Trở về Đồng Lộc

Về Đồng Lộc: Được gặp 10 chị bên hoa trắng ngời

Đã như được gặp 10 chị trong rưng rức hoa trắng. Nhưng trở về, viết mãi khó thành bài. Đâu đây có hương bồ kết, có nụ cười đôi mươi...
Một buổi trưa Hà Tĩnh rất nắng, chúng tôi được có mặt bên mộ phần của 10 chị. Một màu hoa trắng rưng rức cả trước mắt lẫn trong lòng người. Các chị đã nằm lại với tuổi đôi mươi cùng bao nhiêu ước vọng dở dang. Ước vọng chung lớn nhất của các chị là hòa bình, thống nhất đất nước thì chúng tôi đã được sống và an hưởng trọn vẹn. Còn các chị đi xa, mấy hôm nữa là tròn 43 năm.
10 ngôi mộ hoa trắng, thơm hương bồ kết 10 ngôi mộ đều có những chiếc gương, chiếc lược xinh xinh, với những quả bồ kết mới nướng thơm lừng được người người đến viếng thật nhẹ nhàng đặt trước mỗi tấm bia. Ai cũng nghĩ sau đó các chị sẽ dùng để chứng giám cho lòng thành của những người đã về bên các chị. Câu chuyện về các chị đã sống đã hy sinh thế nào, mỗi chúng tôi đã từng nghe. Lời người hướng dẫn viên ở đây cũng đã giúp chúng tôi nhớ lại về các chị-10 cô gái Đồng Lộc luôn khiến cả đất nước nghiêng mình. Kể lại chiến công và sự hy sinh của các chị là một việc làm cần thiết nhưng cũng rất dễ thành lặp lại các bài báo của đồng nghiệp, nên khi ngồi trước bàn phím máy tính, tôi chỉ muốn cúi đầu và... khóc. Trên mạng Internet chỉ cần tìm cụm từ “Ngã ba Đồng Lộc” hay “10 cô gái Đồng Lộc” là có ngay hàng triệu kết quả mang nội dung thành kính và tri ân các chị, cả hình ảnh và nội dung giới thiệu đầy đủ. Ấy vậy, nhưng biết bao người vẫn muốn đến tận nơi mới yên tâm. Không ít người từng về thăm mộ các chị cho biết rằng kể cả sau đó, nếu có lần đi ngang Ngã ba Đồng Lộc mà không rẽ vào được, họ đều rất day dứt. Vì đây không phải chốn chỉ đến một lần. Tiếp đoàn chúng tôi trưa hôm đó là một cán bộ trẻ của Ban Quan lý di tích Ngã ba Đồng Lộc, Phan Công Lệ. Tiếng gọi “các chị” của Lệ sao mà nghe tha thiết như đó là 10 người chị ruột của Lệ, và điều này cũng lan truyền khiến chúng tôi có cảm giác như chung huyết thống cùng các chị. Được biết, Phan Công Lệ là một cử nhân văn khoa của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Không biết có phải vì thế không mà lời nói và ánh mắt của người cán bộ mặc áo quân nhân, đội mũ tai bèo này khiến người nghe thấy rất tin và nhớ mãi. Lệ đưa chúng tôi đến trước hố bom, nơi các chị đã hy sinh, trên miệng hố bom có những chân hương đỏ tươi màu nhang mới vừa cháy hết. Ai nhìn xuống hố bom, đã có phần hơi nhỏ so với hình dung, cũng rưng rưng, rồi dường như như thấy một chút nhẹ lòng khi được biết hố bom tượng trưng này sắp được khôi phục lại đúng như diện tích hố bom năm ấy…
Cần thành tâm khi về bên các chị
Lên khu mộ của các chị! Chúng tôi không ai nén lòng được vì lần đầu tiên trong đời đi thăm mộ, đi lễ lại có người phải chia hương, đếm chính xác từng que như thế. Phan Công Lệ trao vào tay chúng tôi mỗi người 11 nén. Một nén thắp ở lễ đài chung và mỗi nén thắp trên mộ của mỗi chị. Quả là nếu đến trước một chị mà thiếu mất một một nén hương thì sẽ day dứt, áy náy vô cùng.   Mỗi bó hoa bán tại đây ở đây đều có 10 bông, mỗi gói đồ lễ ở đây đều có 10 phần nhỏ. Chỉ riêng chi tiết này ai đến với Đồng Lộc mới thấu hết. Chính lúc đó, câu chuyện và bài thơ “Cúc ơi” được đọc lên với giọng sâu, trầm buồn của chính một người con Hà Tĩnh như Lệ làm chúng tôi cố nén cũng không cầm lòng được nữa. Trở về, nghe lại lời người cử nhân văn khoa ấy, dù đã qua máy ghi âm, vẫn thấy lắng đọng, nghẹn ngào: “Hôm ấy, 16h30 phút chiều 24/7/1968 các chị đã cùng hy sinh sau trận bom ác liệt. Nhưng đồng đội đến, tìm mãi vẫn chỉ thấy thi thể của 9 chị, còn chị Cúc mấy hôm không sao tìm được. Một đồng đội đã làm thơ gọi chị… Phan Công Lệ đứng bên mộ chị Cúc đọc những câu thơ tình sâu nghĩa nặng mà như cứa vào lòng người nghe: “Cúc ơi! Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang/ Cúc ơi, em ở đâu không về tập hợp/ Chín bạn đã quây quần đủ hết/ Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh/ A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh/ Chín bỏ làm mười răng được/ Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc/ Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng/ Cúc ơi, em ở đâu/... Ở đâu hỡi Cúc/ Đồng đội tìm em/ Đũa găm cơm úp/ Gọi em/ Gào em/ Khản cả cổ rồi/ Cúc ơi!”
Phan Công Lệ kể: “Phải chăng nhờ sự linh thiêng màu nhiệm nào đấy mà khi đồng đội vừa đọc xong câu thơ cuối cùng thì mọi người cũng tìm được chị bị vùi lấp, cách chỗ hy sinh của chín đồng đội gần 20 mét. Xúc động nhất là khi hy sinh chị vẫn trong tư thế ngồi, đầu vẫn đội nón, một tay cầm chặt cán xẻng, cả mười đầu ngón tay rướm máu, có lẽ chị đã tìm mọi cách bới đất để tìm đường ra.” Nhớ lại, khi đến trước mộ các chị, mất một lúc tôi chỉ loay hoay chụp ảnh và cứ ngẩn ra “chọn lọc ý tưởng” sẽ viết trong bài… Thế rồi, lúc xuống khỏi khu mộ, mở máy ảnh ra, không có kiểu ảnh nào trong thẻ nhớ! Hay mình đã luống cuống mà bấm nhầm?! Bỗng tôi nhớ lời một chị bạn trước khi lên đường. Biết tôi là một nhà báo đau đáu đi để viết, chị khẽ dặn: “Khi đứng trước các chị phải tập trung và thành tâm, đừng chỉ nhăm nhăm chuyện viết bài mà phải tội!”
Như thấy các chị ở bên
...
Giữa buổi trưa hôm ấy, đoàn công tác của chúng tôi có 5 người. Sau khi thăm mộ các chị, chúng tôi được đưa vào phòng tưởng niệm có sa bàn để được hình dung về trận chiến ác liệt mà các chị đã hy sinh. Bước vào căn phòng điều bất ngờ với chúng tôi là ở phía cuối có một hàng di ảnh của 10 chị với những đóa hoa trắng nhỏ, vừa giống một ban thờ tập thể, lại như một bức tường bảo tàng để ghi công. Một lần nữa rưng rưng, tôi có chút không đồng ý với bố cục của khu di tích, khi sắp xếp những hàng ghế của khách đã xoay lưng lại hàng di ảnh của các chị. Phan Công Lệ thông báo chúng tôi sắp được xem tái dựng về cuộc chiến ác liệt từ sa bàn phía trước. Đèn tắt. Bom nổ. Ánh sáng từ những cung đường về Ngã ba Đồng Lộc lấp lóa. Tôi bỗng thấy như 10 chị về bên ngồi cùng 5 người chúng tôi. Không sợ hãi nhưng thương quá không sao cầm nước mắt được, chúng tôi ngồi sát bên nhau nghe tiếng đập của tim mình, nghe lòng mình dâng lên ngẹn ngào. Sau khoảng 15 phút, chúng tôi đắm mình như sống trong thời đạn bom 43 năm trước. Đèn bật sáng, việc đầu tiên là bất giác chúng tôi quay lại tìm kiếm, xem các chị đã về trên hàng ảnh đen trắng cạnh những đóa hoa trắng nhỏ kia chưa. Trở ra xe rồi, nói chuyện, chúng tôi mới nhận ra rằng khi ấy, thầm cúi chào các chị, mỗi người đều có cảm nhận các chị vẫn ở bên trong gian phòng đầy tiếng bom đạn, tiếng xe tải chạy rầm rập trên đường huyết mạch Bắc-Nam năm nào. Trở về, tôi nhớ mãi căn phòng ấy. Đó là gian phòng chiến tranh giữa thời bình. Một gian phòng mà ai đến khó có thể quên. Điều băn khoăn là những hình ảnh, âm thanh, xúc cảm “trực quan” ấy làm sao đến được với mọi cặp mắt và ở lại trong tâm hồn của thế hệ trẻ hôm nay?  Lời đáp không chỉ từ Ban Quản lý di tích vì dường như họ đã làm tốt nhất có thể. Lời đáp còn từ trong nội dung giáo dục của các nhà trường, trong câu chuyện ở mỗi gia đình, để Ngã ba Đồng Lộc trở thành một trong những địa chỉ tri ân không được phép lãng quên. Vì 10 chị như vẫn đang sống, đang chứng kiến chúng ta sống như thế nào sau những hy sinh của bao người./.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc là một trọng điểm của tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, đế quốc Mỹ đã ném xuống 42.900 quả bom phá, 12.000 bom từ trường, 96 bom bi mẹ các loại, 94 quả rocket...

Quân và dân ta đã dũng cảm chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay địch, bảo đảm giao thông thông suốt, góp phần quan trọng để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cũng tại đây, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng. Đặc biệt là sự hy sinh của 10 cô gái trẻ đều chưa lập gia đình, người lớn tuổi nhất là 24 tuổi, người ít tuổi nhất mới có 17 tuổi, thuộc tiểu đội 4 thanh niên xung phong, vào ngày 24/7/1968, khi san lấp hố bom, sửa chữa đường cho xe qua.

Sau khi hi sinh, 10 nữ liệt sĩ được an táng ngay tại Đồng Lộc, sau đó lại chuyển về quê của từng người, giờ các chị lại được trở về Đồng Lộc bên nhau...

Ngay tại khu di tích Ngã ba Đồng lộc còn có nhà bia tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ trong lực lượng thanh niên xung phong toàn quốc đã hy sinh vì Đất nước.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục