc hiểu hơn về tư tưởng học thuật, tầm vóc tư duy của những con người tài năng ấy.

Tác giả chia sẻ, ông dựng lại chân dung của 17 nhà tư tưởng, nhà văn hóa theo lối nhìn nghiêng, đi sâu vào khai thác chiều siêu thức, tâm linh; để từ đó làm nổi bật cái “tâm,” cái “tài” và cái “thần” của những nhân vật này. Mỗi người có một phong cách, cá tính riêng nhưng tất cả cùng hòa chung một điệu, thể hiện quá trình vận động của tư duy dân tộc.

“Vẫy vào vô tận”: Cuộc hạnh ngộ với 17 nhà văn hóa ảnh 2Một phần bìa cuốn sách (Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ cung cấp)

Nhan đề “Vẫy vào vô tận” được lấy tứ từ câu thơ “Giơ tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai” của Phạm Hầu trong tác phẩm “Vọng Hải Đài.” Chân dung mỗi nhà văn hóa, nhà tư tưởng được tác giả xem như một cái vẫy tay vào vô tận, “nhưng là cái vẫy tay của người bay ở chân trời.”

Tập sách do Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành tháng 6/2014./.

Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy sinh năm 1948. Hiện nay, ông sống và làm việc ở Hà Nội.

Một số tác phẩm đã xuất bản của tác giả Đỗ Lai Thúy: “Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật” (Nhà xuất bản Văn hóa-thông tin, 2000), “Chân trời có người bay” (Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, 2002), “Bút pháp của ham muốn” (Nhà xuất bản Tri thức, 2009)…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục