Cầu nối Việt-Nhật

VCCI - cầu nối hợp tác các doanh nghiệp Việt-Nhật

Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI về triển vọng hợp tác hai nước Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới.
Nhật Bản đang là quốc gia đứng đầu các nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, đồng thời là nước cung cấp vốn ODA nhiều nhất cho Việt Nam với khoảng 24 tỷ USD, chiếm hơn 30% tổng cam kết viện trợ cho Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, phóng viên "Kinh tế Việt Nam & Thế giới" (TTXVN) đã phỏng vấn tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại việt Nam (VCCI) về triển vọng hợp tác hai nước trong thời gian tới.

- Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về quan hệ kinh tế hai nước trong thời gian qua?

Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc: Trong 40 năm qua, quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Việt Nam đã phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đặc biệt là mở rộng đầu tư của khối doanh nghiệp vào thị trường hai nước.

Nhật Bản dành cho Việt Nam trong các lĩnh vực ODA, phát triển hạ tầng, hợp tác phát triển, kinh tế, thương mại, đầu tư… Hai bên đang tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực trọng điểm, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Quan hệ kinh tế giữa hai nước đang phát triển theo chiều sâu, vốn FDI của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong những năm gần đây rất lớn. Riêng năm 2012, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, chiếm khoảng gần 50% tổng số vốn FDI vào Việt Nam.

Các dự án FDI của Nhật vào Việt Nam đều có những thay đổi tích cực, hiệu quả về chất của các dự án. Hiện có một lượng lớn FDI từ Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là các khu đô thị sinh thái và phát triển hạ tầng.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đang hướng tới thị trường Việt Nam. Đây là sự dịch chuyển cơ cấu của các dự án FDI Nhật Bản vào Việt Nam.

Thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng tăng liên tục. Nhật Bản là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ 3 sang thị trường Việt Nam đứng sau Trung Quốc và Hàn Quốc trong năm 2012.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Nhật Bản là hàng dệt may, dầu thô, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ… Trong khi các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam gồm máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác, sắt thép các loại, chất dẻo nguyên liệu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…

Tuy nhiên, trị giá buôn bán hai chiều giữa Việt Nam với Nhật Bản chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nhật Bản (xấp xỉ 1%). Tôi cho rằng trong những năm qua, mặc dù Nhật Bản luôn được xác định là thị trường truyền thống đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhưng kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hai bên .

- Trong quá trình triển khai, doanh nghiệp hai nước đã gặp những vướng mắc, trở ngại gì cần tháo gỡ?

Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc: Hiện nay, việc thu hút và quản lý dòng vốn FDI tại Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa hồi phục, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng trở nên gay gắt.

Nhật Bản lại đang chuyển dịch và mở rộng đầu tư trực tiếp sang các nước châu Á khác nên Việt Nam cần có chiến lược thu hút đầu tư thông qua cạnh tranh, nếu không sẽ đánh mất sức hấp dẫn cũng như cơ hội thu hút đầu tư.

Qua trao đổi với các doanh nghiệp Nhật Bản họ cho rằng Việt Nam đã cải thiện thủ tục cấp phép đầu tư tại một số địa phương nhưng sự cải thiện này chưa được triệt để trên toàn quốc, ở một số dự án, một số sản phẩm, một số thủ tục thẩm định, đăng ký còn kéo dài…

Nguyên nhân được phía bạn đưa ra chính là do một số quy định pháp luật và quy chế thay đổi thường xuyên, thiếu sự điều chỉnh từ các cấp chính quyền có liên quan hoặc được hiểu và áp dụng không thống nhất… dẫn đến sự bất an trong môi trường đầu tư.

Do vậy họ kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần có cơ chế để các doanh nghiệp nước ngoài có thể triển khai các dự án theo đúng tiến độ quy định của luật pháp và hoàn thành theo đúng kế hoạch. Ngoài ra, những bất cập về cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng công nghiệp, dịch vụ tiện ích như điện, khí đốt, nước vẫn chưa làm hài lòng các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hơn nữa, các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu lớn các linh kiện, nguyên vật liệu từ các ngành công nghiệp phụ trợ nội địa và mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nhiều hơn về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất để giúp các ngành công nghiệp phụ trợ thành công trong sản xuất, kinh doanh.

Họ cũng cho rằng các vấn đề như bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, việc thực hiện các biện pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, cũng như việc tái cơ cấu ngành ngân hàng cần thực hiện triệt để hơn, nhanh hơn và quyết liệt hơn để tạo ra một môi trường mang tính cạnh tranh hơn.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình làm ăn kinh doanh với thị trường Nhật Bản cũng có nhiều thách thức phải vượt qua. Trước tiên đó là hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa, thị trường Nhật Bản và phong cách làm việc, giao dịch.

Có thể kể đến những khó khăn liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật đặc thù của Nhật Bản, ở cả tiêu chuẩn công nghiệp và tiêu chuẩn nông nghiệp, hệ thống phân phối khá phức tạp, qua nhiều cầu, đại lý bán buôn bán lẻ của Nhật Bản. Chi phí xúc tiến thương mại, điều tra thị trường ở Nhật Bản cũng rất cao.

Bên cạnh đó là những rào cản kỹ thuật với hàng thực phẩm theo yêu cầu của Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định hàm lượng nội địa...

Ngoài ra, việc thiếu thông tin cũng như kinh nghiệm kinh doanh với thị trường Nhật Bản, sự cạnh tranh trực tiếp từ các nước ASEAN... cũng khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa mạnh dạn kinh doanh với thị trường này.

- Vậy VCCI đề ra những mục tiêu, định hướng cũng như kế hoạch gì để thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế-thương mại hai nước trong thời gian tới?

Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc: Đầu tư nước ngoài đang chiếm tỷ trọng vô cùng quan trọng với nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây và hiện đang đứng đầu các nước có nguồn vốn FDI ở Việt Nam, đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đều là những dự án có chất lượng và đem lại hiệu quả cao.

Việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp sản xuất nguyên liệu cơ bản, công nghiệp hỗ trợ… và đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao nhằm tăng cường năng lực sản xuất và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là hết sức cần thiết trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Vì vậy, theo tôi Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và các điều kiện hạ tầng cần thiết, đồng thời quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng để tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Quan trọng hơn, Việt Nam cần có những thay đổi cần thiết để đáp ứng được nhu cầu về không gian phát triển cho đầu tư từ Nhật Bản, trở thành thị trường cửa ngõ để Nhật Bản tiếp cận rộng hơn khu vực thị trường ASEAN và Tây Nam Trung Quốc,

Trong thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục tăng cường kết nối với các hiệp hội và địa phương của Nhật Bản nhằm nâng cao hiệu quả của các mô hình hỗ trợ chuyên biệt cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Bên cạnh đó, tăng cường trao đổi, nghiên cứu thị trường để tìm ra bước đi thích hợp cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Nhật Bản để tận dụng lợi thế và thành quả của quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư giữa hai nước theo hướng gia tăng về số lượng và giá trị hàng hóa, đáp ứng ngày càng cao hơn nhu cầu của thị trường Nhật Bản.

Tôi xin nhấn mạnh rằng với tiềm năng to lớn của mình cùng với định hướng quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản, nền kinh tế và các doanh nghiệp Nhật Bản hoàn toàn có điều kiện thuận lợi trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Thu Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục