Vẽ bản đồ dãy núi lớn dưới lớp băng Nam cực

Lần đầu tiên các nhà khoa học đã xây dựng được bản đồ chi tiết những dãy núi kỳ vĩ nằm sâu hàng nghìn mét dưới lớp băng vĩnh cửu khổng lồ ở Nam cực.

Lần đầu tiên các nhà khoa học đã xây dựng được bản đồ chi tiết những dãy núi kỳ vĩ nằm sâu hàng nghìn mét dưới lớp băng vĩnh cửu khổng lồ ở Nam cực.

Hình ảnh chụp được của một trong số những dãy núi cao nhất, nằm ở vị trí trung tâm của lục địa băng, gần giống với dãy Alps ở châu Âu, với những vách đá dựng đứng, những sườn núi bậc thang và các thung lũng bằng phẳng ở bên dưới.

Công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học "Tự nhiên" (Nature) của Anh ngày 4/6 cho biết các nhà khoa học đã sử dụng tín hiệu radar để đo kích thước các dãy núi nằm dưới khu vực Gamburtsev ở Nam cực, trong đó đỉnh cao nhất là 2.434m so với mặt nước biển.

Hình dáng các dãy núi này cho thấy chúng được hình thành từ cách đây hơn 34 triệu năm.

Việc dưới lớp băng của Nam cực tồn tại một dãy núi đã được biết đến từ lâu vì bằng mắt thường, con người có thể thấy bề mặt Nam cực nhô lên như một mái vòm.

Giáo sư Martin Siegert thuộc Trường đại học Edinburgh, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu khoa học trên, cho biết trước đây, vào năm 1970, các nhà khoa học đã từng dùng radar để vẽ bản đồ dãy núi dưới bề mặt Nam cực, song kết quả không gây nhiều chú ý.

Trong lần khảo sát mới này, các nhà khoa học và nhà thám hiểm đã tiến hành nhiều đợt khảo sát từ năm 2004 - 2008, sử dụng nhiều loại thiết bị radar đo, vẽ trên địa hình mạng nhện trải rộng 30km vuông.

Hiện nay, vào mùa Đông, nhiệt độ ở Nam cực có thể xuống đến âm 90 độ C và một số nơi các lớp băng dày đến 3km./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục