VBMA: Sẽ có trung tâm thông tin trái phiếu cho DN

Thị trường trái phiếu Việt Nam đã những bước phát triển nhanh cả về chất và lượng trong thời gian qua, với quy mô tăng trưởng chiếm tỷ  trọng khoảng 20,5% GDP và được đánh giá là thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất trong các quốc gia mới nổi ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2012.

Đồng hành cùng sự phát triển của thị trường, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã có những đóng góp to lớn trong việc là cầu nối quan trọng giữa các thành viên tham gia thị trường với các nhà quản lý và hoạch định chính sách, chung tay góp sức phát triển thị trường ngày càng chuyên nghiệp và minh bạch, tiếp cận dần tới các chuẩn quốc tế.
Thị trường trái phiếu Việt Nam đã những bước phát triển nhanh cả về chất và lượng trong thời gian qua, với quy mô tăng trưởng chiếm tỷ trọng khoảng 20,5% GDP và được đánh giá là thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất trong các quốc gia mới nổi ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2012. Đồng hành cùng sự phát triển của thị trường, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã có những đóng góp to lớn trong việc là cầu nối quan trọng giữa các thành viên tham gia thị trường với các nhà quản lý và hoạch định chính sách, chung tay góp sức phát triển thị trường ngày càng chuyên nghiệp và minh bạch, tiếp cận dần tới các chuẩn quốc tế. Nhân dịp Đại hội nhiệm kỳ 2 của VBMA, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn riêng với ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội về triển vọng của thị trường trái phiếu Việt Nam cũng như nhiệm vụ mới của VBMA trong thời gian tiếp theo. - Hiệp hội là gắn với thị trường, là tiếng nói của các thành viên tham gia thị trường. Vậy, trong thời gian qua Hiệp hội đã làm được gì trên vai trò là cầu nối giữa thị trường và cơ quan quản lý?Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Mặc dù thời gian 4 năm chưa phải là dài, nhưng  VBMA cũng đã đạt được một số kết quả khích lệ trong nhiệm kỳ 1 và bước đầu khẳng định được vai trò của mình đối với sự phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam. Điều này được thể hiện bằng việc Hiệp hội đã thực hiện tốt vai trò phản biện và xây dựng chính sách cùng thị trường. VBMA đã tổ chức các buổi đối thoại chính sách định kỳ hàng quý giữa các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…) với các hội viên thị trường. Ngoài ra, VBMA cũng có nhiều chương trình đào tạo trong và ngoài nước về kỹ thuật phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm cấu trúc trái phiếu cũng như các vấn đề cơ bản về hoạt động của thị trường trái phiếu... Cùng hoạt động phát triển thị trường, VBMA đã xây dựng và ban hành Bộ Tài liệu Quy tắc ứng xử về giao dịch trái phiếu, xây dựng Bộ Quy ước thông lệ thị trường, xây dựng và triển khai thực hiện thỏa thuận giữa các nhà tạo lập thị trường nhằm cung cấp giá trái phiếu chuẩn và tăng tính thanh khoản cho thị trường. Có thể nói, VBMA đã hoàn thành nhiệm vụ kết nối giữa các thành viên và các cơ quan quản lý đồng thời thể hiện vai trò đồng hành tích cực cùng quá trình phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam. Do đó, VBMA đã được Bộ tài chính tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng trung tâm thông tin cho trái phiếu doanh nghiệp. Trung tâm này sẽ tổng hợp và xử lý cơ sở dữ liệu một cách tập trung, thực hiện các báo cáo phản ánh hoạt động của thị trường cho nhà đầu tư, cơ quan quản lý cùng các thành phần tham gia thị trường nắm bắt. - Ông đánh giá quy mô của thị trường trái phiếu Việt Nam so với các nước trong khu vực và thách thức đặt ra trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều gập gềnh?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Thị trường trái phiếu Việt Nam đã có những bước phát triển nổi bật trong vòng vài năm trở lại  đây, theo Ngân hàng ADB đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất trong các quốc gia mới nổi ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2012 với mức tăng trưởng 42,7%. Song, mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn ở mức khá nhỏ, với tỷ  trọng chiếm khoảng 20,5% GDP (quý I/2013). Đây là con số khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (tỷ trọng thị trường trái phiếu tại Singapore, Malaysia, Thái Lan tương ứng là 89% GDP, 105% GDP và 79,3%GDP). Thêm vào đó, cơ cấu loại trái phiếu trên thị trường hiện chưa đồng đều, khi mà trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm tỷ trọng  lớn 96,5% so với trái phiếu doanh nghiệp 3,5%. Theo tôi, để đạt được mục tiêu tăng trưởng thị trường lên mức 38% GDP đến năm 2020 (theo Lộ trình phát triển thị trường đến năm 2020), trước hết các nhà quản lý cần phải nhìn nhận các hạn chế và thách thức của thị trường, từ đó tìm ra các giải pháp thích hợp để phát triển nhằm đưa trái phiếu thành kênh dẫn vốn an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế. Hạn chế của thị trường trái phiếu Việt Nam nằm ở chỗ, quy mô thị trường còn nhỏ so với các quốc gia trong khu vực đồng thời trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm tỷ trọng chi phối. Sản phẩm trái phiếu chưa đa dạng, còn đơn điệu (chủ yếu là các trái phiếu trả lãi định kỳ, cơ cấu các dải kỳ hạn dưới 10 năm, trong đó thanh khoản tập trung tại các kỳ hạn dưới 3 năm) và hầu như không các sản phẩm phái sinh cho trái phiếu. - Quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ tăng xấp xỉ 1,7 lần (tính tại thời điểm 30/6/2013 so với thời điểm đầu năm 2010), song bên cạnh đó nhà đầu tư nói riêng và xã hội nói chung đang khá băn khoăn về hiệu quả sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Hiệp hội có những kiến nghị đóng góp về vấn đề này?Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Trái phiếu Chính Phủ được phát hành nhằm mục đích chính là bù đắp thâm hụt ngân sách, tài trợ cho các dự án, công trình quan trọng của quốc gia. Nhưng xét từ góc độ thị trường thì về một mặt nào đó, tình trạng sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ hiện chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Áp lực phát hành trái phiếu Chính phủ thành công ở mức cao cũng đã ảnh hưởng đến giá cả của trái phiếu và làm tăng chi phí huy động vốn của Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ cần tiến hành những thay đổi trong cách điều hành, phân bổ nguồn vốn trái phiếu cũng như cải thiện hiệu quả, chất lượng của các dự án sử dụng nguồn vốn này, điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng nợ quốc gia mà quan trọng hơn là hướng đến sự ổn định, bền vững của nền kinh tế trong dài hạn. - Trái phiếu doanh nghiệp huy động đã khó (quy mô thị trường Trái phiếu doanh nghiệp giảm 28,6%, hiện quy mô còn gần 22 nghìn tỷ đồng), trong khi việc sử dụng vốn cũng như quản trị doanh nghiệp vẫn còn rất yếu, vậy theo ông cần có những giải pháp cụ thể nào để giúp thị trường trái phiếu thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trong giai đoạn tiếp theo này?Ông Đỗ Ngọc Quỳnh:Theo tôi, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp ngoài việc xây dựng cơ cấu tài chính bền vững, hoạt động hiệu quả thì phải coi minh bạch thông tin như là điều kiện bắt buộc trong quá trình cạnh tranh thu hút nhà đầu tư tìm đến với trái phiếu của mình. Để phát hành thành công, doanh nghiệp cần xây dựng cấu trúc trái phiếu một cách linh hoạt, phù hợp với "khẩu vị" rủi ro của nhà đầu tư để hấp dẫn hơn (có biện pháp đảm bảo cho trái phiếu bằng tài sản hoặc bảo lãnh của tổ chức tín dụng). Thêm vào đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các chính sách thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, phát triển và đa dạng hóa đối tượng, loại hình nhà đầu tư trái phiếu trên thị trường, tránh tình trạng phần lớn nhà đầu tư là các ngân hàng thương mại như hiện nay. Về kỹ thuật, cơ quan quản lý cần có các chính sách để đẩy mạnh và phát triển thị trường trái phiếu thứ cấp, nâng cao tính thanh khoản cho trái phiếu, thành lập đơn vị định hạng tín nhiệm có uy tín chịu trách nhiệm định hạng cho các doanh nghiệp làm cơ sở để các nhà đầu tư thuận lợi khi xem xét đầu tư. - Ông cho biết, VBMA đặt ra những định hướng trọng tâm nào cho hoạt  động của mình nhiệm kỳ tới?Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Trước sự biến động không ngừng của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và trên thế giới, VBMA đang đứng trước cả thời cơ lẫn khó khăn, thách thức. Trong nhiệm kỳ 2, VBMA sẽ tập trung phát triển các hoạt động đi vào chiều sâu, hỗ trợ thiết thực cho sự phát triển của thị trường trái phiếu và dần đưa vị thế của VBMA xứng tầm của một hiệp hội ngành nghề chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Một số nhiệm vụ trọng tâm đặt ra, như tiếp tục hoàn thiện và nâng cao năng lực thể chế của hiệp hội, triển khai mạnh mẽ các hoạt động phát triển thị trường, liên kết chặt chẽ hơn các cơ quan quản lý và các thành viên trên thị trường, nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thị trường trái phiếu Việt Nam, đặc biệt là hệ thống thông tin. Xin cảm ơn ông!
Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam nhiệm kỳ 2 (2013 -2016)  bầu ra Ban chấp hành gồm 21 ủy viên, trong đó ông Hoàng Huy Hà tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch VBMA và ông Đỗ Ngọc Quỳnh là Tổng thư ký VBMA.

Hiệp hội hiện có 34 thành viên chính thức là các ngân hàng, công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và 16 hội viên liên kết là các định chế tài chính nước ngoài đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục