Vay vốn bằng ngoại tệ: Doanh nghiệp e ngại tỷ giá

Lãi suất cho vay VND tăng quá cao khiến nhiều doanh nghiệp tính tới việc chuyển sang vay vốn bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, rủi ro tỷ giá thêm một lần nữa đang là nỗi “ảm ảnh” của các doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp, rủi ro tỷ giá nhiều khi còn đáng ngại hơn phải chịu lãi suất cao. Theo các doanh nghiệp, tỷ giá luôn biến động bất ngờ, nằm ngoài khả năng tính toán của họ.
Lãi suất cho vay VND tăng quá cao khiến nhiều doanh nghiệp tính tới việc chuyển sang vay vốn bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, rủi ro tỷ giá thêm một lần nữa đang là nỗi “ảm ảnh” của các doanh nghiệp.

Khó thành xu hướng

Từ đầu tháng Ba tới nay, nhiều ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động USD để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đang tăng lên. Lãi suất huy động USD tăng cao nhất thuộc về Ngân hàng Thương mại cổ phần HDBank.

Ngân hàng này vừa tăng thêm 0,1-0,45%/năm, nâng mức lãi suất gửi tiền tiết kiệm bằng USD lên tới 4,8%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn trên chín tháng.

Ngân hàng Á Châu (ACB) tăng lãi suất lên 4,2% cho kỳ hạn 36 tháng, Ngân hàng Đông Á là 4,5%/năm cho kỳ hạn 24 tháng...

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện mức lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại nằm trong khoảng từ 2,3-4,5%/năm tùy vào kỳ hạn, lãi suất cho vay USD từ 5,5-8%/năm.

Trong khi đó, lãi suất cho vay VND đang dao động trong khoảng 15-18%/năm. Do vậy, nhiều doanh nghiệp tính tới chuyện vay vốn bằng ngoại tệ.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ACB cho biết, lãi suất cho vay VND và USD có mức chênh lệch quá lớn, gần 10%. Do đó, một số doanh nghiệp đã chuyển sang vay ngoại tệ, chủ yếu là USD vì các ngân hàng cũng chỉ huy động được USD.

Theo ông Toại, các doanh nghiệp cho rằng, tháng 2/2010, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thêm khoảng 3% làm cho giao dịch bên trong hệ thống ngân hàng và ngoài thị trường tự do ngang nhau. Do vậy, tỷ giá ít có khả năng tăng đột biến trong những tháng tới. Vì thế doanh nghiệp chuyển sang vay vốn bằng USD.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng vay được ngoại tệ. “Để hạn chế sự biến động của tỷ giá, các ngân hàng thương mại chủ yếu “xem xét” những doanh nghiệp xuất khẩu, có nguồn thu ngoại tệ mới cho vay,” ông Nguyễn Thanh Toại cho biết.

Theo ông Phạm Thanh Hà, Giám đốc kinh doanh ngoại hối Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), "vay vốn bằng ngoại tệ có tăng nhưng chưa thành xu hướng vì không phải doanh nghiệp nào cũng vay được ngoại tệ. Doanh nghiệp phải có bộ hồ sơ xuất nhập khẩu ngân hàng mới giải ngân.”

Theo ông Hà, xu hướng chuyển sang vay vốn bằng ngoại tệ sẽ không diễn ra ồ ạt vì nhiều doanh nghiệp vẫn e ngại sự biến động của tỷ giá.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro


Đối với các doanh nghiệp, rủi ro tỷ giá nhiều khi còn đáng ngại hơn phải chịu lãi suất cao. Theo các doanh nghiệp, tỷ giá luôn biến động bất ngờ, nằm ngoài khả năng tính toán của họ.

Ông Mai Huy Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đức Việt cho biết: “Nguồn vốn VND hiện nay khan hiếm, chúng tôi muốn vay 10 tỷ đồng nhưng ngân hàng chỉ giải ngân một nửa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng vay 400.000 USD để nhập khẩu máy móc với lãi suất 6,5%/năm.”

Theo ông Tân, doanh nghiệp có thể “chịu được” mức lãi suất vay ngoại tệ hiện nay, nhưng vay ngoại tệ luôn đi kèm với rủi ro tỷ giá, đây là vấn đề đáng lo ngại nhất vì không thể tính được.

“Vay ngoại tệ thì phải có nguồn thu để trả cho ngân hàng. Đối với những doanh nghiệp xuất khẩu thu ngoại tệ về thì không sao. Với chúng tôi, sản phẩm bán trong nước thì rủi ro tỷ giá thực sự là vấn đề đáng lo ngại. Do vậy, chúng tôi chỉ dám vay đủ để nhập những thiết bị cần thiết phục vụ sản xuất. Còn vay VND cũng không dám vay dài hạn vì lãi suất tương đối cao”, ông Tân cho biết thêm.

Cùng quan điểm trên, ông Đào Trọng Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Aprocimex cho rằng: “Biến động của tỷ giá rất khó lường, thường tăng bất ngờ. Hơn nữa, muốn vay được ngoại tệ phải có bộ hồ sơ xuất khẩu. Hiện nay, chúng tôi hạn chế vay vốn cả VND và USD vì lãi suất VND cao, còn vay bằng ngoại tệ “chẳng may” tỷ giá tăng đột ngột thì doanh nghiệp chỉ có nước “chết đứng,” ông Lý phân tích.

“Các doanh nghiệp mong muốn có một cam kết ổn định từ các nhà làm chính sách, để doanh nghiệp yên tâm sản xuất lâu dài,” ông Lý bày tỏ.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty thực phẩm Asia Food, trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp vay vốn ngoại tệ rất cầm chừng. Thực tế, lãi suất cao, tỷ giá biến động, chi phí đầu vào như giá điện, xăng... tăng đẩy giá thành tăng đáng kể, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

“Chúng tôi đang bị các đối tác nước ngoài xem xét lại hợp đồng vì chào giá cao hơn so với các nước khác. Đó là vấn đề đáng lo ngại không chỉ riêng với chúng tôi mà các doanh nghiệp khác cũng đang gặp phải,” ông Tấn khẳng định.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian gần đây, thị trường ngoại hối đã có những chuyển biến tích cực hơn. Lượng ngoại tệ các ngân hàng mua được từ khách hàng bắt đầu tăng lên, do vậy trạng thái của hệ thống ngân ngân hàng thương mại đã ở mức dương. Hiện tỷ giá niêm yết mua, bán VND/USD của các ngân hàng thương mại phổ biến quanh mức 19.080/19.100 đồng/USD./.

Hữu Vinh (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục